Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:31 - GMT+7

Ưu tiên phát triển công nghệ tự động hóa

Tự động hóa là một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp và có ảnh hưởng đến đa ngành. Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực này ở nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức, cần phải được quan tâm, ưu tiên hơn nữa.

10/03/2023 - 09:03

Các trang thiết bị hiện đại tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội (Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội). Ảnh: Hằng Thu
Nâng cao lợi thế cạnh tranh
Nhu cầu của ngành tự động hóa ở Việt Nam ngày càng tăng, bởi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của tự động hóa trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền hiện đại hoàn toàn tự động, độ chính xác cao để sản xuất ra các sản phẩm LED chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. “Chúng tôi muốn nhanh chóng tiếp thu trí tuệ nhân loại, biến thành giá trị tri thức của người Việt Nam (thiết kế, sản xuất tại Việt Nam, kinh doanh trên các nền tảng số do người Việt sở hữu dữ liệu); nâng cao chất lượng sống của khách hàng, thực hiện khát vọng “make in Việt Nam” trong tương lai gần”, ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết thêm.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải, trước đây, ở EVN việc tự động hóa chỉ tập trung ở một số khâu trong dây chuyền sản xuất, tiếp sau đó đến sử dụng robot, cảm biến, camera chụp ảnh tự động và đến nay, tự động hóa gắn với chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Các công nghệ mới được ứng dụng đã phát huy hiệu quả, bảo đảm tính mềm dẻo, linh hoạt trong các hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối điện.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tự động hóa là một cấu phần quan trọng trong việc triển khai xây dựng lưới điện thông minh. EVNHANOI đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung được tích hợp trên hệ thống giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu (SCADA), hệ thống ứng dụng phần mềm lõi của EVN và hệ thống phần mềm EVNHANOI phát triển. Việc xây dựng này đã nâng mức thông minh của lưới điện, nâng cấp việc quản trị tài sản lưới điện và xây dựng nhân lực đáp ứng công tác vận hành linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng. EVNHANOI cũng là đơn vị tiên phong trong triển khai hệ thống giám sát online các thông số vận hành và cảnh báo các hiện tượng bất thường cho các trạm biến áp phân phối…
Tuy nhiên, tự động hóa vẫn chưa trở thành một ngành riêng biệt tại Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, lĩnh vực tự động hóa ở Việt Nam có trình độ trung bình và mức độ rất hạn chế, các thiết bị dây chuyền sản xuất tự động hầu hết đều nhập khẩu. Việc đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về robot và tự động hóa còn chưa được chú trọng, hầu hết sử dụng lại công nghệ cũ trên thế giới.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về đổi mới sáng tạo công bố cuối năm 2021 cũng chỉ ra số lượng doanh nghiệp Việt Nam có sử dụng các công nghệ 4.0 như in 3-D, robot rất ít. Chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghệ 3.0 và chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả.
Dây chuyền sản xuất tự động sản phẩm Led tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Thùy Linh
Để phát triển công nghệ tự động hóa
Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, nước ta không thiếu các nhà khoa học giỏi về tự động hóa, nhiều người đã được giải thưởng quốc tế, nhưng việc ứng dụng kết quả nghiên cứu đó vào sản xuất, kinh doanh lại rất hạn chế. Nguyên nhân thì có nhiều, từ hành lang pháp lý, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và thương mại hóa, chính sách đối với nhà khoa học và quyền sở hữu trí tuệ, đến hệ sinh thái kinh doanh, sự quan tâm của các nhà quản lý, doanh nhân…
Để có thể phát triển và hội nhập nhanh chóng với xu hướng tự động hóa trên toàn cầu, Việt Nam cần có một chính sách kết nối giữa doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều thành phần quan trọng khác để tận dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kết quả nghiên cứu của các viện, trường vào thực tế, giải quyết trực tiếp những "bài toán" mà doanh nghiệp đặt ra.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã xác định, công nghệ tự động hóa là một trong những hướng công nghệ ưu tiên. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực điều khiển, tự động hóa cũng liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, với khoảng 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và danh mục 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa.
“Trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, công nghệ tự động hóa cũng thuộc nhóm các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu và là cấu phần quan trọng trong nhiều chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia. Hiện tại, Bộ đang chủ trì Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa”. Một trong những mục tiêu của chương trình là nghiên cứu, làm chủ công nghệ lõi trong thiết kế, chế tạo, tích hợp các hệ thống tự động hóa thế hệ mới cho các ngành kinh tế trọng điểm”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

5 Giải pháp thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số tại Gia Lai

28/03/2024 - 08:32

Năm 2024, tỉnh Gia Lai quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và huy động sự tham gia tích cực của người dân trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 4
  • 9
  • 9
  • 3