Thứ tư, 24/04/2024 | 18:26 - GMT+7

Phát triển Thành phố thông minh tại Việt Nam – cơ hội và thách thức

Bộ Thông tin và Truyền thông và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vừa tổ chức Ra mắt Sổ tay Thành phố Thông minh: Việt Nam. Tài liệu cung cấp thông tin thị trường thành phố thông minh tại Việt Nam, đánh giá các cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong quá trình phát triển thành phố thông minh.

27/09/2021 - 08:46
Bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam vẫn là quốc gia thuộc nhóm có tốc độ phát triển kinh tế nhanh với khoảng 6,8% những năm gần đây và 2,8% năm 2020. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, sự bứt phá tại một số ngành kinh tế, như công nghiệp ICT tăng gấp 2 lần sau 5 năm đạt 123,5 tỷ USD, tạo những tiền đề tốt cho tiến trình chuyển đối số quốc gia, trong đó có thành phố thông minh (TPTM). Tuy nhiên, phát triển kinh tế nhanh kéo theo những hệ lụy như sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu cũng tạo ra nhiều thách thức cho các đô thị Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và phát triển TPTM. Đây là những điểm được nhấn mạnh trong “Sổ tay thành phố thông minh: Việt Nam” mới được ra mắt bởi Bộ Thương mại quốc tế Anh quốc với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Sổ tay Thành phố Thông minh: Việt Nam” là ấn bản phát hành chính thức lần đầu tiên từ sự hợp tác giữa các cơ quan đại diện hai nước Việt Nam và Anh quốc. Sổ tay được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Phát triển, Bộ Thương mại Quốc tế định hướng phát triển dưới sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Động lực ưu tiên và thách thức chính
Dự án thành phố thông minh hợp tác giữa BRG - Sumitomo phía Bắc Hà Nội. 
Theo số liệu thống kê, tính trung bình trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam đã tăng từ 24% năm 2000 lên 37% năm 2020. Các đô thị trung tâm hiện chiếm 36,8% tổng dân số, so với 19,6% vào năm 1999 và con số này dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2040. Các thành phố tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp hơn một nửa GDP của cả nước. Quá trình này đặt ra những thách thức nhưng cũng tạo cơ hội phát triển thành phố thông minh. Trong đó, bảy yếu tố được xác định là động lực ưu tiên và thách thức chính là:
Môi trường: đảm bảo cân bằng giữa tác động sinh thái của nền kinh tế đang phát triển nhanh với những thách thức về môi trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thuộc nhóm quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Quản lý nguồn tài nguyên: Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp năng lượng và nước trên quy mô toàn quốc. Vấn đề tiếp theo là đảm bảo chất lượng dịch vụ, độ tin cậy và quản lý nhu cầu ngày càng tăng về cung cấp nguồn điện, nước và thực phẩm bền vững.
Chính phủ và dịch vụ công: Việt Nam xếp thứ 86 trong Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc. Chất lượng dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá trung bình khá so với thế giới và khu vực. Để đảm bảo tiến trình này, cần tập trung cải thiện nguồn nhân lực cho chính phủ điện tử, bênh cạnh đó là tăng cường các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong thiết kế và quy hoạch đô thị.
Hạ tầng giao thông: sự bùng nổ của phương tiện cá nhân và gia tăng dân số đô thị trong những năm gần đây đã và đang gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông công động.
Chất lượng sống: cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho các nhu cầu cần thiết như chăm sóc sức khoẻ, an ninh, giáo dục đến tiện nghi xã hội, hạnh phúc… là yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi bền vững.
