Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:28 - GMT+7

Hệ thống Robot bốc xếp hàng tự động 300 tấn/ngày

Hệ thống Robot bốc xếp tự động 300 tấn/ngày do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế, chế tạo và lắp đặt cho Công ty cổ phần bột giặt LIX giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả trong khâu đóng gói và lưu trữ hàng hóa.

28/02/2022 - 14:26
Hệ thống Robot bốc xếp hàng tự động (robot palletizing) là một công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa Logistics, trong đó, áp dụng ý tưởng về việc sử dụng hệ thống robot công nghiệp để thực hiện xếp chồng các loại hàng hóa theo mô hình nhất định và thực hiện các hoạt động hậu cần như đóng gói và lưu trữ.
Các thành phần trong một cụm Robot bốc xếp: (1)- Băng tải đầu vào; (2)- Cánh tay Robot; (3)- Máy cấp pallet; (4)- Máy quấn màng; (5)- Máy dán nhãn; (6)- Băng tải đầu ra; (7)- Hệ thống điện; (8)- Hàng rào an toàn
Robot bốc xếp hàng tự động do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế, chế tạo và lắp đặt cho Công ty cổ phần Bột giặt LIX có các thông số cơ bản như sau: Số robot bốc xếp: 3 robot, tốc độ gắp của robot tối đa 6 s/thùng; Hệ thống băng tải vận chuyển hàng và pallet: 3 hệ; Máy cấp pallet: 3 máy, sức chứa tối thiểu 12 pallet; Máy quấn màng pallet: 3 máy, hiệu xuất quấn màng 20-40 pallet/giờ. Hệ thống Robot bốc xếp tự động thay thế hoàn toàn sức lao động của con người; vận hành chính xác với cường độ hoạt động cao và liên tục (24/24) và linh hoạt trong việc chuyển đổi chủng loại sản phẩm với các chương trình đã được cài đặt sẵn vào hệ thống. Robot hiển thị số lượng hàng hóa đóng pallet theo thời gian thực. Giao diện vận hành đơn giản nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin. Đặc biệt an toàn vận hành, các chức năng được mã hóa liên động, nhằm mục đích an toàn cho cơ cấu chấp hành, có các sensor cảnh báo va chạm, tín hiệu cảnh báo an toàn. Hệ thống bốc xếp hàng tự động có thể mở rộng thêm để kết nối với hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP hay phần mềm quản lý kho WMS. Đảm bảo thông tin về quản lý hàng hóa trong hệ thống chính xác.
Hệ thống Robot bốc xếp tại nhà máy LIX Bình Dương
Các bước hoạt động của hệ thống được tóm tắt như sau: Các thùng hàng sản phẩm sau khi đóng gói sẽ được các băng tải vận chuyển đến vị trí chờ gắp, là nơi mà Robot có thể tự động gắp được hàng. Vị trí chờ gắp được tính toán thiết kế sao cho thuận tiện nhất cho việc gắp của robot. Các pallet xếp hàng xe được xếp chồng thành khối, xe nâng vận chuyển các khối này nạp vào máy cấp pallet tự động. Hệ thống máy cấp pallet tự động có nhiệm vụ cấp lần lượt từng pallet lên băng tải và di chuyển các pallet trống tới vị trí chờ để robot xếp thùng hàng. Công đoạn tiếp theo, Robot gắp thùng hàng sản phẩm và đặt lên pallet ở vị trí đang chờ. Robot thực hiện công đoạn này một các liên tục và tuần tự theo chu trình đã lập trình sẵn từ trước. Tùy theo loại sản phẩm khác nhau của các dây chuyền đầu vào mà robot thực hiện hành động xếp thùng hàng lên pallet theo quy cách có sẵn. Khi robot đã xếp đủ số thùng hàng trên pallet, băng tải di chuyển pallet kiện hàng này đến vị trí máy quấn màng tự động. Máy quấn màng sẽ làm nhiệm vụ quấn một số lớp màng nilong lên kiện hàng, việc này đảm bảo kiện hàng hạn chế xô lệch trong quá trình vận chuyển sau đó. Cuối cùng pallet kiện hàng sẽ được băng tải vận chuyển tới vị trí dán mã bởi máy dán barcode và chờ để xe nâng tới lấy ra ngoài.
Quy trình gắp thả của Robot có sự khác nhau giữa các cụm do việc cài đặt tốc độ hoạt động hướng đến việc đáp ứng năng suất thùng hàng đầu ra băng tải trên các dây chuyền. Ngoài ra, sản lượng trung bình một ngày hệ thống Robot bốc xếp tự động có thể đáp ứng là hơn 300 tấn/ngày. Trên thực tế, do tình hình của dịch COVID-19, hoạt động của Nhà máy bị ảnh hưởng và phải giảm năng suất trên các dây chuyền. Theo tính toán, nếu hoạt động liên tục thì ước tính hệ thống có thể hoạt động tối đa với công suất lên tới 400 tấn/ngày.
Các thiết bị trong hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần có sự can thiệp bởi con người, việc này giúp làm tăng mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của hệ thống. Các thiết bị được cấp nguồn và điều khiển hoạt động bởi tủ điện điều khiển riêng, các dữ liệu về thông tin hàng hóa, số lượng, thời gian làm việc,… được trao đổi qua lại với hệ thống dữ liệu lớn của kho hoặc toàn nhà máy.
Hệ thống Robot bốc xếp tại nhà máy LIX Bình Dương đã được đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học của Viện tính toán, thiết kế, chế tạo, tích hợp và chính thức đưa vào hoạt động sản xuất từ tháng 9/2021. Đến nay, hệ thống luôn vận hành ổn định, tin cậy, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu sản xuất, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả của khâu đóng gói và lưu trữ hàng hóa của doanh nghiệp.
Theo https://tapchicokhi.com.vn/

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 1
  • 1
  • 9
  • 0
  • 8