Tp. Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển đa ngành, sản phẩm công nghiệp thuộc Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Một góc Khu công nghiệp Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh của CTCP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo. Ảnh: TTXVN.
Chiều ngày 24/1, tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp ngành công thương năm 2022, đại diện Sở Công thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, bước sang năm 2022, ngành công thương sẽ nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp-thương mại.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tạo đà cho những năm tiếp theo trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm đã đề ra.
Ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đặt ra nhiều chỉ tiêu gồm: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5% so với năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp qua cửa khẩu thành phố (trừ dầu thô) tăng 9% so với năm 2021... Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, ở lĩnh vực công nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh định hướng phát triển theo chiều sâu, hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... và 4 ngành công nghiệp trọng điểm.
Theo đó, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh tập trung vào phát triển đa ngành, sản phẩm công nghiệp thuộc Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh cũng ưu tiên hỗ trợ phát triển Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 05/02/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố), từ đó làm động lực phát triển những ngành công nghiệp khác.
Về thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh xác định lĩnh vực logistics sẽ giữ vai trò nền tảng tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành. Còn lĩnh vực bán lẻ là lĩnh vực hoạt động căn bản; xúc tiến thương mại và bán buôn sẽ là động lực phát triển; thương mại điện tử là mũi đột phá của ngành thương mại Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Cụ thể, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thương mại sẽ là ngành chủ lực trong việc tham gia hội nhập quốc tế thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ ra thị trường toàn cầu và tận dụng lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam trong mở rộng xuất khẩu.
Cùng với đó, phát triển thương mại điện tử cũng sẽ được ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh chú trọng triển khai. Vì ngành này, vừa đáp ứng xu thế thị hiếu tiêu dùng, vừa là điều kiện thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, nhanh chóng của Chính phủ điện tử, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.
Ngoài ra, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm phát huy vai trò hệ thống phân phối theo tín hiệu thị trường; trong đó, coi trọng phát triển kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và chuỗi cung ứng/phân phối hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp phân phối lớn, doanh nghiệp logistics, trang trại và doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng phát triển nhanh dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và thúc đẩy phát triển xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số,...), một trong những trọng tâm của ngành công thương là phát triển dịch vụ logistics; trong đó, ngành cung cấp dịch vụ tài chính, liên kết vùng để sản xuất hàng xuất khẩu để chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị theo hướng thành phố tập trung thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) và dịch vụ phù hợp với lợi thế so sánh giữa thành phố với tỉnh/thành phía Nam.
Tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, đánh giá cao sự đồng hành và cống hiến trong công tác phòng chống dịch COVID-19 ở những giai đoạn căng thẳng, cũng như diễn biến phức tạp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không chỉ nỗ lực trong ngành nghề, lĩnh vực hoạt đồng, mà còn sẵn sàng dấn thân ở những ngành nghề, lĩnh vực trái nghề.
Bên cạnh thống nhất những mục tiêu và giải pháp mà ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đề ra, bà Phan Thị Thắng đề nghị, trong giai đoạn tới, ngành tiếp tục phát huy những thành quả đạt được như khẩn trương triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngành công thương cần thống kê chi tiết những chương trình kích cầu, thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh... và đánh giá tác động của nhiệm vụ này đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo bà Phan Thị Thắng, ngành công thương cần trở thành đầu mối kết nối cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, ngành cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ và UBND Tp. Hồ Chí Minh, trở thành đơn vị tham mưu cho thành phố những giải pháp ưu đãi phù hợp cho từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể.
Ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh phải tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng, hiệp hội, doanh nghiệp... với những nội dung chi tiết và sâu rộng. Từ nền tảng ngành công thương xây dựng, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh và trên cả nước tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh... tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng cho thị trường nội địa, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện trao Chứng nhận cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2021 và Bằng khen cho những cá nhân, tập thể xuất sắc có đóng góp trong ngành công thương.
Theo: TTXVN