Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:15 - GMT+7

Nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất thông minh tại Việt Nam

TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.

11/11/2021 - 09:11
“Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nội dung của Hội thảo chuyên đề 2 do Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức với Bộ Công Thương, Hội Tự động hóa Việt Nam và các đơn vị liên quan tại Hà Nội chiều ngày 9/11. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tiếp, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – sự kiện thường niên do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, để đẩy mạnh các chủ trương chính sách về thúc đẩy sản xuất thông minh và cung cấp luận cứ cho xây dựng đề án, chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 245 do Ban Chấp hành Trung ương giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thành, trình vào tháng 10/2022, Ban Kinh tết Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề 2 nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, số hóa và tự động hóa quy trình sản xuất.
TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương 
Dẫn số liệu các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, TS. Nguyễn Đức Hiển cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo, 70% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản đắp lớp 3D. Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.
Còn theo báo cáo của CSIRO, Australia và Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có một phần nhỏ các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; trong khi tỷ lệ doanh nghiệp có nghiên cứu và phát triển trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.
TS. Nguyễn Đức Hiển chỉ rõ, phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.
Đồng quan điểm trên, TS. Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam là bài toán rất lớn cần có lời giải từ phía các cơ quan nhà nước, các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học. TS. Đào Trọng Cường cho biết, theo khảo sát của Bộ Công Thương, phần lớn các doanh nghiệp đang ở mức tiếp cận thấp so với yêu cầu của phát triển sản xuất thông minh và nhà máy thông minh. Tỷ lệ áp dụng các công nghệ 4.0 rất hạn chế, chỉ từ 2-3% và tỷ lệ dự kiến đầu tư áp dụng các công nghệ này của doanh nghiệp cũng còn khá khiêm tốn. Cùng với đó là một tỷ lệ ko nhỏ các doanh nghiệp không thể kiểm soát các thiết bị bằng công nghệ thông tin do các thiết bị của doanh nghiệp hầu hết được đầu tư đã lâu khiến việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cấp, đổi mới cũng gặp nhiều khó khăn.
Toàn cảnh hội thảo
Tại các doanh nghiệp, việc áp dụng các phần mềm quản trị còn rất hạn chế, đặc biệt là các phần mềm quản lý chuỗi cung ứng SCM (Supply Chain Management) và quản lý theo vòng đời sản phẩm. Chất lượng lao động cũng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các kỹ năng gắn liền với yêu cầu vận hành, sản xuất hiện đại. “Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn khi thực hiện các yêu cầu về chuyển đổi số” – TS. Đào Trọng Cường nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo chuyên đề 2 “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các diễn giả đã trao đổi những vấn đề về sản xuất thông minh trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thông minh; những kinh nghiệm trong việc thiết lập mô hình sản xuất và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; khai thác công nghệ số trong tối ưu hóa vận hành nền sản xuất; xây dựng nhà máy thông minh trên nền tảng cũ; số hóa chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất...
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, các thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của đại biểu để đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian tới. Ông Hiển cũng đề nghị các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục nghiên cứu, đóng góp những ý kiến khách quan, khoa học trong quá trình xây dựng Đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện.
Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật sản xuất thông minh”.
Hà Nguyễn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 6
  • 3
  • 2
  • 3