Thứ bảy, 20/04/2024 | 10:16 - GMT+7

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, xây dựng sản xuất thông minh

Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phú phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 -2030 với quan điểm là lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

11/11/2021 - 09:11
Sản xuất thông minh là một trong những trụ cột quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Thế giới đã ghi nhận sự thành công trong phát triển phát triển sản xuất thông minh như Hoa Kỳ, Singapore,…Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), phần lớn các doanh nghiệp đang ở mức tiếp cận thấp so với yêu cầu của phát triển sản xuất thông minh và nhà máy thông minh.
Phát biểu tại hội thảo chuyên đề 2 “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phổi hợp với Bộ Công Thương, Hội Tự động hóa Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức chiều 9/11 mới đây, TS. Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, phần lớn các công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đang ở mức 2.0 và tiệm cận mức 2.5, việc ứng dụng các phần mềm quản trị tại doanh nghiệp còn hạn chế,….“Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn khi thực hiện các yêu cầu về chuyển đổi số. Thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam là bài toán rất lớn cần có lời giải từ phía các cơ quan nhà nước, các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học” – TS. Đào Trọng Cường nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra nghiên cứu của Ngân hàng thế giới công bố tháng 11/2021 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến.
Hội thảo chuyên đề 2 “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phổi hợp với Bộ Công Thương, Hội Tự động hóa Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và sản xuất thông minh.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã hỗ trợ một số doanh nghiệp ứng dụng thành công công nghệ 4.0 và xây dựng mô hình sản xuất thông minh. Điển hình là trong lĩnh vực điện tử, Bộ Công Thương đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xây dựng các hệ thống ERP tích hợp quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Trong lĩnh vực nhựa, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong đã ứng dụng phần mềm quản lý kho thông minh áp dụng bằng QR Code. Theo đó, khi tiến hành nhập – xuất kho thì người quản lý chỉ cần quét mã QR trên đơn hàng và phần mềm sẽ chỉ dẫn nhân viên cần nhập hàng hoặc xuất hàng tại vị trí nào trong kho một cách chính xác, đồng thời tự động cập nhật dữ liệu vào phần mềm. Phần mềm giúp nhà máy giải quyết được các vấn đề tồn tại như: thao tác xuất nhập kho khó, lãng phí nhân công do có nhiều công đoạn thủ công và tránh nhầm lẫn và thất thoát.
Trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống, Bộ Công Thương đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội và Công ty Cổ phần Công nghiệp Masan ứng dụng công nhệ IoT để quản lý năng lượng và kiểm soát tình trạng máy móc. Hay Công ty TNHH Khuôn Chính Xác Duy Tân đã trở thành mô hình điểm trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với việc ứng dụng công nghê IoT để quản lý máy móc và môi trường lao động; Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên đã ứng dụng công nghệ 4.0 để thiết lập hệ thống kế hoạch về quản trị sản xuất…
Dây chuyền sản xuất đèn LED được số hoá và tự động hoá của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông
TS. Đào Trọng Cường cho biết, trong thời gian tới, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là định hướng ưu tiên của Bộ Công Thương để giúp doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng 4.0 và xây dựng sản xuất thông minh, Bộ Công Thương sẽ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua việc phối hợp với Tập đoàn Siemens, Tổ chức Phát triển kinh tế của Singapore để hỗ trợ đánh giá mức độ sẵn sàng (theo bộ chỉ số Smart Industry Readiness Index) và xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Được biết, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phú phê duyệt Đề án  hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ  4.0 thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 -2030 với quan điểm là lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Trên cơ sở đó, xây dựng các đề án nhằm tập trung giải quyết các vấn đề còn thách thức, khó khăn của doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ mới, công nghệ chuyển đổi số, triển khai sản xuất thông minh từ góc độ thể chế, vấn đề về quản lý, phương pháp, công nghệ, con người, tài nguyên số và hạ tầng số, đặc biệt nhấn mạnh phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp.
Hà Nguyễn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 9
  • 1
  • 7
  • 3
  • 6