Thứ năm, 28/03/2024 | 19:25 - GMT+7

Bắc Giang: Phân tích từng chỉ số để tiếp tục cải thiện, nâng hạng chuyển đổi số

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 (chỉ số chuyển đổi số - DTI). Kết quả, Bắc Giang lọt tốp 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Đây là thông tin vui đối với tỉnh nhà, nhân dịp này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT, Phó trưởng Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh.

25/10/2021 - 09:02
Thưa ông, Bắc Giang vừa đạt thứ hạng cao về chuyển đổi số. Xin ông cho biết, những chỉ số mà tỉnh ghi điểm?
CĐS dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong mỗi trụ cột bao gồm 7 chỉ số thành phần chính, mỗi chỉ số chính có nhiều chỉ số phụ. Đối với cấp tỉnh, Bộ TT&TT sử dụng thang điểm chuẩn 1.000 điểm để đánh giá DTI. Tổng hợp, đánh giá của Bộ TT&TT, Bắc Giang có tổng điểm DTI đạt 0.3615, đứng thứ 10 toàn quốc. Trong đó, chính quyền số đạt 0.4455 điểm, đứng thứ 7; kinh tế số đạt 0.3019 điểm, đứng thứ 14; xã hội số đạt 0.3092 điểm, đứng thứ 25 trên tổng số 63 tỉnh, TP của cả nước. Như vậy, Bắc Giang ghi điểm lớn nhất ở trục chính quyền số.
Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang Trần Minh Chiêu.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 nằm trong tốp 15 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về CĐS. Tuy nhiên ngay năm đầu tiên đánh giá, tỉnh đã đạt mục tiêu đề ra, phải chăng chúng ta đã đặt ra mục tiêu còn khá khiêm tốn, thưa ông?
Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 quy mô nền kinh tế đứng trong tốp 15 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước và cũng phấn đấu đứng trong tốp 15 cả nước về CĐS. Đến năm 2030, CĐS đứng trong tốp 10. Việc đưa ra lộ trình là khách quan chứ không phải chúng ta khiêm tốn. Tuy nhiên, xác định CĐS là nội dung quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH địa phương, cùng với sự hỗ trợ từ bộ, ngành T.Ư, Bắc Giang đã chủ động nắm bắt cơ hội, dồn lực thực hiện. 
Ngay trong năm nay, Bắc Giang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 04/5/2019 về phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 trên ba trụ cột là phát triển kết cấu hạ tầng CNTT, xây dựng các hệ thống phần mềm CNTT đồng bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Nhờ vậy chúng ta đã đạt được kết quả đáng phấn khởi.
Vậy chúng ta đã thực hiện bằng những biện pháp, nội dung cụ thể như thế nào thưa ông?
Bắc Giang luôn xác định, CĐS là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH nên tập trung cao chỉ đạo đồng bộ các giải pháp.
Đó là đầu tư hạ tầng TT&TT, nhờ vậy kiến trúc, nền tảng chính quyền điện tử tỉnh được hình thành... Qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Để đạt được điểm số cao về chính quyền số, Bắc Giang đã phân tích từng chỉ số, từ đó tổ chức thực hiện. Chính quyền số gồm các chỉ số thành phần như: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế được; phát triển hạ tầng và xây dựng các nền tảng số, dịch vụ thông tin về dữ liệu số.
Bảng xếp hạng DTI cấp tỉnh năm 2020 toàn quốc.
Về chuyển đổi nhận thức, Sở TT&TT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về CĐS. Các đồng chí đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về nâng cao nhận thức CĐS, chính quyền số cho cán bộ lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh.
Với kiến tạo thể chế: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT, Sở tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực TT&TT, kiến trúc, quy hoạch, nghị quyết, đề án, kế hoạch chiến lược 5 năm, kế hoạch hàng năm về CĐS, xây dựng chính quyền số, xây dựng, phát triển đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang.
Về phát triển hạ tầng và xây dựng các nền tảng số, dịch vụ thông tin về dữ liệu số, Bắc Giang từng bước đầu tư, nâng cấp xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh để đáp ứng nhu cầu vận hành, khai thác các ứng dụng dùng chung của tỉnh. Hạ tầng viễn thông được phát triển rộng khắp và tương đối hoàn chỉnh, 100% các xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động. Bắc Giang là trong những tỉnh đi đầu trong việc thực hiện kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia từ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Về hoạt động của chính quyền số, năm 2020, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang đã quyết liệt đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích cực triển khai, phát triển Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang; toàn tỉnh đang cung cấp 1.380 (cấp tỉnh: 1.118, cấp huyện: 183; cấp xã: 79) dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang, hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật... Năm 2020, Bắc Giang đứng đầu cả nước về hiện đại hóa nền hành chính công.
