Thứ năm, 25/04/2024 | 16:15 - GMT+7

EVN ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh

Đến nay quá trình chuyển đổi số của EVN đạt trên 50% và dự kiến đến năm 2025 Tập đoàn cơ bản hoàn thành chuyển đổi số.

19/11/2021 - 10:18
Ngày 17/02/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025, trong đó xác định 5 lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số tại EVN gồm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quả trị, viễn thông và công nghệ thông tin.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo Tập đoàn, việc thực hiện Đề án chuyển đổi số trong EVN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã được ứng dụng thành công trong các hoạt động của EVN, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng.
Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn – Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin, trong ứng dụng vận hành các nguồn năng lượng tái tạo, Tập đoàn đã triển khai nghiên cứu và xây dựng công cụ AGC (Automatic Generation Control) để tự động hóa quá trình ra lệnh điều khiển công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong khu vực bị giới hạn về khả năng giải tỏa công suất. Hệ thống AGC giúp giám sát và điều khiển tự động công suất các nguồn năng lượng tái tạo cho các khu vực đầy quá tải lưới nội miền ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang…Đồng thời, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định các đường dây truyền tải 500kV liên kết Bắc-Trung -Nam, đảm bảo công bằng, minh bạch cho các đơn vị phát điện liên quan trong hệ thống điện quốc gia.
Tập đoàn cũng triển khai hệ thống AI.SOLAR có khả năng thu thập dữ liệu và phân tích các kết quả thực tế, kết nối tích hợp với các dữ liệu thời tiết để hoàn thiện các dữ liệu dự báo cho tương lai. Theo đó, hệ thống tự động cung cấp cho người dùng biểu đồ theo thời gian và góc nhìn toàn diện về dự báo tình hình công suất phát điện theo các ngày, Bên cạnh đó, hệ thống có thể tự tính toán đưa ra các dự đoán về công suất nhà máy điện mặt trời, hiện tại sai số là 5-8%, có khả năng tự học hỏi và hoàn thiện trên dữ liệu phát sinh trong qua khứ.
Các công ty điện lực của EVN đang triển khai trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không người trực. (Ảnh: https://www.evn.com.vn/)
Trong công tác đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, Tập đoàn cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thị giác máy tính để thực hiện tự động kiểm tra hình ảnh các vị trí thi công công trình được cập nhật trên chương trình Quản lý đầu tư xây dựng – IMIS, nhằm xác định các đối tượng trong hình ảnh. Cụ thể, nhận diện đối tượng là các móng bê tông, xác định hình ảnh và nhận diện đối tượng giám sát, xác định hình ảnh và nhận diện các bộ phận tiếp đia khi được lắp đặt, xác định thước đo trong quá trình thi công, xác định bảng hiệu theo tiêu chuẩn thi công.
“Chúng tôi đã ứng dụng hệ thống này tại hai công trường lớn của Tập đoàn là công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng và Nhà máy Quảng Trạch. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện tích hợp để triển khai hệ thống này trên phạm vi toàn Tập đoàn và trên tất cả các công trường” – Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, EVN cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Theo đó, Tập đoàn đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực NLP (Natural Language Processing) – Xử lý ngôn ngữ tự nhiên. NLU (Naturral Language Understanding) – Hiểu nghĩa của câu hỏi theo ngôn ngữ tự nhiên. CUR (Conduct User Response) – Phản hồi tới khách hàng.
“Toàn bộ giải pháp, ứng dụng này là do đội ngũ nhân lực của EVN tự xây dựng và phát triển. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng các nền tảng số, công nghệ số để các đối tác của EVN sẽ cùng tham gia phát triển các nền tảng này. Dự kiến, nền tảng công nghệ của EVN sẽ đi vào hoạt động năm 2022” - ông Nguyễn Xuân Tuấn cho biết. 
Ngày 05/11/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Nghị quyết số 473/NQHĐTV phê duyệt Đề án ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đề án xác định 10 mục tiêu cụ thể cùng 30 nhiệm vụ, dự án triển khai thực hiện. Đến thời điểm này, 30 nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án đã được hoàn thành, các mục tiêu cũng cơ bản được đảm bảo.
Ngày 11 tháng 01 năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục ban hành Nghị quyết 03-NQ/ĐU về việc thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn. Ngày 17/02/2021, Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025 đã được ban hành tại Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV với mục tiêu tổng quát là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025. Đề án đã xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 92 nhiệm vụ chính và 129 mục tiêu cụ thể giao cho các đơn vị thực hiện.
Hà Nguyễn

Tag:

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 4
  • 6
  • 4
  • 2
  • 5