Thứ tư, 24/04/2024 | 03:49 - GMT+7

Đầu tư cho công nghệ AI, doanh nghiệp phải cân đối yếu tố lợi nhuận

Trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN), đại diện nhiều doanh nghiệp đã có những chia sẻ bổ ích về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động của doanh nghiệp.

03/12/2020 - 09:09
Chuyển đổi số, ứng dụng AI giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức
Theo ông Phạm Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc khối công nghệ thông tin Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Covid-19 dù ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, các doanh nghiệp nhưng cũng chứa nhiều cơ hội phát triển. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số là một trong những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, phương châm chuyển đổi số của tập đoàn ông là "công nghệ là nền tảng, con người là trọng tâm, trải nghiệm khách hàng là mục tiêu". Với công nghệ, doanh nghiệp sẽ giải các bài toán về sự xung đột thông tin và dữ liệu, tạo sự thuận tiện cho người dùng thông qua các đối tác chiến lược và các công nghệ nền tảng từ SAP, Amazon, Deloitte, các công nghệ xử lý dữ liệu. Ngoài ra, họ còn có các ứng dụng giúp cho việc tự động và cắt bớt các quy trình trùng lắp trong tổ chức, tăng mức độ kiểm soát thông qua công nghệ đang tạo ra một sự đột phá cho việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Ông cho rằng, sự thành bại của việc chuyển đổi số phụ thuộc vào con người. Doanh nghiệp này đầu tư lớn vào con người với rất nhiều chương trình đào tạo, tái cấu trúc với mục tiêu có được một sự phối hợp giữa các thành viên trong nội tại từng phòng ban cũng như ngoài phòng ban. Mỗi một phòng ban sẽ được xem như một mô hình trung tâm dịch vụ, nơi mà việc tạo giá trị cho khách hàng luôn là một ưu tiên hàng đầu.
Ông Tuấn cho biết thêm, năm 2019, doanh thu của Tân Hiệp Phát khoảng 9.200 tỷ đồng, trong đó việc chi cho ứng dụng công nghệ 2-3%. Trong bài toán đầu tư cho công nghệ AI, doanh nghiệp phải cân đối yếu tố lợi nhuận mang lại, hiệu quả cho khách hàng.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, ông Đỗ Văn Hải, chuyên gia tại Trung tâm Không gian mạng, Tập đoàn Viettel cho biết, mỗi ngày, Viettel có gần 500.000 cuộc gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng. Trước đây doanh nghiệp phải dùng hàng nghìn người để giám sát các cuộc gọi này nhưng không thể triệt để, không kiểm soát được tất cả cuộc gọi, việc đánh giá cũng thiếu khách quan.
Hiện nay, bằng việc đưa cuộc gọi sang văn bản, sử dụng một số keyword có thể phân tích được cuộc gọi, từ đó đánh giá được chất lượng chăm sóc khách hàng của tổng đài viên, ghi nhận những phản ánh từ khách hàng. Theo ông Hải, muốn áp dụng AI trong doanh nghiệp, người lãnh đạo cần chấp nhận sự đổi mới, áp dụng công nghệ mới. Doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau, cùng tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các vấn đề.

Ảnh minh họa
Cần gắt kết trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực về AI
Theo PGS. TS Quản Thành Thơ, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), trí tuệ nhân tạo (AI) dần trở thành một nghề, được các trường đại học chú trọng đào tạo. Hiện tại, TP.HCM đang thực hiện đào tạo cho học sinh làm quen với AI ngay ở bậc phổ thông, lộ trình: 3 năm học ở phổ thông, làm quen kiến thức; 4 năm đại học; 3 năm trải nghiệm thực tế sau khi ra trường.
Chuẩn đầu ra ở bậc đại học là kiến thức, nhận thức và hành vi. Mục tiêu đào tạo là sinh viên tốt nghiệp có thể làm được điều đó từ 3-5 năm sau khi ra trường. Do đó, nhiệm vụ của đại học là đào tạo sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra, còn doanh nghiệp sẽ giúp họ đạt được mục tiêu đào tạo 3-5 năm. Nói cách khác, doanh nghiệp cũng là nhân tố quan trọng trong quá trình đào tạo nhân lực AI.
Ông Quản Thành Thơ cũng nhấn mạnh, sự gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp sẽ gắn chặt sau 3-5 năm chứ không phải sinh viên ra trường là nhiệm vụ của đại học đã hết. Hiện có hai loại hình đào tạo AI. Một là đào tạo lực lượng lao động chuyên nghiệp AI, chủ yếu là đào tạo chính quy trong các trường đại học. Hai là các khoá học ngắn cho những người đã đi làm, có xu hướng chuyển sang ngành AI, do nhiều viện, trung tâm đào tạo. Về lâu dài, muốn có một nguồn nhân sự vững mạnh ở ngành này, việc đào tạo ở các đại học là quan trọng.
TP HCM hiện có gần 60 trường đại học, học viện; 35 trường, viện có chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng chỉ có 14 chương trình đào tạo đại học ngành AI, Khoa học dữ liệu và Kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu trên dưới 1.000 sinh viên. Ở bậc sau đại học, hầu hết các trường chưa có chương trình đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ ngành AI, Khoa học dữ liệu hoặc các ngành gần.
Ông Thơ đề xuất đào tạo kết hợp chuyên ngành hoặc liên ngành, cho phép cá thể hoá định hướng học tập dưới sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia. Việc bồi dưỡng và đào tạo nên khuyến khích, phát huy người học trên cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo mỗi định hướng, cần có các môn học và hoạt động chuyên môn phù hợp để hỗ trợ năng lực tư duy, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng xã hội cần thiết cho người học.
"Giảng viên cần được đầu tư cơ chế giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Tất cả các yếu tố này hiện có nhiều khó khăn", ông Thơ cho biết.
Theo Báo VietQ.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 2
  • 1
  • 2
  • 7
  • 3