Thứ năm, 28/03/2024 | 19:18 - GMT+7

(Bài 1) Quảng Ninh phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số toàn diện

Xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện; từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

23/03/2023 - 08:32
Công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang được tích cực triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số toàn diện ở cả ba lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây chính là động lực, nền tảng để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho KT-XH, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0.
Theo đó, Nghị quyết đã và đang được triển khai ở cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với kế hoạch được đề ra: phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số DTI (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) và an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Nghị quyết xác định lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực tạo ra sự đột phá của sự phát triển; là con đường ngắn nhất để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Quảng Ninh xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số; kinh tế số chiếm ít nhất 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ năm 2022, Quảng Ninh triển khai việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết thủ tục hành chính các cấp. Tỉnh phấn đấu hết năm 2023 sẽ hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng, gồm: đất đai; cán bộ, công chức, viên chức; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông. Từ năm 2024, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được số hóa. Đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Với những mục tiêu trên, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai đồng bộ, từng bước đạt được hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng doanh nghiệp), với 11.255 thành viên, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố. Tỉnh cũng đã tạo lập được một kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc với 100% số cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; hơn 98% số văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO. Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh cũng đã thực hiện tích hợp trang zalo Chuyển đổi số quốc gia vào trang zalo Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.
Theo tính toán của tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, tạo nền hành chính hiện đại với các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số đã giúp giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm. Bởi vậy, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được tỉnh thực hiện tích cực với việc cung cấp 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng số 1.832 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tính đến này, Quảng Ninh đã đưa 1.222 thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 75%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 3 của tỉnh hiện là 57,36%; dịch vụ công mức độ 4 là 29,45%. Từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Ninh đã có 168.380 hồ sơ trực tuyến được nộp trên tổng số 252.108 hồ sơ. Đến nay, người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính đồng thời theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ. Đáng chú ý, trong các chỉ số điểm thành phần thì chỉ số dịch vụ trực tuyến của Quảng Ninh đạt 10,5 điểm, cao hơn nhiều tỉnh, thành trong cả nước và khu vực, hiện UBND tỉnh đang được chấm số điểm là 61,52, mức điểm cao nhất toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trên Cổng quốc gia.

Cán bộ Sở Công Thương tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. (Ảnh: baoquangninh)
Hiện nay, Quảng Ninh là 1 trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước gửi-nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông bốn cấp và là địa phương sớm tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, lãnh đạo tỉnh có thể nắm bắt quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó, đồng thời công khai, minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên Cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin, trao đổi trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Mới đây, Quảng Ninh cũng đã ký kết ghi nhớ hợp tác với ba doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel và VNPT triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới Quảng Ninh tiếp tục tạo ra những tiện ích mới, tối ưu để phục vụ giải quyết thủ tục trực tuyến và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả cung cấp tiện ích phục vụ kinh tế - xã hội nhất là ở lĩnh vực du lịch, tài nguyên môi trường, lao động việc làm, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo... Điều này cho thấy những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số đối với giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; từ đó đóng góp vào lộ trình chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo https://dangcongsan.vn/

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 2
  • 0
  • 1
  • 0