Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:53 - GMT+7

Công nghệ y sinh Việt khẳng định thương hiệu trên thế giới nhưng trắc trở tại thị trường nội địa

Phusa Biochem, công ty cung cấp nhiều sản phẩm y sinh công nghệ cao cho các hãng dược lớn trên thế giới, sở hữu nhiều bằng sáng chế tại Mỹ, nhưng lại trắc trở khi tiếp cận thị trường trong nước.

21/07/2021 - 09:27
Từ cuối tháng 1/2020, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã sớm công bố bài báo quốc tế đầu tiên đưa ra bằng chứng khẳng định Sars-CoV-2 lây từ người sang người trên tạp chí New England Journal of Medicine (NEJM). Điều này góp phần giúp Việt Nam có những quyết định kịp thời trong kiểm soát dịch bệnh thời kì đầu. Đây là công bố được thực hiện bởi Viện Paster TP. Hồ Chí Minh và Phusa Biochem, đơn vị thực hiện phân tích sinh phẩm trên hai bệnh nhân người Trung Quốc mà sau đó được xác định là nhiễm Sars-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam. 
Loại sinh phẩm mà Phusa Biochem làm cho Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đó là đoạn mồi primer, hay còn gọi là oligonucleotide, nguyên liệu quan trọng nhất của bất kì bộ kit xét nghiệm Covid-19 nào sử dụng công nghệ PCR. 
Primer được thiết kế dựa trên một đoạn nucleotide của kháng nguyên, “dính” vào virus (nếu có) trong mẫu bệnh phẩm và phát sáng, cho biết được người có mẫu có bị nhiễm Sars-CoV-2 hay không.
 
