Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:18 - GMT+7

Hình thành hành lang pháp lý thúc đẩy triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Cần hình thành những hành lang pháp lý để thúc đẩy triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đặc biệt quan tâm vấn đề về đạo đức, quy định để sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

21/04/2022 - 14:06
Theo dữ liệu của Mạng lưới Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam - Australia (Vietnam - Australia AI), trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng ứng dụng trong quản lý nhà nước, phục vụ nhu cầu cải tiến chính sách đầu tư, đề án xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số quốc gia và chính phủ điện tử.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, AI đã được ứng dụng trong một số ngành như thương mại điện tử (29%), giao thông vận tải và logistic (18%), giáo dục (13%), bất động sản (12%), tài chính (11%), nông nghiệp (5%) và các lĩnh vực khác (12%). Với ngành tài chính ngân hàng, AI được ứng dụng trong phần mềm trả lời tự động (chatbot), công cụ phát hiện gian lận và rửa tiền, hỗ trợ quyết định tín dụng. AI trong ngành thương mại có thể nhận diện mã sản phẩm, áp dụng sinh trắc học trong thanh toán điện tử.
Trong ngành giao thông và logistic, AI có thể phục vụ các trạm thu phí không dừng, trung tâm giám sát điều hành giao thông, hệ thống logistic thông minh hay taxi công nghệ. Robot thông minh tích hợp AI cũng được triển khai tại một số bệnh viện nhằm hỗ trợ cán bộ y tế. Dù vậy, mức độ áp dụng AI trong từng lĩnh vực còn chênh lệch.
Một số thách thức khi áp dụng AI vào các ngành kinh tế - xã hội tại Việt Nam gồm cơ sở vật chất, thông tin phục vụ phát triển còn yếu, việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu chưa hiệu quả.
Cũng theo dữ liệu của Vietnam - Australia AI, số lượng bài báo quốc tế liên quan đến AI của Việt Nam liên tục tăng, đặc biệt trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong giai đoạn 1996-2018, lượng công bố khoa học của Việt Nam trên cơ sở dữ liệu Web of Science (cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics) và Scopus (một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) đứng thứ 5/10 trong khu vực ASEAN. Trên Scopus, lượng bài công bố về AI của Việt Nam chiếm khoảng 5,3%, gồm 1.643 bài về kỹ thuật AI lõi, 1.096 bài về thị giác máy tính.
Năm 2010, Việt Nam có 134 công bố khoa học về AI. Sau 7 năm, con số trên đã tăng gấp 4 lần, đạt 532 và 525 bài viết trong các năm 2017 và 2018.
Từ 2010-2018, lượng công bố khoa học về AI của Việt Nam là gần 2.500 bài. Việt Nam có 372 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế về AI, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Năm 2019, tổng số nhân lực trong ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) của Việt Nam khoảng 970.000 người, trong đó lĩnh vực phần mềm và nội dung số chiếm khoảng 180.000 người. Lượng cán bộ nghiên cứu về AI (trong và ngoài nước) là 1.600 người.

Ảnh minh hoạ
Còn theo đánh giá về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của chính phủ do Oxford Insights (Vương quốc Anh) và Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2021, Việt Nam xếp vị trí thứ 62 toàn cầu.
Việt Nam đã có sự đầu tư mạnh mẽ, đúng hướng, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu không chỉ được tận dụng để phát triển các sản phẩm công nghệ có giá trị thương mại mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề đặt ra từ cuộc sống.
Trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng trong nhận diện mệt mỏi của tài xế, tránh tai nạn xảy ra, lọc thông tin xấu độc trên Internet hoặc chẩn đoán bệnh ung thư... Dữ liệu là yếu tố rất quan trọng trong bất kỳ ứng dụng nào của trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu cần đủ lớn, được gắn nhãn, dễ dàng tiếp cận và đáng tin cậy.
Theo PGS. TS. Nguyễn Long Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tiên tiến về trí tuệ nhân tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hạ tầng chia sẻ dữ liệu và hạ tầng mạng lưới tính toán là yếu tố cốt lõi để có thể phát triển những ứng dụng về trí tuệ nhân tạo. Nó là nền tảng cho các nhóm nghiên cứu cùng xây dựng mô hình chia sẻ công cụ về trí tuệ nhân tạo, từ đó phát triển các giải pháp giải quyết bài toán cụ thể. Nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo cũng cần đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng để tạo được những sản phẩm tốt.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: "Nguồn nhân lực của chúng ta cần được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu cũng như đào tạo về kĩ năng trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng. Thứ hai, cần hình thành hành lang pháp lý để thúc đẩy triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đặc biệt quan tâm những vấn đề về đạo đức, quy định để mà sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam".
Việc triển khai "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030" sẽ thúc đẩy xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo về AI và hình thành một số thương hiệu AI của Việt Nam mang tầm khu vực.
Theo VietQ

Cùng chuyên mục

Bổ sung 4 nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi số Việt Nam

28/02/2024 - 08:32

Theo danh mục nền tảng số quốc gia lần 2 được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành để thay thế cho danh mục công bố lần 1, có 4 nền tảng được bổ sung gồm: Hóa đơn điện tử, Bảo hiểm Xã hội số, Cảng biển số và Cửa khẩu số. Với 4 nền tảng được bổ sung, tổng số danh mục nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số gồm 38 nền tảng.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 5
  • 1
  • 8
  • 0