Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:13 - GMT+7

Chế tạo thành công robot lau khô và lau ướt tấm pin năng lượng mặt trời

Đây là kết quả của công trình nghiên cứu do Th.S Lê Hoàng Anh, Phó Trưởng khoa Cơ điện - Điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng cùng các cộng sự thực hiện.

17/03/2023 - 14:06
Đầu tư năng lượng mặt trời trên các mái nhà xưởng hiện nay đang là kênh đầu tư tài chính rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp, bên cạnh việc chủ động về nguồn điện đảm bảo cho sản xuất, các doanh nghiệp còn có thể bán điện cho công ty điện lực. Để có thể đảm bảo doanh thu theo như ước lượng từ các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư phải đảm bảo các yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng điện phát ra của hệ thống mà trong đó có một yếu tố rất quan trọng phải được thực hiện, đó chính là đảm bảo bề mặt tấm pin được sạch sẽ bằng cách vệ sinh định kỳ. 
Đối với các hệ thống hiện nay, tùy thuộc vào lượng bụi bẩn trong môi trường, sau 2-3 tháng lắp đặt thì công suất phát điện của hệ thống có thể giảm xuống từ 20-30% do lớp bụi bẩn bám trên bề mặt tấm pin cản trở sự hấp thụ ánh sáng của các tế bào quang điện.
Năng lượng mặt trời đang dần trở thành nguồn cung cấp điện trọng yếu trong xu hướng chuyển dịch năng lượng hiện nay. (Ảnh: www.hanhtinhxanhvn.com/)
Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài, Th.S Lê Hoàng Anh - Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay có hai giải pháp chính là vệ sinh thủ công và vệ sinh sử dụng thiết bị hỗ trợ (robot). Trong đó, việc sử dụng robot hỗ trợ sẽ góp phần rút ngắn thời gian làm việc cũng như tiết kiệm chi phí về nhân lực. Chính vì vậy, Th.S Lê Hoàng Anh cùng các cộng sự đã lên ý tưởng và xây dựng thành công giải pháp robot lau khô và lau ướt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho hệ thống áp mái nhà xưởng để tăng hiệu quả làm sạch tấm pin, giảm chi phí, giảm thời gian thực hiện và đảm bảo an toàn lao động.
Nguyên lý chính để vệ sinh tấm pin được thực hiện bằng cách dùng chổi quét đánh tan bụi bám trên bề mặt tấm pin. Nếu là phương pháp lau ướt thì nước sẽ được phun vào bề mặt tấm pin trước để làm cho bụi bẩn tan rã, sau đó chổi quét sẽ dễ dàng đánh và đẩy phần nước chứa bụi bẩn đã đánh tan di chuyển về phía trước và rớt vào phần khe hở giữa hai tấm pin. “Với giải pháp này thì 90% bụi bẩn thông thường đã được làm sạch. Để nâng cao hiệu quả làm sạch thì một cơ cấu gạt nước được đặt ở phía sau của robot. Cơ cấu này sẽ loại bỏ phần nước còn lại trên bề mặt tấm pin làm cho hiệu quả làm sạch tăng lên từ 5 đến 10%” - Th.S Lê Hoàng Anh cho hay.
Trước đó, để vệ sinh 1MW (tương đương 2.300 tấm pin, diện tích 6 ngàn m2) cần sáu công nhân làm việc trong năm ngày. Với phương pháp này, công nhân có thể bỏ qua các tấm pin ở những vị trí xa, vị trí nguy hiểm và dễ gây hư hỏng bề mặt tấm pin cũng như kết cấu mái. Tuy nhiên, khi sử dụng robot vệ sinh chỉ cần hai công nhân làm việc trong một ngày, người điều khiển có thể vệ sinh các tấm pin ở những vị trí nguy hiểm, đồng đều trên mọi tấm pin, giảm chi phí vận hành hệ thống, vừa tăng doanh thu bán điện do rút ngắn thời gian vệ sinh và giảm nhân công.
Đặc biệt, robot vệ sinh không phụ thuộc vào kích thước, số lượng và cách thức bố trí tấm pin trên mái, đồng thời có thể di chuyển linh hoạt qua khoảng cách giữa các dãy pin và dễ dàng vận chuyển lên mái nhờ khả năng tháo rời 05 bộ phận cấu thành mà thời gian lắp ráp chỉ mất năm phút.
Hình ảnh robot thực tế (Nguồn: Nhóm nghiên cứu)​
Bên cạnh đó, sản phẩm được thiết kế và chế tạo dựa trên công nghệ của nước ngoài, đồng thời có sự sáng tạo thêm phần cơ cấu gạt nước để nâng cao hiệu quả vệ sinh tấm pin. Đây cũng là một trong số ít các sản phẩm đã được thiết kế, chế tạo hoàn thiện và thử nghiệm trong môi trường thực tế thành công tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, phần lớn các chi tiết của sản phẩm được thiết kế và gia công tại Việt Nam ngoại trừ động cơ nên khả năng sản xuất hàng loạt với số lượng đủ phục vụ cho nhu cầu sử dụng là hoàn toàn có thể đáp ứng được. 
Sản phẩm đã được Trường Đại học Lạc Hồng chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH Công nghệ Viễn thông Chí Thanh sản xuất hàng loạt và đưa vào thương mại vào tháng 11 năm 2020. Cùng với đó, công trình nghiên cứu của Th.S Lê Hoàng Anh và các cộng sự đã xuất sắc đạt Giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai tổ chức.
Phương Loan

Cùng chuyên mục

5 Giải pháp thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số tại Gia Lai

28/03/2024 - 08:32

Năm 2024, tỉnh Gia Lai quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và huy động sự tham gia tích cực của người dân trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 8
  • 2
  • 1
  • 6