Vải thiều của Bắc Giang tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
Về bảo đảm an ninh mạng, Sở TT&TT đã xây dựng Phòng điều hành Trung tâm Giám sát an toàn thông tin, cài đặt hệ thống giám sát, tiến hành giám sát thử nghiệm tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh (đơn vị thực hiện BKAV) và đã kết nối thành công với Trung tâm giám sát Không gian mạng của Bộ TT&TT.
Cùng với xây dựng chính quyền số, việc thực hiện kinh tế số, xã hội số cũng có sự tập trung cao. Thực hiện kinh tế số, khai thác thế mạnh hạ tầng CNTT, người dân, DN xây dựng gian hàng điện tử, tích cực đưa sản phẩm giao dịch trên sàn. Điển hình, trong vụ vải vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vải thiều được tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử tăng gấp 1.000 lần so với vụ trước, đồng thời tiếp cận được nhiều khách hàng trên trên thế giới.
Về xây dựng xã hội số, bên cạnh tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án chuyên đề về phát triển xã hội số và thúc đẩy CĐS cho người dân; xây dựng đô thị thông minh lấy người dân là trung tâm.
Để duy trì hoặc nâng cao hơn nữa thứ hạng, thời gian tới Bắc Giang tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
CĐS là xu hướng tất yếu của xã hội phát triển, Bắc Giang xác định dù muốn hay không vẫn phải thực hiện CĐS, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Để thúc đẩy CĐS, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực đời sống, KT-XH, trước tiên Bắc Giang tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 111/NQ-TU, ngày 11/6/2021 về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang. Theo đó, mỗi năm ưu tiên bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách thường xuyên các cấp để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án, dự án phục vụ xây dựng đô thị thông minh, CĐS.
Cụ thể, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh theo hướng hiện đại bằng các công nghệ mới để quản lý tập trung các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số, đô thị thông minh; tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi của CĐS trong quản lý điều hành; triển khai xây dựng đô thị thông minh, trước mắt tập trung xây dựng 2 đô thị thông minh là TP Bắc Giang, huyện Việt Yên.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Hoàng Phương.
Kinh tế số ưu tiên cho phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Thúc đẩy CĐS trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của DN trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế của tỉnh. Chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng mã địa chỉ bưu chính, từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử, logistics.
Hiện nay, xã hội số của Bắc Giang đang đứng thứ 25 toàn quốc nên cần tập trung nâng điểm chỉ số này trong năm tới. Vì thế phải tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, CĐS cho người dân, DN để hình thành công dân số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình CĐS.
Do chuyển từ giao dịch, giao tiếp đời thường sang môi trường mạng nên một trong những yếu tố cốt lõi của CĐS là phải bảo đảm an toàn an ninh thông tin, mạng nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho tổ chức, người dân. Cùng đó, các cấp, ngành phải xây dựng chương trình cụ thể CĐS sát thực, phù hợp với thực tiễn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

Giải pháp thu hút dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh vào các KCN Hà Nội

28/03/2024 - 08:32

Tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu việt nam 2024” được tổ chức ngày 26/3 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội (HIZA) đã chia sẻ một số giải pháp thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh, công nghiệp điện tử bán dẫn vào các KCN Hà Nội.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 2
  • 1
  • 4
  • 4