Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:05 - GMT+7

Tạo dữ liệu số quốc gia cho công nghiệp 4.0

Số hóa tài liệu lưu trữ là yêu cầu bắt buộc để tạo ra kho tài nguyên dữ liệu phục vụ các ngành công nghiệp số. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam về việc thúc đẩy tạo ra nguồn dữ liệu quốc gia phát triển công nghiệp 4.0.

14/03/2023 - 10:34
Phóng viên (PV): Công tác văn thư, lưu trữ có vai trò quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc đẩy mạnh số hóa tài liệu văn thư, lưu trữ sẽ đem lại hiệu quả gì, thưa ông?
Ông Đinh Thế Vinh: Việc lưu trữ tài liệu có ý nghĩa quan trọng, nhất là từ dữ liệu lưu trữ có thể phân tích, phát hiện các quy luật vận động của cả xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Bước vào kỷ nguyên số, việc số hóa tài liệu mang lại những điều vô cùng mới mẻ. Thứ nhất là có thể lưu trữ lâu dài một khối lượng rất lớn tài liệu lưu trữ. Thứ hai, quan trọng hơn là dưới dạng số hóa, dữ liệu lưu trữ có thể kết nối được với nhau theo bất kỳ mối quan hệ logic nào. Vì thế, nhờ ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), người ta có thể “khai phá” tư liệu lưu trữ để chiết xuất ra những thông tin có giá trị rất cao, phục vụ cho việc hoạch định các chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho việc điều hành đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Đinh Thế Vinh. 
PV: Việc xây dựng hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử và thiết kế nền tảng công nghệ cho lưu trữ điện tử sẽ đóng góp gì cho chủ trương xây dựng, thực hiện Chính phủ số?
Ông Đinh Thế Vinh: Việc xây dựng hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử và thiết kế nền tảng công nghệ cho lưu trữ điện tử đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, làm nền tảng trong việc triển khai xây dựng Chính phủ số. Hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin ngày càng được hoàn thiện như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai... Từ đó giúp chúng ta có thể tích hợp dữ liệu với các hệ thống khác; hệ thống hóa văn bản, hồ sơ và số lần truy cập hệ thống; dễ dàng tiếp cận, thuận tiện cho quá trình sử dụng; cho phép ký số, kiểm tra chữ ký số; nâng cấp, bổ sung các chức năng đáp ứng theo quy định của hệ thống. Nhờ vậy, giúp các bộ, ngành, địa phương xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức. 
Hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ cho hội viên thuộc Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam. Ảnh: HỒNG ANH 
PV: Thưa ông, trong quá trình thực hiện số hóa tài liệu văn thư, lưu trữ thì các doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam có gặp khó khăn gì không?
Ông Đinh Thế Vinh: Trong quá trình thực hiện số hóa tài liệu văn thư, lưu trữ thì chúng tôi gặp phải một số vướng mắc: Tình trạng vật lý của tài liệu nền giấy và các loại hình vật mang tin khác có hiện tượng xuống cấp nhiều, có nguy cơ hư hỏng hoàn toàn dẫn đến việc số hóa khối tài liệu này rất khó khăn, vất vả; công tác bảo mật thông tin trong tài liệu lưu trữ khi được thực hiện số hóa tài liệu chưa được quy định cụ thể, từ đó có thể dẫn tới rò rỉ, mất dữ liệu, lộ bí mật nhà nước; hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá hiện hành trong công tác lưu trữ và số hóa tài liệu lưu trữ đã lạc hậu, chưa bắt kịp với sự phát triển công nghệ thông tin. Ngoài ra, chưa có quy định của Nhà nước cho phép thành lập cơ quan lưu trữ để tích hợp, chia sẻ, bảo hiểm dữ liệu, thu thập tài liệu qua hệ thống, chỉnh lý tài liệu điện tử.
PV: Ông có kiến nghị gì để công tác văn thư, lưu trữ nước ta bắt kịp với hoạt động lưu trữ thế giới?
Ông Đinh Thế Vinh: Lưu trữ thế giới đã tiến rất xa, trong khi đó ở nước ta, số hóa lưu trữ mới chỉ bắt đầu. Để công tác văn thư, lưu trữ nước ta bắt kịp với hoạt động lưu trữ thế giới, tôi đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lưu trữ năm 2011 để phù hợp với tình hình thực tế đặt ra về lưu trữ điện tử và hoạt động dịch vụ lưu trữ, tạo điều kiện hơn nữa cho lưu trữ tư nhân và các doanh nghiệp lưu trữ tham gia sâu rộng vào công tác lưu trữ của đất nước. Nhà nước cần chú ý quy hoạch phát triển các dịch vụ ngoài công lập trong lĩnh vực này, đáp ứng quy mô định hướng phát triển, phù hợp với yêu cầu xã hội. 
Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam đối với hoạt động công tác văn thư, lưu trữ. Cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ nên giao cho Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam thực hiện một số công tác như: Được hỗ trợ kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về công tác văn thư, lưu trữ; được giao kinh phí từ ngân sách thực hiện các đề án, đề tài nghiên cứu giải pháp về lưu trữ; được tổ chức thi nghiệp vụ lưu trữ làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ... 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: qdnd.vn/

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 2
  • 7
  • 1
  • 4