Hạ tầng kỹ thuật số: các khoản đầu tư trong tương lai phải đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng nhanh về kết nỗi và lưu trữ dữ liệu, như dịch vụ 5G. Tuy nhiên điều này thường đi kèm với những vấn đề phức tạp kỹ thuật và yêu cầu cao về an ninh mạng.
Nền kinh tế năng động: Việt Nam đang tái cơ cấu nền kinh tế và tìm cách tiếp cận các ngành công nghiệp đột phá. Đây là các cơ hội tốt để thúc đẩy phát triển thành phố thông minh.
Phát triền Thành phố thông minh ở Việt Nam: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống
Theo khảo sát, hiện Việt Nam đã triển khai hơn 100 dự án TPTM, riêng từ cuối năm 2020 đến nay ít nhất 28 dự án đã được đấu thầu. Các dự án chủ yếu tập trung ở các thành phố Hà Nội (20%), TP. Hồ Chí Minh (30%) và Đà Nẵng (24%). Còn lại là các thành phố khác ( chiếm 26%) như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ.  
Các lĩnh vực trọng tâm liên quan đến thúc đẩy chính phủ điện tử (17%), giao thông (28%), tài nguyên và môi trường (25%). Các lĩnh vực đang được thúc đẩy khác bao gồm chất lượng sống (14%) và kinh tế (16%).
Vai trò và sự phối hợp giữa các bên được đề cao để đảm bảo tiến trình phát triển TPTM Việt Nam.
Tiến trình phát triển TPTM ở Việt Nam có sự tham gia của nhiều bên. Trong đó, Chính phủ có vai trò quan trọng trong định hình sự phát triển toàn diện. Các địa phương, đặc biệt là UBND các thành phố có vai trò điều phối. Các Bộ, ngành đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chiến lược và chính sách trong các lĩnh vực mục tiêu. Hiệp hội có vai trò tập hợp các bên liên quan, định hướng thảo luận, đào tạo phát triển năng lực, khuyến khích các bài học thực tiễn và tư vấn chuyên môn trong các lĩnh vực cụ thể.
"Sổ tay thành phố thông minh: Việt Nam" đồng thời cũng nhấn mạnh sự đóng góp của khối tư nhân sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển TPTM Việt Nam. Hai đơn vị đóng vai trò chính trong khối này gồm các nhà cung cấp dịch vụ (công nghệ, phần mềm) và các đơn vị chủ trì dự án đô thị.
Tám yếu tố cần thiết để triển khai dự án Thành phố thông minh 
Để các dự án TPTM có tác động tốt, tài chính bền vững và bao quát, cần đảm bảo 8 yếu tố sau:
Tài chính bền vững: một trong những thách thức lớn nhất của triển khai TPTM là đảm bảo các sáng kiến kỹ thuật số bền vững về mặt tài chính. Để giải quyết vấn đề này, hai phương pháp được gợi ý. Một là thiết lập chiến lược ngân sách rõ ràng từ trung ương đến địa phương. Hai là linh hoạt trong các cơ chế tài chính. 
Khuôn khổ pháp lý: Việt Nam đã thực hiện bước quan trọng trong đảm bảo các dự án TPTM phù hợp các mục tiêu phát triển dài hạn. Tuy nhiên các vấn đề khác, như tiếp cận công nghệ bình đẳng và mục đích sử dụng dữ liệu cá nhân, cũng cần được lưu ý để đảm bảo tính dài hạn và công bằng xã hội.
Hội nhập công nghệ: hiện Việt Nam có 13.000 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó 60% đã phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Nhưng trong đó có ít tiêu chuẩn dành cho việc hướng dẫn phát triển TPTM. Đây là địa hạt cần khai phá hơn nữa để tăng cường khả năng tương tác và sử dụng tối ưu các nguồn lực.
An ninh mạng: trong năm 2015 cả nước có tổng cộng 31.500 sự cố an ninh mạng. Riêng nửa đầu nă 2016 số lượng sự cố tăng 4,4 lần so với năm trước. Điều này chứng tỏ thực tế là an ninh mạng là vấn đề ngày càng phức tạp và cần được ưu tiên hàng đầu.
Dữ liệu mở và tập trung: là những cơ hội lớn cho các TPTM trong việc tiết kiệm nguồn lực quản trị và vận hành. Tuy nhiên, đây là quá trình tốn kém và mất thời gian.
Kết nối: truy cập di động và internet nhanh là yêu cầu bắt buộc để phát triển TPTM. Việt Nam đã tiên phong triển khai 5G ở châu Á và nhanh chóng số hóa cơ sở hạ tầng băng thông tốc độ cao. Tuy nhiên phổ cập internet và tăng chất lượng đường truyền trên diện rộng mới có thể đảm bảo vận hành các tiện ích cần thiết, như đám mây, AI, IoT.  
