Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:19 - GMT+7

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số

Từ năm 2018, Bộ Công Thương đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tiến hành điều tra, khảo sát về mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 của doanh nghiệp ngành Công Thương.

04/01/2022 - 08:40
Từ năm 2018, Bộ Công Thương đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tiến hành điều tra, khảo sát về mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 của doanh nghiệp ngành Công Thương. Kết quả phản hồi từ 2.659 doanh nghiệp, bao gồm 17 ngành công nghiệp ưu tiên cho thấy các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam còn rất nhiều khó khăn trong công cuộc chuyển đổi số, như: mức độ sẵn sàng chưa đồng đều; kỹ năng chuyển đổi số còn kém; trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thấp, chưa có quy trình, công nghệ, thiết bị mà chỉ tập trung vào sản lượng sản xuất; lạc hậu về công nghệ, máy móc; chất lượng lao động chưa cao; ngân sách đầu tư hạn chế. Do đó, còn ngần ngại về cách thức hình thành chiến lược đầu tư.
Chính vì vậy, một trong những nhóm giải pháp trọng tâm đã được đặt ra bởi Đề án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành Công Thương đến năm 2030 là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả với các công cụ, dịch vụ tư vấn về mô hình, giải pháp và kinh nghiệm chuyển đổi số phù hợp nhất theo lĩnh vực, lãnh thổ, quy mô, mô hình hoạt động.
Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số  của thế giới. (Ảnh: vneconomy.vn)
Lựa chọn công cụ khởi động
Ở giai đoạn định hướng, một trong những công cụ doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng là các bộ chỉ số tự đánh giá gọn nhẹ có khả năng cung cấp hai chức năng chính: (1) Làm rõ thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp so với mặt bằng chung và (2) Cung cấp cách tiếp cận tổng thể về các mức độ chuyển đổi số khác nhau đối với một doanh nghiệp sản xuất.
Các kết quả đánh giá với một bộ chỉ số khởi động sẽ cung cấp thông tin cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục lên kế hoạch chi tiết về phân bố nguồn lực cho hoạt động thiết kế lộ trình và đầu tư chuyển đổi số, lựa chọn đơn vị tư vấn về xây dựng giải pháp, lường trước những khó khăn tiềm năng trong quá trình triển khai đầu tư, và thiết kế phương thức giám sát đầu tư.
Bên cạnh đó, sự tham gia của ban lãnh đạo và các thành viên quản lý của doanh nghiệp trong quá trình đánh giá sẽ giúp các thành viên trong doanh nghiệp có được một nền tảng kiến thức chung và tiếng nói chung để cùng trao đổi về hướng tiếp cận chuyển đổi số.
Một trong những ví dụ về bộ chỉ số đã được áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam là bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất thông minh (Smart Industry Readiness Index – SIRI). Đây là bộ chỉ số đánh giá thực trạng doanh nghiệp theo 3 trụ cột là Con người, Quy trình, Công nghệ, sau đó dựa trên kết quả này và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp để đưa ra khuyến nghị về những định hướng chuyển đổi số doanh nghiệp nên ưu tiên trong 3 tới 5 năm tiếp theo. Toàn bộ quá trình đánh giá và tư vấn diễn ra trong 1,5-2 ngày, được thực hiện theo phương thức thảo luận mở giữa cấp lãnh đạo, quản lý  của doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của chuyên gia.
Phương thức tiếp cận của Smart Industry Readiness Index
Trong năm 2019-2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Siemens và Hội đồng Kinh tế Singapore (EDB) hỗ trợ 14 doanh nghiệp sản xuất Việt Nam thực hiện đánh giá theo bộ chỉ số SIRI. Kết quả đánh giá cho thấy hầu hết các doanh nghiệp có sản phẩm đa dạng mới dừng ở mức độ tin học hóa một số quy trình bằng các phần mềm tác vụ và sử dụng các thiết bị tự động hóa điều khiển tại chỗ. Dựa trên thực trạng này và nhu cầu phát triển trong thời gian tới của các doanh nghiệp, một số khuyến nghị tiêu biểu về định hướng chuyển đổi số đã được đưa ra bao gồm:
- Kết nối các hoạt động quản trị doanh nghiệp trong một phần mềm/nền tảng quản trị chung để giảm thiểu lỗi, nâng cao khả năng tự động hóa và khả năng phân tích, dự báo;
- Kết nối hệ thống quản lý sản xuất với hệ thống quản trị kinh doanh của doanh nghiệp;
- Tăng cường năng lực quản lý dòng đời sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm;
- Xây dựng quy trình quản lý máy móc sản xuất, ứng dụng công nghệ để trích xuất dữ liệu từ máy móc;
- Tự động hóa quá trình thu thập và quản lý dữ liệu sản xuất, đặc biệt là dữ liệu của nguyên liệu và bán thành phẩm trong quá trình sản xuất;
- Thiết kế hệ thống quản lý kho và tích hợp hệ thống kho với hệ thống quản trị chung.
Các báo cáo đánh giá và khuyến nghị từ một bộ chỉ số khởi động như SIRI không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tìm đúng vị trí của mình và xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số trước mắt mà còn tiếp tục đóng vai trò là công cụ theo dõi thành quả chuyển đổi số của doanh nghiệp một cách tổng thể trong những giai đoạn tiếp theo.
Đề án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành Công Thương đến năm 2030 coi đây là hoạt động có giá trị nền tảng quan trọng  các hoạt động nối tiếp gắn liền với việc xây dựng lộ trình đầu tư, giúp các doanh nghiệp đầu tư bài bản và hiệu quả để trở thành những mô hình điểm về chuyển đổi số trong sản xuất, ví dụ như:
- Phân tích sâu quy trình sản xuất và kinh doanh hiện có của doanh nghiệp, xác định các khía cạnh phù hợp để đầu tư chuyển đổi số, giới thiệu và so sánh các giải pháp công nghệ khác nhau, mô phỏng giải pháp công nghệ.
- Xây dựng bộ yêu cầu kỹ thuật đối với công nghệ dự kiến đầu tư; lập hồ sơ so sánh công nghệ và nhà cung cấp công nghệ;
- Xây dựng kế hoạch đầu tư chi tiết và dự báo về lợi nhuận đầu tư;
- Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá đầu tư.
Chuyển đổi số mang cơ hội đến cho tất cả các doanh nghiệp nhưng sẽ là một hành trình dài, có tính chiến lược, quyết định sự phát triển, đôi khi là sống còn của mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hiện này Quá trình đó mang đầy thách thức khi các doanh nghiệp phải đổi diện với nhiều khó khăn về năng lực hiện tại, nguồn lực cho phát triển trong tương lai cũng như việc lựa chọn một lộ trình phù hợp và hiệu quả. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong những bước đi, giai đoạn đầu thực hiện chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Không chỉ dừng ở việc phổ cập chuyển đổi số bằng các chương trình đào tạo cấp quốc gia, cấp hiệp hội, cấp công ty, phổ thông hóa kỹ năng chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ cần tiếp cập  nhanh chóng và hiệu quả với các công cụ, dịch vụ tư vấn về mô hình, giải pháp và kinh nghiệm chuyển đổi của các nước trên thế giới. Trong xu thế tất yếu đó của chuyển đổi số Việt Nam cần sẵn sàng tham gia vào liên minh chuyển đổi số, rút ngắn khoảng cách với thế giới.
Dương Hương Quỳnh - Vụ Khoa học và Công nghệ

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 1
  • 4
  • 5
  • 8
  • 2