Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:25 - GMT+7

Làm chủ nền tảng chuyển đổi số

“Make in Vietnam” đã khơi gợi tính sáng tạo của các doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam trong phát triển các sản phẩm phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

04/01/2021 - 11:33
Những công nghệ nổi bật
Dưới góc độ của một tập đoàn lớn, đa quốc gia, đã đầu tư vào Việt Nam nhiều năm, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm tại Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) từng nhận định, Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới. Đặc biệt trong ngành công nghệ, năng lực các kỹ sư Việt Nam không thua kém các thị trường khác mà Qualcomm có trung tâm phát triển.
Thực tế đã chứng minh, các nền tảng số của Việt Nam được ra mắt trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đang sở hữu những DN công nghệ sáng giá với chất lượng của các sản phẩm không thua kém các nền tảng nước ngoài, thậm chí tốt hơn ở một số lĩnh vực. Tiêu biểu, phải kể đến nền tảng akaBot được phát triển bởi Tập đoàn FPT, là giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) toàn diện cho DN với các “trợ lý robot ảo” có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn.
Ông Bùi Đình Giáp - Giám đốc sản phẩm akaBot - cho biết, các giải pháp của akaBot có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, ngân hàng, bán lẻ, sản xuất, logistics... giúp DN cắt giảm chi phí 60%, tăng năng suất đến 80% và giảm thời gian xử lý 90% trong khi được cam kết mức độ bảo mật cao nhất.
“Sau hơn 2 năm ra mắt, đến nay, ngoài chinh phục thị trường Việt Nam, sản phẩm đã có khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan. Trong đó, có thể đến các khách hàng lớn như: Thinkpower, HSBC, Panasonic, TPBank, Mizuho...” - ông Bùi Đình Giáp chia sẻ.

Cũng là một trong số các nền tảng do người Việt làm chủ, nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch ezCloud được phát triển bởi Công ty TNHH Công nghệ ezCloud toàn cầu, đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như: Giải pháp du lịch thông minh 2020, Top 10 Sao Khuê 2019, Chứng nhận DN công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam 2019, Top 15 startup châu Á 2015 đánh giá bởi Seedstar world - Thụy Sĩ…
“ezCloud mong muốn giúp các khách hàng đơn giản hóa công việc quản lý, vận hành và kinh doanh du lịch. Đến nay, ezCloud đã có mặt tại 5 quốc gia và là nền tảng quản lý và kinh doanh du lịch có thị phần số 1 Việt Nam với hơn 6.000 khách hàng” - ông Nguyễn Hoàng Dương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ ezCloud toàn cầu - cho hay.
Tương tự, nền tảng quản trị DN toàn diện Base.vn đã trở thành nền tảng uy tín được tin dùng bởi hơn 5.000 DN trải dài trên nhiều quy mô và lĩnh vực, trong đó có khoảng một nửa là các DN hàng đầu Việt Nam. Hay, nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt - Viettel Cyberbot được phát triển với mục đích giúp DN tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ xử lý ngôn ngữ tiếng Việt. Hiện, Viettel Cyberbot giúp các DN tối ưu được tới 40% nguồn lực chăm sóc khách hàng…
Công cụ thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn
Các nghiên cứu của Temasek, Bain & Company cho thấy, kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - cho rằng: Các mô hình kinh doanh mới, các dịch vụ mới đang được sản sinh ngày càng nhiều trên các nền tảng công nghệ tạo ra những bước nhảy về kinh tế. Chính vì thế, tất cả các tổ chức, DN đều mong muốn sở hữu công nghệ, tham gia vào cuộc đua công nghệ số.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 chính là thời cơ, cú huých để triển khai chuyển đổi số. “Việt Nam đang biến Covid-19 từ đại dịch, trở thành một bước ngoặt, có khả năng tạo ra cuộc cách mạng về công nghệ tại Việt Nam, giúp Việt Nam có những tăng trưởng vượt bậc, mạnh mẽ hơn so với các nước trong khu vực” - ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.
Nếu như trước đại dịch Covid-19, nhiều DN không sẵn sàng với chuyển đổi số, nhưng đến thời điểm hiện tại, chuyển đổi số là yêu cầu sống còn của các DN, đặc biệt các DN vừa và nhỏ... Những yếu tố này đã mở ra cơ hội cũng như thị trường rộng lớn đối với các DN công nghệ cũng như các nền tảng số “Make in Việt Nam”.
Không ít lần, trong các cuộc họp và hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam.
Theo: Báo Công Thương

Cùng chuyên mục

Giải pháp thu hút dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh vào các KCN Hà Nội

28/03/2024 - 08:32

Tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu việt nam 2024” được tổ chức ngày 26/3 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội (HIZA) đã chia sẻ một số giải pháp thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh, công nghiệp điện tử bán dẫn vào các KCN Hà Nội.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 4
  • 5
  • 3
  • 3