Mô hình ba nhà: sự thành công của các sáng kiến TPTM thường dựa trên sự hợp tác của nhiều bên gồm cả khu vực công, tư và học thuật mới có thể đáp ứng nhu cầu ưu tiên của quốc gia, địa phương, tới cộng đồng và cá nhân. Các ví dụ thành công điển hình của các TPTM tại Anh quốc (London, Bristol, Manchester, Oxford, West Midlands) là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh và hiệu quả trong phối hợp đa bên để đạt mục tiêu chung.
Nghiên cứu đổi mới: TPTM được hưởng lợi từ việc hình thành hệ sinh thái nghiên cứu đổi mới song động, có khả năng tùy biến các công nghệ toàn cầu thích hợp với điều kiện địa phương, tạo ra các ý tưởng và công nghệ mới và ứng dụng vào thương mại. Để làm được điều này, cần sự hợp tác tích cực giữa các khu vực công – tư – trường đại học và cơ sở R&D nhằm khai thác lực lượng sáng tạo và tận dụng nguồn vốn một cách có mục tiêu. 
Phát triển TPTM là câu chuyện mới bắt đầu ở Việt Nam và sẽ còn mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức. Tuy nhiên không vì thế mà Việt Nam bỏ qua cơ hội này. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã nhấn mạnh “Bộ Thông tin và Truyền thông coi phát triển đô thị thông minh bền vững như một trong những nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia và cách mạng công nghiệp 4.0.”
Một số dự án thành phố thông minh tại Việt Nam
Hà Nội
Hà Nội đang phát triển dự án TPTM Nhật Tân – Nội Bài tổng giá trị đầu tư 3,02 tỷ bảng (tương đương 4,12 tỷ USD), trên quy mô 272 ha. Dự án sẽ cung cấp các dịch vụ công với những tính năng vượt trội như công nghệ 5G, nhận dạng khuôn mặt, bockchain và năng lượng tái tạo. Đồng thời tạo lưu thông thuận lợi giữa khu vực trung tâm với sân bay Nội Bài.
Ngoài ra, UBND thành phố đang phát triển ba dự án khác gồm: hệ thống giao thông thông minh, giải pháp đường phố thông minh và xe bus điện thông minh. Các dự án có tổng giá trị khoảng 138,5 triệu bảng (tương đương hơn 189 USD) sẽ góp phần giải quyết tình trạng ách tắc và ô nhiễm không khí khi vận hành chính thức.
TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh đang triển khai bốn dự án cốt lõi trị giá 86,5 triệu bảng Anh (tương đương 118 triệu USD) của mô hình đô thị thông minh. Các dự án gồm: (1) kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; (2) trung tâm điều hành đô thị thông minh; (3) trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; (4) trung tâm an toàn thông tin thành phố. Các dự án đã kết nối dữ liệu video từ hơn 1.500 camera do Sở GTVT, Sở Y tế, Sở GDĐT và CA TP cung cấp. Đồng thời đơn giản hóa và tiết kiệm nguồn lực trong việc sử dụng dữ liệu, mô hình hóa cho nhiều lĩnh vực ứng dụng TPTM.
Các dự án nổi bật khác, bao gồm hệ thống thẻ vé thông minh, GIS cho hệ thống thoát nước, quần thể đô thị sinh thái đa chức năng Vincom Landmark 81, cũng đang cung cấp những tiện ích thông minh góp phần giúp TP tiết kiệm nguồn lực trong vận hành và ứng phó kịp thời với các vấn đề như ngập lụt, sạt lở.
Đà Nẵng
Đà Nẵng tập trung nguồn lực vào giải quyết các vấn đề liên quan đến hạ tầng và giao thông. Thành phố cũng chú trọng các vấn đề như phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe điện tử, quản lý môi trường thông minh, nền tảng dịch vụ công trực tuyến. Với đặc điểm là thành phố biển du lịch, Đà Nẵng ưu tiên tiếp cận dịch vụ viễn thông cho người dân và du khách bằng việc tiên phong cung cấp internet không dây miễn phí. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 của thành phố cũng đạt tỷ lệ 19,1% năm 2020.

Hương Giang tóm lược

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 2
  • 5
  • 1
  • 6
  • 9