Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:26 - GMT+7

Hiệu quả công nghệ “tổng đài trên mây” trong hỗ trợ điều trị F0

Với công nghệ nhận diện giọng nói bằng trí tuệ nhân tạo, từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổng đài y tế từ xa của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã kết nối 3.500 y, bác sĩ tình nguyện với hơn 100 nghìn trường hợp F0. Qua đó, cứu sống rất nhiều người bệnh, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh.

22/09/2021 - 10:46
Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 triển khai.
Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”
Được thành lập bởi Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 với mục tiêu huy động nguồn lực xã hội để tư vấn, hỗ trợ từ xa đối với các trường hợp F0 hoặc có nguy cơ cao nhiễm bệnh trong cộng đồng, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8 tại TP Hồ Chí Minh.
Mỗi ngày, sau khi kết thúc ca trực ở nơi làm việc, nhiều y, bác sĩ lại tất bật trở về nhà để tiếp tục công việc tư vấn tình nguyện cho hàng trăm nghìn ca F0 thông qua tổng đài y tế từ xa của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”.
Các tình nguyện viên đặc biệt này được phân nhóm theo khu vực, chủ động liên hệ với người bệnh và các trường hợp có nguy cơ cao để hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, đồng thời đánh giá, sàng lọc theo nhóm nguy cơ để kịp thời ứng phó.
Trong một lần hỗ trợ ca bệnh nặng qua tổng đài, BS Bạch Thái An, tình nguyện viên của mạng lưới, đã phải vừa hướng dẫn người bệnh cách thở, vừa liên tục cập nhật diễn biến chuyển nặng từ xa và tìm cách liên lạc với trung tâm y tế, số điện thoại đường dây nóng cấp cứu để hỗ trợ gia đình người bệnh.
Công việc của các tình nguyện viên thường diễn ra với cường độ cao trong thời gian rất ngắn ngủi, do đó, nhiều khi họ còn không kịp giới thiệu tên của mình.
Chia sẻ về cuộc gọi cuối cùng với người nhà một trường hợp F0 đã bình phục, bác sĩ Phan Thị Thanh Hoa bộc bạch: “Người ở đầu dây bên kia tỏ ra rất bối rối vì tôi đã hỗ trợ gia đình trong suốt 10 ngày, nhưng đến tên tôi mà họ còn chưa biết”.
“Tôi tiếp tục động viên gia đình và khẳng định rằng: đây là trách nhiệm của các y, bác sĩ nói chung, tình nguyện viên mạng lưới nói riêng”, bác sĩ Phan Thị Thanh Hoa kể lại. Khối lượng lớn dữ liệu và tình huống mà các y, bác sĩ tình nguyện phải xử lý qua tổng đài hỗ trợ nêu trên đã đặt ra sự cần thiết về một giải pháp hiện đại, đồng bộ, hướng tới rút ngắn thời gian ghi chép, tổng hợp, xử lý thông tin cũng như kết nối giữa người có nhu cầu và các y, bác sĩ.
“Tổng đài trên mây” hỗ trợ cứu người
Cuối tháng 7 vừa qua, sau khi hoàn tất công tác hỗ trợ về công nghệ trong ứng phó chống bão lũ tại miền trung nước ta, các kỹ sư phần mềm của nền tảng công nghệ Callio.vn tiếp tục nhận nhiệm vụ xây dựng một trung tâm điều hành phục vụ công tác tư vấn và điều trị từ xa.
Trước bối cảnh các ca bệnh nhiễm Covid-19 ngày càng tăng tại TP Hồ Chí Minh, Callio.vn đã phải chạy đua với thời gian để cho ra đời một tổng đài với khả năng quản lý, phân bổ, chịu tải một số lượng cuộc gọi rất lớn.
Vì vậy, các kỹ sư đã tận dụng công nghệ “tổng đài trên mây” (cloud call center) để thành lập một “tổng đài đa kênh” dành riêng cho việc tư vấn, chăm sóc người bệnh từ xa. Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31/7, đến nay, tổng đài Callio đã đồng hành với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, hỗ trợ kết nối để 3.500 y, bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện thăm khám từ xa đối với hơn 100 nghìn trường hợp F0.
Callio.vn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện giọng nó từ Google, cho phép chuyển đổi cuộc gọi thành văn bản. Nhờ đó, các y, bác sĩ tình nguyện có thể tư vấn từ xa cho người bệnh; lưu trữ, chia sẻ kết quả qua các cấp, tránh trùng lặp đối tượng, tối ưu kịch bản chăm sóc người bệnh…
Hằng ngày, dữ liệu thông tin các ca bệnh hoặc các trường hợp nghi nhiễm nguy cơ cao sẽ được thu thập từ CDC các tỉnh và những cuộc gọi đến đường dây nóng của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Sau đó, tất cả được chuyển thành văn bản, giúp tối ưu hóa thời gian để các y, bác sĩ tập trung vào chẩn đoán, tư vấn phác đồ điều trị cho từng tình trạng cụ thể.
Sau hơn 1 tháng triển khai mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, tổng đài đã tiếp nhận ngày càng nhiều những lời hồi âm xác nhận “đã khỏi bệnh”, “âm tính”, “đã xuất viện”… đến từ người bệnh, tiếp thêm động lực cho các y, bác sĩ tiếp tục gắn bó, tình nguyện cứu chữa người bệnh từ xa, giảm tải áp lực cho hệ thống y tế.
Bên cạnh trung tâm điều hành “tổng đài trên mây”, Callio.vn còn hỗ trợ tổng đài 1022 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bình Dương; ứng dụng “Giúp tôi” và 2 đội tình nguyện hỗ trợ oxy tại TP Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Được biết, thời gian tới, Callio.vn sẽ tiến tới triển khai hình thức video call cho mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”.
Theo Báo Nhân Dân

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 0
  • 2
  • 4
  • 6