Thứ sáu, 19/04/2024 | 10:41 - GMT+7

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh công tác chuyển đổi số đối với toàn dân

Sáng 27/4, Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã diễn ra tại Trụ sở Chính phủ. Phiên họp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành trong cả nước.

04/05/2022 - 10:53
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, có Chính phủ số, chính quyền số mà không có công dân số thì không thành công. Vì vậy, cần quan tâm tới công tác chuyển đổi công dân số. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ảnh: vov.vn/)
Thủ tướng cũng nêu rõ, cần xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, góp phần chuyển đổi số gắn với sự phát triển, sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cao nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đồng thời khẳng định cần chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính. Trong quá trình này, Thủ tướng đề nghị các cấp, chính quyền cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh những tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; đồng thời phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn vấn đề ưu tiên, có sức lan tỏa, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, manh mún...
Ngoài ra, cần rà soát lại thể chế vì đây là một trong ba đột phá việc cụ thể hoá thể chế. Việc bổ sung, hoàn thiện thể chế phải có hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ số. Thủ tướng lưu ý cần huy động được nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư, huy động sự đóng góp của người dân, từ đó giải quyết vấn đề quản trị như thế nào để chuyển đổi số vừa hiện đại, vừa phù hợp tình hình, nền kinh tế, năng lực; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: vov.vn/)
Báo cáo tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian qua, chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét: 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban (Có 6 địa phương do Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo là Bến Tre, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Lào Cai, Bình Định).
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Cụ thể, Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai CSDL quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, đồng thời từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, bao gồm trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng…)
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế nước nhà. Ước tính, doanh thu kinh tế số Quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành bước đầu về kết nối hệ thống CSDL ngành giáo dục với CSDL quốc gia về dân cư. Đặc biệt, đã kết nối, trao đổi và đồng bộ dữ liệu về đội ngũ giáo viên với 1,3/1,4 triệu hồ sơ cán bộ đã được đồng bộ giữa 2 CSDL và khoảng 24 triệu học sinh, trong đó gần 1 triệu hồ sơ học sinh đang học lớp 12 sẽ kịp đồng bộ trước ngày 29/4/2022 để đưa vào sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học năm 2022.  
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính là: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Phương Loan

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 2
  • 5
  • 5
  • 3