Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:52 - GMT+7

Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành than

Nắm bắt xu thế của chuyển đổi số, những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tăng năng suất lao động, giảm sức người, giảm gánh nặng chi phí, tạo ra những giá trị thiết thực không chỉ cho sản xuất, mà đảm bảo những mục tiêu ổn định, lâu dài trong chiến lược phát triển.

27/04/2022 - 15:39
Trước khi khái niệm chuyển đổi số xuất hiện, nhiều doanh nghiệp ngành than đã chủ động bắt nhịp với thời đại công nghệ, tích cực nghiên cứu và ứng dụng phần mềm tin học vào một số khâu của dây chuyền sản xuất than. Sự chủ động này không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà còn là một bước tiến nhanh hơn đến mục tiêu chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành than.
Từ năm 2017 đến nay, Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin đã chủ động xây dựng và triển khai 34 dự án, đề tài về tin học hóa, tự động hóa, trở thành điểm sáng của TKV về phong trào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là phần mềm ghi biểu, thống kê chuyến trực tuyến trên Google Sheets được Than Đèo Nai đưa vào sử dụng từ đầu năm 2021. Phần mềm này được thiết kế để ghi biểu, thống kê chuyến cho các phương tiện, thiết bị máy xúc, ô tô hoạt động trong ca sản xuất.
Cán bộ, công nhân Công ty CP Than Đèo Nai thống kê các chuyến xe vận tải mỏ bằng phần mềm trực tuyến ngay tại khai trường sản xuất. Ảnh: Hoàng Nga
Anh Phạm Văn Luân, Phòng Điều khiển Sản xuất, Công ty CP Than Đèo Nai - tác giả phần mềm cho biết: “Việc áp dụng phần mềm ghi biểu thống kê chuyến trực tuyến trên Google Sheets giúp Than Đèo Nai tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí sản xuất. Cụ thể, người điều khiển phương tiện như máy xúc, xe ô tô giảm được thời gian phải lên/xuống xe để chốt chuyến cuối ca, giảm nguy cơ mất an toàn lao động, giảm mức tiêu hao nhiên liệu và tăng thời gian lao động hữu ích, tăng năng suất máy móc thiết bị”. 
Không riêng Than Đèo Nai, ứng dụng công nghệ trong điều hành sản xuất cũng mang lại hiệu quả với mỏ hầm lò Uông Bí. Từ năm 2020, Công ty Than Uông Bí - TKV đã triển khai viết nhật lệnh sản xuất trên môi trường phần mềm, thay vì viết tay như trước. Với quy trình cũ, thời gian viết nhật lệnh bằng tay ở các phân xưởng sẽ mất từ 60-120 phút. Nay, thời gian của toàn bộ công đoạn này rút xuống chỉ còn 10 phút.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty, để nâng cao hiệu quả của phần mềm, từ tháng 6/2021, công ty đã đưa ứng dụng tích hợp vân tay vào quy trình giao ca nhật lệnh. Theo đó, công nhân khi đến nhà giao ca tự điểm danh bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt và ký lệnh sản xuất bằng vân tay. Phần mềm này sẽ tự động kết nối vào ca lệnh của phó quản đốc, tạo thuận lợi cho các bước triển khai công việc tiếp theo.
Trong thời đại chuyển đổi số, cải tiến phương pháp điều hành, quản lý vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là giải pháp đa lợi ích cho doanh nghiệp. Sớm nhận định xu thế này, TKV đã xây dựng và ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin vào khâu quản lý, quản trị, điều hành doanh nghiệp. “Đó là việc áp dụng những hệ thống tập trung như: Hệ thống giám sát lưu chuyển dòng than - cung cấp các thông tin về khối lượng và chất lượng than tại các đơn vị một cách đầy đủ, trực quan; hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất TKV - cho phép xây dựng, tích hợp các dữ liệu địa chất của TKV vào một ngân hàng dữ liệu địa chất; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp để chuẩn hoá lại quy trình nghiệp vụ quản lý văn bản điều hành, tích hợp chữ ký số và tiến tới liên thông văn bản toàn Tập đoàn các công ty con, đơn vị trực thuộc, cùng nhiều hệ thống công nghệ thông tin khác” - ông Đỗ Hồng Nguyên, Trưởng ban KCL - TKV cho biết.
Trên nền tảng hạ tầng sẵn có và những thành tựu ban đầu của công cuộc chuyển đổi số, TKV đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2025. Theo đó, TKV sẽ chuyển đổi hầu hết các hoạt động của Tập đoàn trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn.
Để thành công, TKV cũng xác định rõ, yêu cầu chuyển đổi số trước tiên là yêu cầu chuyển đổi về nhận thức, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong toàn Tập đoàn về chuyển đổi số. TKV cũng sẽ nghiên cứu ban hành các quy định, quy trình và cơ chế để khuyến khích các đơn vị, cá nhân đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như khởi nghiệp sáng tạo.
Nguồn: Theo Báo Quảng Ninh

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 1
  • 1
  • 2
  • 8
  • 8