Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:01 - GMT+7

Chế tạo thiết bị tự động sấy hồng ngoại và khử khuẩn cho trái cây

Thiết bị tự động sấy hồng ngoại và khử khuẩn do nhóm các nhà khoa học của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chế tạo vừa giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng, vừa giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông sản sau thu hoạch của Việt Nam.

15/04/2022 - 09:34
Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị tự động sấy hồng ngoại và khử khuẩn” do TS. Vũ Kế Hoạch làm chủ nhiệm. Giải pháp này đã đạt giải Khuyến khích tại Hội thi sáng tạo TP. Hồ Chí Minh lần thứ 26 (2019 – 2020) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động và Đoàn Thanh niên Cộng sản TP. HCM phối hợp tổ chức vào tháng 12 vừa qua. 
Cụ thể, TS. Vũ Kế Hoạch và các cộng sự đã chế tạo thành công thiết bị sấy thảo dược, trái cây thái lát (cụ thể là thanh long) có năng suất 50kg/mẻ với thời gian khử khuẩn chỉ 15 phút và thời gian sấy chỉ 8,5 giờ.
Theo đó, thiết bị được chế tạo bằng thép không gỉ, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm cho sấy thanh long và thực phẩm khác. Các bộ phận chính của thiết bị gồm buồng sấy, khay sấy, đèn hồng ngoại, bánh xe, dàn ngưng tụ, dàn bay hơi, quạt hút, quạt xả ẩm, quạt thổi, đèn khử khuẩn cực tím và bộ phận phân bố tác nhân sấy. Đáng chú ý, các thao tác trên thiết bị này rất đơn giản, dễ vận hành, cài đặt cũng như hiệu chỉnh.
Nguyên liệu thanh long thái lát chuẩn bị được đưa vào sấy. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
TS. Hoạch cho hay, thiết bị ứng dụng nguyên lý sấy bơm nhiệt và khử khuẩn bằng tia cực tím, giúp giữ được màu sắc và mùi vị tự nhiên của sản phẩm. Bên cạnh đó, công nghệ này còn giúp rút ngắn được nhiều thời gian so với phương pháp sấy thông thường, nâng cao năng suất và ứng dụng cho nhiều loại sản phẩm như thảo dược, dược liệu, trái cây thái lát,…So với hai thiết bị sấy phổ biến nhất hiện nay là sấy không khí nóng và sấy bơm nhiệt, thiết bị do nhóm chế tạo giúp rút ngắn thời gian sấy từ 2,5 – 6 giờ.
Nhằm kiểm tra khả năng sấy và khử khuẩn cho thanh long tươi thái lát và đo đạc kiểm tra các thông số kỹ thuật của thiết bị do nhóm chế tạo, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sấy thanh long thái lát tại xưởng chế biến của Công ty TNHH Thương mại Thanh long Thành Đạt (xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Cụ thể, 200kg thanh long thái lát được sấy ở nhiệt độ 47oC trong 8,5 tiếng và khử khuẩn trong 15 phút để đạt được độ ẩm 11,8%. Đây là độ ẩm đạt yêu cầu sấy của công ty.
Qúa trình sấy (ảnh trái) và quá trình khử khuẩn (ảnh phải) thanh long thái lát bằng thiết bị tự động sấy hồng ngoại và khử khuẩn do nhóm nghiên cứu chế tạo. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Kết quả cho thấy, về cảm quan, lát thanh long sau khi sấy có vị thơm đặc trưng, độ cong vênh ít. “Thanh long sau khi sấy khô và khử khuẩn không bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, vi sinh vật, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của công ty” - TS. Hoạch nhấn mạnh.
Quá trình thử nghiệm còn cho thấy thiết bị làm việc có hiệu quả hơn hẳn so với máy sấy không khí nóng mà công ty đang sử dụng. Cụ thể, để sấy một mẻ thanh long, máy sấy không khí nóng cần 14,5h và tiêu thụ điện năng khoảng 48 - 50kWh với nhiệt độ sấy 48 - 50oC. Với thiết bị sấy do nhóm nghiên cứu chế tạo, thời gian sấy giảm xuống chỉ còn 59 - 77%, năng lượng tiêu hao 66 - 72% so với phương pháp sấy không khí nóng.
Thanh long thành phẩm (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng trái cây lớn trên thế giới. Tuy nhiên, khi vào vụ, trái cây tại các vườn đồng loạt chín rộ khiến sản lượng trái cây thu hoạch tại cùng thời điểm quá nhiều, làm hạ giá thành và dẫn đến tình trạng ùn ứ. Do đó, việc chế tạo thành công thiết bị tự động sấy hồng ngoại và khử khuẩn sẽ giúp giải quyết vấn đề này, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nhờ tính năng có thể cài đặt, hiệu chỉnh thông số chạy cho thiết bị cũng như hiệu quả của thiết bị, thiết bị do các nhà khoa học Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chế tạo còn có thể sấy được nhiều loại trái cây khác nhau.
Được biết, thiết bị có giá thành khoảng 300 triệu đồng, phù hợp cho các cơ sở sấy trái cây có quy mô vừa và nhỏ trong ngành chế biến sau thu hoạch.
Phương pháp sấy bơm nhiệt kết hợp hồng ngoại có nhiều ưu điểm. So với phương pháp sấy chân không, phương pháp này sử dụng nguồn phát hồng ngoại rẻ tiền nên chi phí đầu tư thiết bị rẻ hơn. Trong khi đó, so với phương pháp sấy bơm nhiệt thông thường, phương pháp sấy bơm nhiệt kết hợp hồng ngoại có sử dụng bức xạ hồng ngoại nên tốc độ truyền nhiệt lớn, khả năng trao đổi nhiệt tốt hơn, dễ điều chỉnh nguồn nhiệt và nhiệt độ trên bề mặt sản phẩm, rút ngắn được nhiều thời gian sấy.
Hà Nguyễn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 6
  • 6
  • 2
  • 9