Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:53 - GMT+7

Nhiệt điện Hải Phòng: Nhiều giải pháp số hóa và chuyển đổi số

Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng mô hình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

20/03/2023 - 11:59
Với mục tiêu tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng mô hình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kho vật tư của Nhiệt điện Hải Phòng
Quản lý thủ công kém hiệu quả
Là một trong những nhà máy sản xuất điện có quy mô lớn trong Tổng công ty Phát điện 2, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) có gần 12.500 mã vật tư phục vụ hoạt động sản xuất. Mỗi mã vật tư cần kèm theo nhiều thông tin để quản lý như: Chủng loại, số lượng, thông số kỹ thuật, vị trí của sản phẩm trong kho hàng, thời gian nhập kho, xuất kho...
Như trước đây, cách quản lý vật tư được công ty thực hiện theo phương pháp thủ công là: nhập, xuất và xử lý dữ liệu hoàn toàn trên bảng exel. Thực hiện theo phương pháp này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, từ truy xuất thông tin, tìm kiếm chính xác vật tư thiết bị sử dụng không hiệu quả.
Đặc biệt, khi người thủ kho nghỉ, người khác làm thay khó có thể tiếp cận công việc. Mỗi lần kiểm kê định kỳ cũng rất vất vả, cần nhiều nhân lực và thời gian để xử lý khối lượng lớn công việc. Các bộ phận hoàn toàn phụ thuộc vào bảng excel, định kỳ hàng tháng bộ phận thống kê gửi đến để tổng hợp. Bên cạnh đó, các bộ phận liên quan (thủ kho, chuyên viên kỹ thuật, kỹ thuật viên phân xưởng) không cập nhật được tồn kho chính xác tại thời điểm cần.
Trong một thời gian dài, HND đã sử dụng phần mềm ERP phân hệ INV trong công tác quản lý vật tư và chỉ dừng lại ở công tác thống kê nhập - xuất - tồn trên sổ sách giấy tờ. Mặt khác, do giới hạn về ký tự trong trường tên (240 ký tự) trên ERP mà rất nhiều vật tư (đặc biệt vật tư về điện, C&I) chưa mô tả được hết thông số kỹ thuật, dẫn đến khó khăn trong công tác tìm kiếm chính xác vật tư, thiết bị sử dụng; Bộ phận kho quản lý thủ công, tự tổng hợp các số liệu trên bảng excel không linh hoạt trong quản lý vật tư, mất nhiều thời gian.
Chuyển đổi để hiệu quả
Để đồng bộ và nâng cao hiệu quả quản lý chỉ bằng cách bằng chuyển đổi số. Theo đó, tháng 07/2022, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng bắt đầu triển khai chương trình “Áp dụng mã số - mã vạch trong công tác quản lý vật tư” bằng phần mềm QR code. QR code viết tắt của Quick Response Code (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh), đây là dạng mã vạch hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hoặc ipad, điện thoại thông minh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.​​ Khi quản lý kho bằng QR Code thì các thông tin vật tư sẽ được tự động mã hóa, người phụ trách sẽ in ra để dán lên sản phẩm khi nhập kho.
Giá hàng để vật tư của Nhiệt điện Hải Phòng
Khi áp dụng hệ thống mã vạch đi kèm với hệ thống quản lý các mặt hàng kho dựa trên công nghệ để truyền tải thông tin từ máy chủ khi thực hiện quá trình trao đổi hàng hóa giữa đơn vị nhập và xuất hàng hóa, lưu chuyển thiết bị từ bộ phận này sang bộ phận khác.
Mới chỉ áp dụng trong thời gian ngắn đã cho thấy, việc áp dụng mã số mã vạch giúp tiếp nối quản lý vật tư từ thống kê đến vị trí công trường…, không chỉ khắc phục được tồn tại trước đây phần mềm ERP chưa làm được mà còn mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp là giảm thiểu được nhân sự, nhanh, gọn, chính xác...
Dự kiến từ tháng 09/2022, việc áp dụng quản lý bằng mã số - mã vạch sẽ được Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng chính thức áp dụng. Qua đây kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao. “Việc áp dụng quản lý bằng mã số - mã vạch sẽ giúp Ban lãnh đạo cũng như các bộ phận kỹ thuật trong nhà máy có thể nắm bắt các thông tin về vật tư bất cứ lúc nào ngay trên chính thiết bị điện tử như: Điện thoại, ipad,... của mình - đó là chia sẻ của đại diện Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng”.
Một hiệu quả nữa, thông qua các thiết bị ứng dụng trên có thể theo dõi hàng tồn kho, kiểm tra thông tin vật tư với đầy đủ thông số kỹ thuật, hình ảnh... mình cần thay thế còn hàng hay không, giúp cho việc thay thế thiết bị được triển khai nhanh hơn cũng như lên kế hoạch mua sắm các thiết bị dự trữ, tránh phải đầu tư số tiền lớn mua hàng tồn kho.
Bên cạnh đó còn giúp cho bộ phận kho chủ động trong công tác kiểm soát vật tư nhập - xuất - tồn một cách chính xác tuyệt đối và khoa học, góp phần tiết kiệm thời gian trong quản trị doanh nghiệp , định vị được khu vực, vị trí của sản phẩm trong kho hàng, tiết kiệm thời gian trong việc lấy hàng hóa, giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả vốn lưu động, giảm thời gian lưu kho. Vật tư thiết bị chậm luân chuyển được quản lý chặt chẽ để xử lý kịp thời.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động thể hiện sự quyết tâm của tập thể Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng- là một trong những đơn vị hàng đầu trong công tác áp dụng chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu ngày càng tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nguồn: congthuong.vn/

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 3
  • 1
  • 6
  • 8