PCR là kỹ thuật không thể thiếu hàng thập kỉ nay trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu hóa sinh và y sinh trên khắp thế giới. Nó cho phép người ta có thể nghiên cứu chi tiết một đoạn DNA dù chỉ từ một lượng mẫu rất ít. Mỗi đoạn DNA cần nghiên cứu với mục đích khác nhau sẽ cần thiết kế primer riêng. Phusa Biochem hiện nay là công ty đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có thể sản xuất primer.
Ông Ngô Quốc Nam và đồng nghiệp 
Công nghệ được công nhận trên thế giới
Phusa Biochem được sáng lập năm 2008 bởi nhà sáng lập Ngô Quốc Nam. Trước khi sáng lập Phusa, vào những năm 80 và 90, ông Nam nằm trong đội ngũ nhân sự đầu tiên của các startup đổi mới sáng tạo nhất của Pháp và Mỹ thời bấy giờ là Appligene và Affymetrix. Trong đó, ông là trưởng bộ phận tổng hợp oligonucleotide của Appligene và là thành viên của nhóm nghiên cứu ra chip sinh học DNA tiên phong trên thế giới. Chip này ứng dụng trong việc xét nghiệm nhanh những bệnh liên quan đến gene người như các bệnh di truyền, ung thư…
Phusa Biochem sau đó đã tiếp nhận và phát triển công nghệ tổng hợp primer từ CTGen (một công ty khác của nhà sáng lập Ngô Quốc Nam), để sản xuất ra các cột chứa chất nền tạo điều kiện xảy ra phản ứng hóa học cho sản phẩm. Hàng triệu sản phẩm này của doanh nghiệp đã được cung cấp cho các tập đoàn dược phẩm khổng lồ trên thế giới như Sigma (Mỹ), Genscript (Trung Quốc), Eurogentec (Bỉ)… Riêng bằng sáng chế công nghệ được hãng Sigma – Merk (liên doanh dược phẩm Mỹ-Đức) thuê dài hạn. 
Năng lực công nghệ của Phusa được các nhà khoa học Viện Paster đánh giá rất cao. TS. Nguyễn Hải Hà, Phó Phòng phân tích gene, Viện Công nghệ gene chỉ ra rằng primer của Phusa Biochem không thua kém gì các hãng khác trong xét nghiệm Covid-19. Bản thân nhà sáng chế - giám đốc Phusa cho biết “Nước ngoài họ rất nể Phusa".
Những tưởng với sự bảo chứng chất lượng uy tín như vậy, công nghệ của Phusa sẽ được chào đón tại Việt Nam. Nhưng thực tế lại không như vậy.
Vận hành máy tổng hợp primer trong PTN của Phusa
Trắc trở khẳng định mình tại Việt Nam
Theo chia sẻ của giám đốc Phusa, phần lớn các nhà nghiên cứu e ngại chất lượng sản phẩm sản xuất ở Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm khoa học công nghệ.
Để cận thị trường, doanh nghiệp đã đưa đưa mẫu dùng thử miễn phí đến các viện, trường, bệnh viện... đồng thời xây dựng website công khai giá bán và quy trình đặt hàng online, nhưng doanh thu cả năm ban đầu của Phusa Biochem từ sản phẩm primer chỉ là 30 triệu, thấp tới mức “lúc đó đang muốn ngừng rồi” – ông Nam nói.
Chưa kể, mỗi khi có khách hàng phản ánh là dùng sản phẩm thí nghiệm không thành công, dù chắc chắn không phải lỗi từ phía mình, công ty vẫn thu hồi lại primer, xin mẫu của khách hàng, và chạy nhiều thí nghiệm để chỉ ra lỗi ở đâu. Nột cặp primer hai-ba trăm ngàn nhưng có khi đã hai-ba triệu đồng cho một chứng minh, chưa kể chi phí nhân công và thời gian. "Như vậy mới giữ được khách hàng", ông Nam chia sẻ. 
Phòng thí nghiệm Viện Pasteur TP.HCM
Không chùn bước
Con đường của Phusa là làm sao để các thí nghiệm sử dụng PCR được dễ dàng hơn, với giá rẻ hơn. Bước đầu là sản xuất primer, giúp rút ngắn thời gian tính bằng tháng để đặt mua sản phẩm ở nước ngoài, xuống vài tiếng đồng hồ. Bước thứ hai, thiết kế và sản xuất máy PCR trong nước với giá chưa bằng 1/2 so với giá nhập khẩu. Theo ông Nam, “mình muốn cung cấp máy này cho hệ thống giáo dục để sinh viên có cơ hội được thực hành nhiều hơn”.
Hiện, sản xuất máy PCR nằm trong khả năng của doanh nghiệp bởi công nghệ này đã được phổ biến hàng thập kỷ, và sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mexico. Nhưng trở ngại nằm ở chỗ  sản phẩm không có ai chứng nhận. Các cơ quan chỉ có thể chứng nhận hiệu chuẩn (đánh giá sai số, độ chính xác của máy), nhưng xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá máy, cấp phép sử dụng máy thì không. 
Vào tháng 2/2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt ba nhiệm vụ cấp quốc gia đột xuất về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó Phusa chủ trì nhiệm vụ sản xuất hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của Sars-CoV-2. Việc nghiên cứu đã hoàn thành từ tháng 10, tuy nhiên vẫn đang còn chờ chứng nhận từ Bộ Y tế để được lưu hành. Hiện doanh nghiệp vẫn đang chờ với hy vọng “nhờ đề tài này mà có được chứng nhận của cơ quan quốc gia là máy hoạt động đúng như mình nói, thì mình có thể dùng cái này là bằng cớ để đi tới”.
Xét nghiệm COVID hiện nay không dùng máy PCR mà dùng máy Real-time PCR. Lí do là bước đọc kết quả của máy PCR phức tạp, mất thời gian và đòi hỏi cần mở nắp ống mẫu bệnh phẩm, dễ làm virus bay ra ngoài không khí, dẫn đến hiện tượng dương tính giả cho các lần xét nghiệm sau. Nhưng máy Real-time PCR lại có giá đắt đỏ, lên đến hàng tỉ đồng/máy chưa kể sinh phẩm dùng cho Real-time PCR cũng đắt hơn máy PCR thông thường. Thêm vào đó, các sinh phẩm xét nghiệm dùng cho cả 2 loại máy đều phải bảo quản ở nhiệt độ lạnh, cần một hệ thống làm lạnh cồng kềnh đi kèm, không phù hợp với điều kiện “dã chiến”.
PCR công nghệ mới của Phusa có thể khắc phục được 2 nhược điểm này. Cải tiến thứ nhất là Spot check, máy đọc kết quả nhanh và đơn giản hơn từ máy PCR. Như đã biết, khi có virus mẫu bệnh phẩm, primer sẽ “đính vào” đó và phát sáng, có nghĩa là nếu phát quang, tức là bệnh nhân đó bị nhiễm virus và ngược lại. Thêm vào đó máy Spotcheck còn phân biệt được âm tính giả, dương tính giả. Qua thử nghiệm lâm sàng ở Hải Dương trên 104 mẫu dương tính và 115 mẫu âm tính, độ nhạy của máy vào khoảng 94% (có 6 mẫu cho kết quả âm tính giả). Cải tiến thứ hai nằm ở công nghệ tạo ra primer mới cho phép thao tác và lưu trữ mẫu tại điều kiện nhiệt độ phòng bình thường. Giá của cả bộ xét nghiệm này chưa đến 100 triệu đồng, một máy spot check còn dùng được cho nhiều máy PCR. Với các đặc điểm như vậy cho phép tạo ra nhiều điểm xét nghiệm tầm soát COVID-19 di động, giảm áp lực lên hệ thống phòng thí nghiệm đang quá tải của Việt Nam. 
Hải Hà t/h

Cùng chuyên mục

Giải pháp thu hút dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh vào các KCN Hà Nội

28/03/2024 - 08:32

Tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu việt nam 2024” được tổ chức ngày 26/3 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội (HIZA) đã chia sẻ một số giải pháp thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh, công nghiệp điện tử bán dẫn vào các KCN Hà Nội.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 5
  • 3
  • 2
  • 5