Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:52 - GMT+7

Các công ty và tổ chức viễn thông trên thế giới đề xuất dành băng tần 6 GHz cho 5G

Hơn 20 công ty viễn thông và các tổ chức trong ngành công nghiệp viễn thông đã kêu gọi các cơ quan quản lý và các bên liên quan khác dành phổ tần trong băng tần trung (6 GHz) cho hệ thống IMT, đặc biệt là cho 5G.

11/01/2021 - 09:37
Trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới diễn ra vào năm 2023 (WRC-23), có tổng cộng 23 công ty bao gồm nhà khai thác viễn thông, các nhà cung cấp và các tổ chức trong ngành công nghiệp viễn thông đã đưa ra một tuyên bố chung để yêu cầu các nhà hoạch định chính sách công nhận tầm quan trọng của phổ tần số trong băng tần trung cho các công nghệ IMT và dành phổ tần trong băng tần 6 GHz cho việc sử dụng 5G. 

Thụy Điển tạm dừng đấu giá 5G do tòa chấp nhận đơn kháng cáo của Huawei
Phần lớn các mạng 5G thương mại trên thế giới cho đến nay đã được triển khai trên băng tần trung từ 3,3 GHz-3,8 GHz, trong khi một số quốc gia cũng đã tái sử dụng lại các băng tần thấp dưới 1 GHz cho 5G. Một số quốc gia như Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đã triển khai 5G trên băng tần cao, băng tần mmWave (từ 24 GHz – 100 GHz).
Việc triển khai các mạng di động trên băng tần thấp có lợi thế về vùng phủ sóng rộng nhưng để cung cấp các dịch vụ cần tốc lượng cao thì cần phải sử dụng các băng tần cao hơn. Vì vậy, phổ tần số trong băng tần trung (từ 1 GHz – 6 GHz) là cần thiết để vừa đáp ứng được yêu cầu về tốc độ dữ liệu cũng như vùng phủ sóng.
Đề xuất này do Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA) và các công ty như Ericsson, Nokia, Huawei và ZTE khởi xướng, họ cho rằng, lượng phổ tần hiện tại được cung cấp cho 5G sẽ không còn đủ trong tương lai. Do đó, các nhà khai thác di động cần có lượng phổ tần lớn hơn đặc biệt là các kênh liền kề trong băng tần trung để triển khai hệ thống IMT đặc biệt là cho 5G trong tương lai nhằm mang lại hiệu quả về chi phí.
Tuyên bố chung được công bố sau hội thảo với chủ đề “Băng tần 6 GHz cho IMT – Cơ hội cho xã hội”, trong đó đã kêu gọi các cơ quan quản lý khu vực Mỹ Latinh và Caribe xem xét lập trường của họ liên quan đến băng tần 6.425 MHz-7.125 MHz, vì các quyết định dự kiến sẽ được đưa ra tại WRC-23.

Danh sách 23 nhà khai thác viễn thông, các nhà cung cấp và các tổ chức trong ngành công nghiệp viễn thông đề xuất dành băng tần 6 GHz cho việc sử dụng 5G.
Các bên ký kết hoan nghênh lập trường của Cơ quan quản lý Bưu chính và Viễn thông Châu Âu (European Conference of Postal and Telecommunications Administrations - CEPT) trong việc xem xét băng tần 6 GHz, theo đó CEPT đã cung cấp băng tần 5.925 MHz-6.425 MHz để sử dụng miễn giấy phép và đang xem xét các lựa chọn của mình cho băng tần từ 6.425 MHz-7.125 MHz.
Mặc dù WRC-23 vẫn còn ba năm nữa, nhưng nhiều công việc chuẩn bị đã được tiến hành. Tuyên bố chung đã đề cập đến các hoạt động liên quan đến việc xem xét băng tần 6 GHz cho IMT, bao gồm:
- Bộ phận thông tin vô tuyến (ITU-R) của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đã có những bước đi chuẩn bị cho WRC-23, trong đó đang xem xét khả năng xác định băng tần 6 GHz cho IMT;
- Việc tiêu chuẩn hóa của tổ chức 3GPP đang được thúc đẩy để mở đường cho hệ sinh thái 5G trong băng tần này;
- Thử nghiệm băng tần 6 GHz cho IMT được xác nhận sẽ bắt đầu vào năm 2021 ở một số thị trường tiên phong.
Đánh giá về vấn đề này, nhóm đề xuất cho rằng, nhiều khả năng băng tần 6 GHz sẽ được xác định cho IMT và được sử dụng cho 5G nhằm mang lại những lợi ích quan trọng cho người tiêu dùng và các lĩnh vực công nghiệp khác nhau.
Trong thực tế hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu nghĩ đến việc xem xét sử dụng băng tần 6 GHz (5.925-7.125 MHz) cho các mục đích khác nhau trong tương lai. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những cách tiếp cận khác nhau đối với việc sử dụng băng tần này, chẳng hạn như Trung Quốc ủng hộ việc sử dụng băng tần này cho 5G được cấp phép trong khi Hoa Kỳ lại đi theo hướng ngược lại, tức là băng tần này sẽ được sử dụng không cần cấp phép cho Wi-Fi.
Trong khi đó, Châu Âu đang xem xét việc sử dụng băng tần này cho các tuyến truyền dẫn vô tuyến giữa trạm gốc và mạng lõi (backhaul) và chỉ cho phép sử dụng không cần giấy phép 500 MHz trong đoạn băng tần từ 5.925 MHz – 6.425 MHz.
Đoạn băng tần từ 6.425 MHz - 7.125 MHz đang được các quốc gia khác xem xét và dự kiến cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại WRC-23 để xem xét phân chia cho hệ thống IMT ở Khu vực 1.
Trong khi đó, Khu vực 2 và Khu vực 3 sẽ chỉ xem xét băng thông 100 MHz trong đoạn băng tần 7.025 MHz – 7.125 MH tại WRC-23. Tuy nhiên, quan điểm của GSMA thì cho rằng, băng tần 6 GHz nên được ưu tiên cao để sử dụng với các hệ thống 5G trên cơ sở toàn cầu. Kết quả khảo sát từ các thành viên của GSMA từ cả 3 khu vực về việc sử dụng băng tần cho thấy, 90% phản hồi của các nhà khai thác di động đề xuất băng tần 6.425 MHz-7.125 MHz cần ưu tiên cao cho IMT.
Theo Báo VietNamNet
Tag:

Cùng chuyên mục

Ngành thông tin và truyền thông với sứ mệnh chuyển đổi số của Hà Nội

28/02/2024 - 08:32

Ngành Thông tin và nhiều thành tựu, đóng góp xứng đáng vào lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội và đất nước. Bước vào giai đoạn đưa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, của các cơ quan, tổ chức và DN lên môi trường số, ngành Thông tin và Truyền thông đã ghi dấu ấn với sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng vì Việt Nam hùng cường.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 4
  • 8
  • 7
  • 6