Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:11 - GMT+7

Lắp đặt trạm sạc nhanh thúc đẩy sử dụng xe điện tại Việt Nam

Sử dụng xe điện đang dần trở thành xu hướng trong tương lai vì những ưu điện vận hành cũng như thân thiện với môi trường. Để thúc đẩy việc sử dụng xe điện tại Việt Nam, ThS. Trần Dũng (Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung) cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt trạm sạc nhanh xe ô tô điện nhằm khuyến khích việc sử dụng xe ô tô điện tại Việt Nam”.

20/03/2023 - 11:59
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã chế tạo trạm sạc với các vòi sạc cho phép sạc nhanh các chủng loại xe điện theo các tiêu chuẩn thống nhất trên thế giới, loại sạc một chiều điện áp từ 300-750V, dòng điện tối đa 60 A, công suất 60 kW, hiệu suất chuyển đổi lớn hơn 90%. 
Bên cạnh đó, trạm sạc có giao diện được thiết kế chính trên ngôn ngữ tiếng Việt (hỗ trợ tiếng Anh), có nhiều chế độ sạc như sạc thông thường, sạc đầy pin hoặc theo thời gian linh hoạt lựa chọn theo người dùng. Trạm sạc hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn IEC về trạm sạc DC cho xe điện như: IEC 61851-23 về hệ thống trạm sạc, IEC 61851-24 về truyền dữ liệu số và IEC 62196-3 về kết nối. Cùng với đó, thuật toán lập trình hệ thống có cấu trúc chặt chẽ đảm bảo ổn định, kiểm soát lỗi phát sinh, bảo vệ an toàn, quy trình thanh toán bằng mã QR (cổng dịch vụ VNPay).
Để vận hành trạm sạch, ThS. Trần Dũng cho biết phần mềm quản lý hạ tầng trạm sạc có mô hình bao gồm các trạm sạc được kết nối truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ (server) qua internet, chương trình quản lý sẽ cập nhật dữ liệu từ hệ thống máy chủ giám sát từ xa, nhanh chóng phát hiện các lỗi, bất thường trong vận hành. Đồng thời website tra cứu thông tin cũng được xây dựng để người dùng có thể tra cứu thông tin vị trí, trạng thái bận/rỗi,... của trạm sạc được nhanh chóng.
Trạm sạc ô tô điện (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Với những ưu điểm này, nghiên cứu đã mang lại một giải pháp giúp giảm chi phí đầu tư hệ thống trạm sạc so với việc mua thiết bị ngoại nhập do việc tự chủ nghiên cứu và thiết kế phần cứng phần mềm thiết bị, giá chỉ khoảng 2/3 giá thành trạm sạc ngoại nhập. Ngoài ra, cũng giảm được chi phí bảo trì sửa chữa trong quá trình vận hành, chỉ thay thế môđun bị lỗi, không cần phải thay thế toàn bộ khối, vật tư thiết bị có sẵn trong nước.
Kết quả của đề tài đã tạo tiền đề để phát triển mở rộng hệ thống trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sạch vào trong thực tiễn, khuyến khích phát triển các giải pháp kỹ thuật xung quanh hệ sinh thái xe điện. Đặc biệt, việc triển khai lắp đặt hạ tầng trạm sạc nhanh xe ô tô điện sẽ thúc đẩy khuyến khích được người dân trang bị xe ô tô điện làm phương tiện di chuyển đô thị giảm tình trạng ô nhiễm tại các đô thị.
Trạm sạc đã được triển khai thực tế vận hành với xe điện tại 01 tòa nhà và 02 cửa hàng xăng dầu. Với trạm sạc được lắp đặt tại tòa nhà Tổng công ty Điện lực miền Trung từ tháng 11/2018 đến nay phục vụ việc sạc và di chuyển 02 xe điện cho mục đích đưa đón khách tại cơ quan. Ngoài ra, trên cơ sở dự án “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và phát triển trạm sạc điện cho phương tiện sử dụng năng lượng điện” với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), nhóm tác giả đã tiến hành lắp đặt 2 trạm sạc tích hợp tại cửa hàng xăng dầu tại thành phố Đà Nẵng (cửa hàng xăng dầu Lê Văn Hiến, cửa hàng xăng dầu Hòa Xuân) vận hành từ 07/2020 đến nay. 
Với những kết quả này, đề tài đã xuất sắc đạt Giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Phương Loan

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 3
  • 2
  • 8
  • 0