Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:50 - GMT+7

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chuẩn bị gì để chuyển đổi số?

Ngày 2/12, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021, đã công bố khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thuộc 26 ngành, hướng tới từng quy mô, thuộc từng lĩnh vực hoạt động cụ thể để doanh nghiệp biết mình đang ở đâu và cần chuẩn bị hành trang gì để chuyển đổi số.

06/12/2021 - 11:12
Chuyển đối số - “tấm khiên chắn bão”
Theo thống kê, doanh nghiệp SMEs chiếm tới 98,1% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, qua các đợt đại dịch Covid-19 bùng phát, có trung bình 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động mỗi tháng, hầu hết trong số này cũng là các doanh nghiệp SME. Đây là một thành phần quan trọng nhưng lại dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế.

Ông Cao Hoàng Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty FSI chia sẻ tại hội thảo chuyên đề chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp then chốt giúp SMEs từ sống sót đến bứt phá cũng như thêm cơ hội bước ra khỏi khủng hoảng và “cứng cáp” hơn sau hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số do chưa nhận thức đúng vai trò của quá trình này.
Báo cáo của VCCI cho biết, tuy doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam nhưng trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có đến 80 - 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Một khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cũng cho thấy, 69% doanh nghiệp không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.
Tại hội thảo chuyên đề chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021, ông Cao Hoàng Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI - cho biết, quá trình chuyển đổi số vẫn còn là thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều quy trình vẫn chưa được tự động hóa, nhiều phương pháp làm việc thủ công vẫn được duy trì và các doanh nghiệp SMEs đang tập trung vào giải quyết sự kém hiệu quả của các cách làm cũ, họ chỉ mới đang bắt đầu tạo ra một kế hoạch chuyển đổi số và hành trình chuyển đổi số còn rất nhiều việc cần giải quyết.
Theo ông Cao Hoàng Anh, một số rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số phải kể đến là thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp…
Trong khi các doanh nghiệp lớn họ đã có sẵn hoặc có rất nhiều tiềm lực để có thể hoàn thiện chuyển đổi số, thì các doanh nghiệp SMEs lại không dư dật về kinh phí để đầu tư cho hệ sinh thái chuyển đổi số như nền tảng, giải pháp, ứng dụng… “Do đó, để SMEs không bị bỏ rơi bên lề trong công cuộc chuyển đổi số thì chúng ta cần tìm được giải pháp giúp SMEs tiết kiệm chi phí, tối ưu về vận hành và phù hợp với từng quy mô doanh nghiệp” - ông Cao Hoàng Anh nói.
“Bản đồ” chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Hiểu được khó khăn chồng khó khăn của các doanh nghiệp SMEs, VINASA đã thành lập hội đồng chuyên gia xây dựng Khung hướng dẫn Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs bao gồm gần 40 chuyên gia là lãnh đạo cao cấp các doanh nghiệp công nghệ đang dẫn đầu về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực MISA, SAPO, SSG, Bravo, FSI, An Vui, Nexttech, FPT, Viettel, VNPT, VCCorp, Hài Hòa, Getfly, VietISO, BASE, SmartLog, Savis, EzCloud….
Ông Lữ Thành Long - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia xây dựng khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME phát biểu
Sau 4 tháng xây dựng, bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs với 26 lĩnh vực riêng biệt thuộc 3 khối thương mại, dịch vụ và sản xuất (quy mô nhỏ) đã được hoàn thành. Tiêu biểu là các lĩnh vực: Bán lẻ, giáo dục đào tạo, vận tải kho bãi (logistics), F&B, du lịch khách sạn, vận tải hành khách, may mặc, thủy sản, sắt thép…
Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho mỗi lĩnh vực sẽ bao gồm 5 phần cơ bản: Thực trạng và xu hướng phát triển; khung hướng dẫn chuyển đổi số; bộ giải pháp chuyển đổi số; khuyến nghị những kỹ năng số cần đào tạo cho nhân sự; bộ tiêu chí đánh giá.
Trong đó, phần quan trọng nhất là khung hướng dẫn chuyển đổi số, được chia làm 02 loại: Khung cơ bản và khung chuyên dụng. Ở khung giải pháp cơ bản, là các giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số cơ bản, nền tảng hầu hết lĩnh vực nào cũng cần sử dụng như phần mềm tài chính kế toán, kinh doanh/marketing, quản trị nhân sự, quản lý điều hành nói chung. Khung được chia làm 3 cấp độ cho 3 quy mô doanh nghiệp: Siêu nhỏ, nhỏ, và vừa, để các doanh nghiệp có thể thấy mình cần gì ở từng quy mô.
Ở khung giải pháp chuyên dụng, là các giải pháp chỉ ngành nghề/lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới cần sử dụng. Bộ giải pháp được chia làm 3 cấp độ chuyển đổi số cho một doanh nghiệp. Cấp độ 1: Sẵn sàng. Ở cấp độ này, các hoạt động thiết yếu như kinh doanh/bán hàng, sản xuất, cung cấp dịch vụ cho khách hàng đều sử dụng nền tảng/giải pháp số.
Cấp độ 2: Phát triển. Cấp độ này hướng đến ứng dụng chuyển đổi số giúp tự động hóa nâng cao năng suất, như tự động hóa bán hàng và vận hành nội bộ, triển khai Mobile App cho khách hàng và nhân viên. Mọi dữ liệu tập trung trên cloud để làm nền tảng cho cấp độ 3; cấp độ 3: Đột phá. Cấp độ này sử dụng dữ liệu/Big Data, AI để phân tích dự báo kinh doanh, từ đó phát hiện thị trường mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, giúp doanh nghiệp phát triển đột phá.
Ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA nhấn mạnh, hội đồng hướng đến mục tiêu tạo ra một bộ bản đồ chuyển đổi số bải bản, đầy đủ nhưng đơn giản từ phương pháp luận đến giải pháp cụ thể. Bản đồ mà một doanh nghiệp SMEs dù ở bất cứ quy mô nào, thuộc ngành nghề hoạt động gì cũng có thể xem và biết mình đang ở đâu, lộ trình chuyển đổi số của mình sẽ như thế nào và cần chuẩn bị hành trang gì, hành trang đấy ai cung cấp…
Toàn bộ tài liệu sẽ được phát hành công khai và hoàn toàn miễn phí trên website www.dx4sme.vn. Các doanh nghiệp SMEs có thể tải tài liệu để nghiên cứu và có thể trực tiếp đăng ký kết nối, yêu cầu tư vấn chuyên sâu trên website. “VINASA sẽ chịu trách nhiệm kết nối với các chuyên gia và doanh nghiệp phù hợp một cách nhanh chóng để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số” - ông Lữ Thành Long nêu.
Là thành viên hội đồng xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs, đại diện FSI gợi ý một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chủ động và sẵn sàng trong trạng thái bình thường mới. Chẳng hạn như Hệ thống tự động hóa doanh nghiệp WEONE giúp doanh nghiệp quản lý và điều hành doanh nghiệp tổng thể trên 01 hệ thống; liên kết và vận hành quy trình làm việc một cách tự động...
Ngay trong lễ công bố, VINASA đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 hiệp hội: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) để triển khai các chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp hội viên.
Theo Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 8
  • 9
  • 0
  • 4