Thứ tư, 24/04/2024 | 07:49 - GMT+7

Sản xuất thông minh: Hướng đi tất yếu

Chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh là một hành trình dài và mỗi doanh nghiệp (DN) cần xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể dựa trên năng lực hiện tại của DN so với yêu cầu phát triển của công nghiệp thông minh.

27/07/2021 - 09:16
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Bộ Công Thương, để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh cách mạnh công nghiệp (CMCN) 4.0, thời gian qua, một số tập đoàn, tổng công ty ở một số ngành như điện lực, dầu khí, bia, rượu, nước giải khát… đã có mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến ở mức cao, tiệm cận với các công nghệ của CMCN 4.0.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Điển hình, phải kể đến Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, với đa số các nhà máy sản xuất bia đều có trình độ tin học hóa và tự động hóa ở mức cao. Trong đó, Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi được đánh giá là đơn vị có trình độ phát triển nhất hiện nay. Phòng kiểm nghiệm của nhà máy đã lắp đặt phần mềm LIMS (Laboratory Information Management System) để quản lý hoạt động, thống kê, giám sát, đánh giá khả năng đo kiểm của thiết bị và nhân viên.
Công ty CP Hòa Việt của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã tiếp cận với những công nghệ hiện đại từ CMCN 4.0 bằng việc thiết kế và lắp đặt hệ thống băng chuyền kiểm đếm nguyên liệu được tự động hóa từ khâu nhập liệu đầu vào cho đến thành phẩm, các máy móc trực tiếp “giao tiếp” với nhau mà không cần sự tham gia của con người. Ngoài ra, công ty cũng triển khai thiết kế và ứng dụng phần mềm quản lý đồng ruộng từ xa giúp kiểm soát, quản lý các hoạt động vùng trồng trở nên đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Để hỗ trợ và đồng hành cùng DN, những ưu tiên triển khai của Bộ Công Thương trong thời gian qua đã tập trung nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại của DN khi tham gia vào cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với DN ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN về CMCN 4.0, hỗ trợ các DN thực hiện chuyển đổi số, xây dựng các mô hình thí điểm về nhà máy thông minh trong ngành Công Thương. Bộ Công Thương đã chủ động lồng ghép triển khai các nhiệm vụ, dự án hỗ trợ DN trong các chương trình KH&CN hiện có của Bộ. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất trong bối cảnh và yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết: Các DN cần có những bước đi nhanh chóng để nắm bắt cơ hội từ CMCN 4.0, nhưng cũng phải là những bước đi thận trọng và vững chắc. Trước tiên, DN cần phải hiểu chuyển đổi số tại DN có ý nghĩa như thế nào, DN cần, mong muốn gì và họ sẽ phải có những bước đi cụ thể như thế nào để hiện thực hóa.
Nhận thức đầy đủ giúp DN sẽ có cách tiếp cận chủ động trước những cơ hội và thách thức, tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển của DN. “Lộ trình này phụ thuộc rất lớn vào chiến lược và tầm nhìn của DN trong một bối cảnh phát triển mới” - ông Đào Trọng Cường nói.
Sản xuất thông minh là hướng đi tất yếu, đặc biệt khi Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như từng bước hình thành và dẫn dắt các chuỗi cung ứng.
Theo: Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 2
  • 2
  • 7
  • 3
  • 6