Thứ năm, 18/04/2024 | 22:01 - GMT+7

Để không thua trên “sân nhà”

Cùng với hạ tầng viễn thông, điện toán đám mây là hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số. Việc chiếm lĩnh được thị trường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc lưu trữ, khai thác dữ liệu trong nước. Vậy các doanh nghiệp viễn thông đã và đang làm gì để không thua trên "sân nhà"?

15/12/2020 - 09:31

Hệ thống Trung tâm Dữ liệu Viettel (IDC Center) là một trong 27 trung tâm dữ liệu phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.
Khái niệm điện toán đám mây chỉ mô hình điện toán sử dụng công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng internet. Nếu như trước hệ thống máy chủ (server) là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu thì nay dữ liệu được lưu trữ trên mạng internet (máy chủ ảo, được ví với hình ảnh đám mây).
Theo số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường điện toán đám mây trong nước hiện nay đạt khoảng 133 triệu USD, tương đương 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại của nhà cung cấp nước ngoài (nghĩa là đến 80% lưu trữ dịch vụ đặt tại máy chủ ở nước ngoài). Thêm nữa, mức chi tiêu cho điện toán đám mây ở trong nước còn khá thấp, ước chỉ 1,7 USD/ người/năm, thấp hơn 107 lần so với Singapore, 6,5 lần so với Malaysia. Trong khi đó, theo dự đoán trong 2-3 năm tới, thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu sẽ bùng nổ, đóng góp lớn cho quá trình chuyển đổi số. Đáng chú ý, hiện có 11 doanh nghiệp công nghệ đã đầu tư xây dựng 27 trung tâm dữ liệu với tổng số hơn 270.000 server, băng thông kết nối đường trục 63/63 tỉnh, thành phố lên đến 15Tbps…
Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ dữ liệu công nghệ thông tin Vina (VNG Cloud) thuộc Công ty cổ phần VNG cho rằng, các nhà cung cấp trong nước đang có nhiều lợi thế. Đó là, đã làm chủ về hạ tầng và công nghệ điện toán đám mây, nhờ đó làm chủ về giá thành dịch vụ. Hơn nữa, các nhà cung cấp trong nước có thể sẵn sàng hỗ trợ và đào tạo trực tiếp cho khách hàng, hơn hẳn so với các nhà cung cấp nước ngoài. Còn ông Hoàng Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty Viễn thông CMC (thuộc Tập đoàn CMC) thì cho rằng, các nhà cung cấp trong nước muốn chiếm lĩnh thị phần thì phải đầu tư phát triển các tính năng bằng việc tạo ra hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu chuyển hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu của khách hàng trong nước lên dịch vụ đám mây.
Về phía cơ quan nhà nước, trong tháng 4-2020, Cục An toàn thông tin và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát động chiến dịch chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. Trước đó, trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam (1-12-2020), Cục An toàn thông tin đã chính thức công nhận 5 nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam phục vụ cho phát triển chính phủ điện tử...
Đánh giá về các nền tảng này, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, các nền tảng trên đáp ứng được các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây.
Về phát triển hạ tầng điện toán đám mây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhiều lần nhấn mạnh vấn đề dữ liệu của người Việt Nam đang được lưu trữ tại nước ngoài không chỉ là một sự lãng phí lớn mà còn ảnh hưởng đến vấn đề an toàn, bảo mật. Do vậy, cộng đồng công nghệ trong nước cần chung tay xây dựng, phát triển nền tảng số phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ hạ tầng viễn thông, cần tiếp tục làm chủ hạ tầng số, bảo đảm mục tiêu, trong năm 2021 chiếm lĩnh 50% thị trường...
Theo Báo Hà Nội mới
Tài liệu đính kèm

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 7
  • 6
  • 7
  • 5
  • 3