Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:13 - GMT+7

Cần Thơ đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số TP Cần Thơ vừa họp đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số trong năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

07/03/2022 - 08:27
Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ  yêu cầu sở, ngành thành phố và các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số trong năm nay. Ðồng thời, có những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tiến độ chuyển đổi số liên quan đến lĩnh vực, ngành quản lý, sao cho hiệu quả và thiết thực. 
Lãnh đạo TP Cần Thơ làm việc trực tuyến với đối tác tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh.  
Kết quả tích cực
Thời gian qua, các sở, ngành và địa phương thực hiện chủ trương, chính sách chuyển đổi số được cụ thể bằng Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 4-8-2021, của Thành ủy Cần Thơ về chuyển đổi số TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 241/KH-UBND, ngày 30-11-2021, của UBND thành phố về chuyển đổi số TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 3978/QÐ-UBND, ngày 20-12-2021, của UBND TP Cần Thơ về ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung TP Cần Thơ. Thành phố hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, nâng cấp các hệ thống dùng chung… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng đẩy mạnh phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống dịch; các hệ thống, nền tảng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Các hệ thống dùng chung của thành phố phát huy hiệu quả vào các hoạt động công vụ; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phủ khắp đến xã, phường, thị trấn giúp cho hoạt động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống dịch hiệu quả… Chỉ số xếp hạng chuyển đổi số năm 2020 của TP Cần Thơ đứng thứ 7/63 tỉnh, thành; chỉ số thương mại điện tử năm 2021 thành phố đứng thứ 10/63 tỉnh, thành…
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Ngành Y tế thành phố đã và đang triển khai một số ứng dụng trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống dịch, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời và hiệu quả. Ðó là hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm; hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia; hệ thống giám sát HIV/AIDS (được triển khai đến các xã, phường) và các ứng dụng phòng, chống dịch (PC-COVID, NCOVI, Bluezone, hệ thống quản lý dân cư trên nền tảng điện toán đám mây…). Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cộng đồng đã hỗ trợ thành phố thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng, chống dịch bệnh, nhất là COVID-19.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng là cơ hội tăng cấp độ chuyển đổi số trong ngành. Suốt học kỳ I của năm học 2021-2022, ngành giáo dục triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh. Kết thúc học kỳ, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng khá cao, khẳng định phần nào thành công trong chuyển đổi số để thích ứng. Sở Giáo dục và Ðào tạo cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về xây dựng bài giảng điện tử, cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, soạn giảng giáo án điện tử; phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tập huấn “Tư duy thời đại số”, tăng cường triển khai sâu rộng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức… Qua đó, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên rõ rệt. Sở đang đẩy mạnh phổ cập năng lực số, xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến kết nối từ Sở đến các phòng giáo dục và đào tạo, các trường. Nghiên cứu thí điểm một số phòng học hiện đại hướng đến phát triển mô hình trường học thông minh. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành, tích hợp với kho dữ liệu chung của thành phố.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Năm 2021 dưới tác động của dịch COVID-19, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số ở khâu thực hiện chuyển giao kỹ thuật bằng hình thức trực tuyến, dựa trên nền tảng số để đẩy mạnh nội dung này. Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân; riêng đợt giãn cách xã hội, ngành Nông nghiệp cùng các sở, ngành thành phố và các địa phương kết nối tiêu thụ được gần 30.000 tấn nông sản các loại. Năm 2022, ngành đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp, dự kiến hoàn thành trong quý I và trình UBND thành phố phê duyệt. Sở cũng chọn chuyển đổi số là 1 trong 2 khâu đột phá để tập trung cho công tác chỉ đạo, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Nâng cao năng lực chuyển đổi số
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 của thành phố nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, phù hợp với nhu cầu; sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để đưa ra chính sách chính xác, kịp thời; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Ðổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn. Thí điểm mô hình chuyển đổi số tại một số đơn vị cấp huyện, cấp xã, tập trung triển khai chuyển đổi số trên một số lĩnh vực ưu tiên.
Mục tiêu cụ thể là: số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 50%, 40%, 35%; tối thiểu 50% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 25% trở lên; 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; ít nhất 50% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia… Về phát triển kinh tế số và xã hội số, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, hướng đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GRDP; hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 70% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 65%-70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép. Ngoài ra, phấn đấu trên 90% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% trạm y tế xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 80% cơ sở khám chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 100% bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; 100% học sinh có hồ sơ số về việc học tập cá nhân…
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Các ngành, các địa phương trực tiếp và hiểu sâu sát lĩnh vực ngành quản lý, nhanh chóng triển khai thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số của thành phố. Có những giải pháp cụ thể liên quan đến lĩnh vực, ngành quản lý sao cho hiệu quả và thiết thực, nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của ngành, địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông cần hoàn chỉnh kế hoạch chuyển đổi số của thành phố năm 2022, theo dõi, đôn đốc, phối hợp và hỗ trợ các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số thành phố. Ngoài ra, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng; các nền tảng công nghệ thông tin quan trọng dùng chung cho các cơ quan nhà nước để thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông cho phát triển xã hội số. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Ðề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

Giải pháp thu hút dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh vào các KCN Hà Nội

28/03/2024 - 08:32

Tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu việt nam 2024” được tổ chức ngày 26/3 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội (HIZA) đã chia sẻ một số giải pháp thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh, công nghiệp điện tử bán dẫn vào các KCN Hà Nội.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 7
  • 8
  • 5
  • 3