Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:49 - GMT+7

Giải pháp thu hồi kim loại từ rác thải điện tử

Rác thải điện tử có chứa thành phần kim loại quý hiếm, là một nguồn "tài nguyên" to lớn nếu có giải pháp thu gom, tái chế hiệu quả.

09/11/2021 - 09:23
Rác thải điện tử hiện đang được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra hơn 90 nghìn tấn rác thải điện tử trong khi khối lượng rác thải được thu gom chỉ hơn 10 nghìn tấn. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái, nghiên cứu và cho ra đời những giải pháp công nghệ xử lý hiệu quả lượng rác thải điện tử là việc làm cần thiết.
Nhóm tác giả Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Lợi dụng đặc tính oxy hóa mạnh của hỗn hợp persulfate (S2O82-)/hydroxy peroxide (H2O2) để tách vàng trực tiếp từ bo mạch điện tử. Bằng phương pháp này, các kim loại cơ bản như Fe, Ni, Al, Cu sẽ bị hòa tan một phần, ngoại trừ vàng và nhờ đó lớp vàng được giải phóng ra khỏi bề mặt bo mạch điện tử.
Theo TS. Triệu Quốc An, Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Đại học Nguyễn Tất Thành, công nghệ tách vàng trực tiếp từ bo mạch điện tử do nhóm nghiên cứu có hiệu suất thu hồi lên đến 98%, và độ tinh khiết của vàng trên 95%. Đặc biệt, các hóa chất sử dụng không có độc tính cao và gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, quá trình không cần trải qua các bước tiền xử lý như cắt, nghiền thành bột nên giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành và vốn đầu tư ban đầu.
Nhóm tác giả Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nghiên cứu công nghệ tách vàng trực tiếp từ bo mạch điện tử. 
Trong khi đó, nhóm tác giả của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã nghiên cứu thành công công nghệ lò đốt bản mạch bằng hồ quang điện. Công nghệ sử dụng lò đốt hồ quang điện có nhiều ưu điểm như: nhiệt độ của hồ quang điện rất cao (đến 10.000°C) thích hợp xử lý nhiệt đối với chất thải nguy hại. Bên cạnh đó, lò hồ quang có hiệu suất sử dụng nhiệt cao hơn và chi phí đầu tư, phí vận hành thấp hơn lò Plasma; đồng thời giúp giảm tải lượng và thành phần khí ô nhiễm phát sinh.
Riêng đối với rác thải là đèn huỳnh quang sau sử dụng, màn hình LCD và đèn LED, TS. Hà Vĩnh Hưng – Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã nghiên cứu công nghệ thu hồi Yttrium và Europium (các nguyên tố đất hiếm). Với công nghệ này, hiệu suất thu hồi Yttrium và Europium từ các rác thải điện tử đã qua sử dụng đạt trên 99%.
Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại trong xử lý rác thải điện tử bằng hồ quang điện do PGS TS Lê Văn Lữ và cộng sự Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM nghiên cứu. 
Giải pháp xử lý và tái chế linh kiện điện tử của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ HiTech Việt Nam cũng được đánh giá có nhiều triển vọng. Giải pháp giúp đảm bảo làm biến dạng hoàn toàn các thiết bị phần cứng (ổ cứng, bo mạch, màn hình, điện thoại, bo mạch ATM,…), ngăn ngừa khả năng làm lộ dữ liệu, tăng cường tính bảo mật cho các công tác tạo mẫu, an ninh. Đồng thời, hỗ trợ tốt cho các công đoạn phân loại, tách vật liệu nhựa khỏi kim loại… trong quy trình xử lý.
Các giải pháp công nghệ này nếu được ứng dụng rộng rãi trên khắp cả nước sẽ góp phần giúp Việt Nam giải quyết hiệu quả bài toán rác thải điện tử, từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Không những vậy, đây đều là các công nghệ được nghiên cứu trong nước, do các nhà khoa học Việt nghiên cứu, thiết kế, vì vậy, công nghệ có giá thành thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất tương đương các sản phẩm nhập ngoại. Được biết, hiện các công nghệ xử lý rác thải điện tử kể trên đã sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp xử lý rác thải điện tử.
Theo PGS.TS Lê Văn Lữ - Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong rác thải điện tử có chứa rất nhiều hợp chất khác nhau, chủ yếu là kim loại và các hợp chất cao phân tử... trong đó có nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng bên cạnh đó, vì có chứa thành phần kim loại quý, hiếm, rác thải điện tử cũng đồng thời là một nguồn "tài nguyên" to lớn nếu có giải pháp thu gom, tái chế hiệu quả.
Bích Phương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 9
  • 1
  • 6
  • 0
  • 0