Thứ năm, 25/04/2024 | 11:52 - GMT+7

Áp dụng công nghệ cơ giới hóa: Nâng cao sản lượng khai thác than

Từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ (Bộ Công Thương) đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu áp dụng dây chuyền công nghệ cơ giới hóa khấu than lò chợ phù hợp với điều kiện địa chất kỹ thuật các vỉa than thoải và nghiêng ở các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh”.

25/06/2021 - 14:21
Xây dựng tiêu chí lựa chọn công nghệ
TS. Lê Đức Nguyên - Chủ nhiệm đề tài - cho biết: Đề tài đã tiến hành đánh giá và tổng hợp kết quả áp dụng công nghệ CGH đồng bộ khai thác tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh trong năm qua, phân tích những mặt đạt được và chỉ ra một số hạn chế, tồn tại liên quan đến khả năng làm việc của đồng bộ thiết bị CGH, công tác khảo sát thăm dò địa chất, năng lực cơ khí của ngành cũng như công tác tổ chức sản xuất trong lò chợ.

Vận hành khai thác lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ
Bên cạnh đó, tổng hợp kinh nghiệm áp dụng công nghệ CGH đồng bộ khai thác trên thế giới trong điều kiện vỉa mỏng đến dày, thoải đến nghiêng, làm cơ sở đề xuất các mô hình công nghệ CGH đồng bộ khai thác cho các điều kiện vỉa tương tự của Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả đánh giá kinh nghiệm áp dụng công nghệ CGH trong và ngoài nước, các yếu tố địa chất vỉa ảnh hưởng đến quá trình khai thác lò chợ CGH, đề tài đã xây dựng tiêu chí lựa chọn công nghệ CGH cho các mỏ hầm lò Việt Nam. Từ đó, đã đề xuất được 4 mô hình công nghệ CGH phù hợp với vùng Quảng Ninh, gồm: Mô hình CGH đồng bộ hạng nặng; mô hình CGH đồng bộ hạng trung bình; mô hình CGH đồng bộ hạng nhẹ và mô hình bán CGH.
Đồng thời, lập hướng dẫn lựa chọn các thiết bị chính cho lò chợ CGH, như: Giàn chống, máy khấu, máng cào và các thiết bị khác. Đề xuất lộ trình áp dụng các mô hình CGH khai thác các vỉa thoải đến nghiêng trong giai đoạn từ 2020 - 2023. Theo đó, sản lượng khai thác bằng CGH tăng từ 3.830 ngàn tấn (chiếm 16,3%) năm 2020 lên 7.980 ngàn tấn (chiếm 30,6%) năm 2023; tổng số lò chợ CGH tăng từ 10 lò chợ năm 2020 lên 23 lò chợ năm 2023. Đây là cơ sở và tài liệu tham khảo cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh nghiên cứu, áp dụng công nghệ CGH khai thác trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023.
Nâng cao năng suất lao động
Theo TS. Lê Đức Nguyên: Căn cứ vào đặc điểm điều kiện địa chất các vỉa than vùng Quảng Ninh và tiêu chí lựa chọn công nghệ CGH, đề tài đã lựa chọn được 1 dây chuyền công nghệ CGH đồng bộ hạng nhẹ, gồm: Giàn chống loại ZY2400/14/32Q; máy khấu loại MG160/381-WD và máng cào SGZ630/220 phù hợp với điều kiện vỉa dày trung bình, thoải đến nghiêng để triển khai áp dụng thử nghiệm vào trong thực tế sản xuất.
Kết quả áp dụng công nghệ CGH hạng nhẹ tại Công ty than Hạ Long đã cho các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tốt, như: Sản lượng khai thác lò chợ đạt 28.131 tấn/tháng, tương ứng với công suất 337.572 tấn/năm, năng suất lao động trực tiếp đạt 28,9 tấn/công. So với các lò chợ khoan nổ mìn trong cùng điều kiện, sản lượng lò chợ CGH hạng nhẹ đạt cao gấp từ 2 - 3 lần, năng suất lao động trực tiếp cao gấp từ 3 - 6 lần, điều kiện làm việc và mức độ an toàn của người lao động được cải thiện rõ rệt.
So với các lò chợ CGH đồng bộ khác trong vùng Quảng Ninh, lò chợ CGH hạng nhẹ tại Hạ Long đạt được các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương đương, thậm chí cao hơn một số dây chuyền (ở Quang Hanh, Khe Chàm).
Thời gian tới, để giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao hơn nữa mức độ an toàn và tỷ trọng than khai thác được bằng công nghệ CGH trong các mỏ than hầm lò của Việt Nam, việc triển khai áp dụng kết quả nghiên cứu của đề tài vào thực tế sản xuất là cần thiết.
Theo Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 4
  • 3
  • 4
  • 2
  • 4