Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:28 - GMT+7

Đà Nẵng: công nghiệp công nghệ cao sẽ là một trong những mũi nhọn kinh tế

Trong chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng được xác định nhiệm vụ “phát triển điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số” là 1 trong 5 nhiệm vụ ưu tiên triển khai; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghệ thông tin đóng góp vào 10% GRDP của thành phố và năm 2030 là 15% GRDP.

05/01/2021 - 15:00
Những tiềm lực sẵn có 
Đà Nẵng hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với gần 32.000 nhân lực.
Những thành tựu và đột phá trong phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin thời gian vừa qua đã cho thấy sự năng động trong thúc đẩy các tiềm lực kinh tế của thành phố.
TP Đà Nẵng đã và đang phát triển 07 khu công viên phần mềm và Khu công nghệ thông tin tập trung. Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (chiếm 14% tổng số doanh nghiệp) với gần 32.000 nhân lực. Doanh thu ở lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ trung bình 20%/năm.
Năm 2019, tổng doanh thu ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng ước đạt 30.050 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 89 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, ước nộp ngân sách 125 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng cao, từ 25% đến 30%.
Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng cho biết trong những năm qua Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến mới khá hấp dẫn với các doanh nghiệp CNTT, trong đó có các doanh nghiệp đã có mặt ở Việt Nam muốn mở chi nhánh tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài, đặc biệt là từ châu Âu, Úc và Mỹ đến xây dựng trung tâm phát triển phần mềm tại Đà Nẵng để tìm kiếm nguồn lực gia công.
Giữa tháng 12-2019, Công ty TNHH KMS Technology Việt Nam (chuyên phát triển phần mềm) đã khai trương văn phòng tại Đà Nẵng. Đây là văn phòng thứ 6 của công ty tại Việt Nam và trên thế giới, cũng là văn phòng đầu tiên ở khu vực miền Trung. 
Ngoài sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới, ngành CNTT của Đà Nẵng năm qua còn chứng kiến xu hướng dịch chuyển tích cực trong chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty FPT Software Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng cho hay, bên cạnh dịch vụ ủy thác truyền thống, hiện nhiều doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã có những đầu tư để xây dựng các sản phẩm hoặc dịch vụ với hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao vượt trội.
Chẳng hạn, cuối tháng 11 vừa qua, Công ty TNHH Công nghệ Technocom đã ký kết với 2 đối tác Hàn Quốc để hợp tác trong thiết kế, phát triển, xây dựng các chương trình đào tạo và học tập. Hiện công ty đang có 5 kỹ sư làm việc tại Mỹ. Sắp tới, Technocom cũng sẽ phát triển ở thị trường châu Âu, tạo điều kiện cho các kỹ sư của công ty đến châu Âu làm việc. 
Cơ hội cho sự bứt phá
Cơ sở hạ tầng, cụ thể là khu phức hợp công nghệ cao với hạ tầng đồng bộ, cơ chế ưu đãi cũng là một điểm đến hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao có ý định chuyển dịch cơ sở sản xuất, nghiên cứu tại Việt Nam. 
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ nhận định mặc dù tăng trưởng kinh tế năm qua của TP bị chậm lại do ảnh hưởng Covid-19, nhưng vẫn còn cơ hội khác để bứt tốc. 
Lãnh đạo TP đã sớm xác định công nghệ cao sẽ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với định hướng đó, chính quyền TP đã tạo nhiều cơ hội giới thiệu, xúc tiến đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thông qua các buổi làm việc, hội thảo trực tuyến... đồng thời tạo nhiều thuận lợi trong thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thế giới tiếp cận thị trường Việt Nam. 
Cơ sở hạ tầng, cụ thể là khu phức hợp công nghệ cao với hạ tầng đồng bộ, cơ chế ưu đãi cũng là một điểm đến hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao có ý định chuyển dịch cơ sở sản xuất, nghiên cứu tại Việt Nam. 
Trên hết, theo ông Chung, tinh thần tiên phong, sáng tạo, ưu tiên cho sự phát triển của chính quyền thành phố là điểm cộng lớn cho địa phương trong việc thu hút đầu tư. 
Theo ông Lee Sungnyng, Giám đốc Kotra Đà Nẵng, thế giới đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy kinh tế. Ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển dịch các cơ sở sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào một quốc gia cụ thể. Do đó, Việt Nam với hình ảnh là một quốc gia ổn định sẽ là điểm sáng thu hút đầu tư hậu Covid-19. Trong đó, khu vực miền Trung và Đà Nẵng với những ưu thế nhất định dự đoán sẽ có bứt phá ngoạn mục.
Thêm vào đó, chi phí thuê đất thấp, hạ tầng tốt, lưu thông thuận lợi cũng là một điểm sáng nữa giúp thành phố biển có lợi thế thu hút đầu tư so với nhiều địa phương khác. Trên thực tế, từ Đà Nẵng tới các trung tâm kinh tế Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh không đều khá thuận lợi với số lượng chuyến bay nhiều. Theo ông Lee Sungnyng, trong nhiều năm qua sự quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với miền Trung Việt Nam đã đang tăng lên đáng kể. Nhìn chung, các nhà đầu tư đánh giá cao việc chính quyền thành phố tạo cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư dễ dàng hơn thông qua cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài những yếu tố trên, Đà Nẵng cũng đã tạo dấn ấn là một điểm đến hấp dẫn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố của một thành phố xanh, đáng sống. Đà Nẵng đang đứng thứ 5/63 tỉnh thành về chỉ số PCI, đứng đầu trong chỉ số ICT Index, thúc đẩy mạnh chính quyền điện tử, thành phố thông minh…  Khu CNC Đà Nẵng là một trong 3 khu CNC của Việt Nam cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhận định ngoài những thuận lợi trên, TP cũng cần sớm khắc phục một số điểm yếu sau để tăng sức cạnh tranh hơn nữa. Cụ thể, mối liên kết giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài còn rất lỏng lẻo. Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ CNC còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở năng lực cung cấp của các DN trong nước trong lĩnh vực này. Do đó, trong thời gian ngắn tới, TP cần tạo điều kiện để các DN nội được cọ xát, nâng cao năng lực và tiếp xúc với các đối tác quốc tế nhiều hơn trong lĩnh vực CNC. Có như vậy mới tăng tính kết nối và xây dựng hệ sinh thái đồng đều, phát triển mạnh mẽ. 
Hương Giang


Cùng chuyên mục

Giải pháp thu hút dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh vào các KCN Hà Nội

28/03/2024 - 08:32

Tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu việt nam 2024” được tổ chức ngày 26/3 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội (HIZA) đã chia sẻ một số giải pháp thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh, công nghiệp điện tử bán dẫn vào các KCN Hà Nội.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 1
  • 1
  • 9
  • 0
  • 9