Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:20 - GMT+7

Dự thảo Nghị định mới cho các khu công nghệ cao: Kỳ vọng giải quyết bốn nhóm vấn đề

Hiện nay một số khu công nghệ cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ cao tới mức “đầy” không còn chỗ để xây dựng mới hay mở rộng quy mô, một số khu công nghệ cao dù có quy hoạch nhưng chưa đi vào hoạt động thực sự hiệu quả.

13/10/2020 - 08:21
Dự thảo nghị định được xây dựng để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cho các khu công nghệ cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư và hoạt động trong các khu công nghệ cao, thu hút dòng đầu tư vào đây cũng như tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với các khu công nghệ cao trong cả nước.

Khu Công nghệ cao, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Dangcongsan.vn
Hiện nay một số khu công nghệ cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ cao tới mức “đầy” không còn chỗ để xây dựng mới hay mở rộng quy mô, một số khu công nghệ cao dù có quy hoạch nhưng chưa đi vào hoạt động thực sự hiệu quả. Trong khi đó, về mặt quy định hiện hành, “Nghị định số 99/2003/NĐ-CP do Thủ tướng ban hành về Quy chế cho khu công nghệ cao đến nay đã “lỗi thời”, vì sau Nghị định 99 đã có nhiều luật, quy định mới, đặc biệt liên quan đến thuế và đất đai được ban hành”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Khu Công nghệ cao ngày 25/9/2020.
Theo Thứ trưởng, trong khoảng 15 năm qua, các dòng đầu tư vào các khu công nghệ cao cũng có nhiều thay đổi. Nếu như những năm 2005-2006, Intel đầu tư vào Việt Nam được coi như một dấu mốc rất lớn thì đến nay đã nhiều tập đoàn khác nhau đầu tư với quy mô lớn hơn rất nhiều. Mặt khác trong bối cảnh toàn cầu hóa, đầu tư công nghệ cao cũng có nhiều thay đổi - không có nghĩa là phải thiết kế và sản xuất trọn vẹn ở một nước mà sẽ có nhiều hợp phần công nghệ được thực hiện ở nhiều nước rồi sau đó chuyển giao công nghệ và đưa vào dây chuyền sản xuất và ứng dụng tại Việt Nam. Tất cả những thực tế đó đòi hỏi phải có sự sửa đổi các quy định sao cho phù hợp. Trong bối cảnh các quy định cũ không còn phù hợp nữa thì hiện nay từng khu công nghệ cao như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao TP HCM, Khu Công nghệ cao TP Đà Nẵng đều đang có riêng một nghị định đặc thù.
“Vì các lý do đó mà chúng tôi đã trình chính phủ xin chỉnh sửa và ban hành một nghị định mới liên quan đến các khu công nghệ cao, để làm sao phù hợp với các cập nhật trong các luật, đặc biệt là cập nhật thêm những xu thế mới về sự phát triển của KH&CN, dòng chảy đầu tư của nước ngoài, đầu tư của doanh nghiệp trong nước”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Đại diện Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN, đơn vị soạn thảo dự thảo này cho biết bốn nhóm vấn đề được đưa ra thảo luận cho nghị định này chủ yếu gồm:
Nhóm vấn đề thứ nhất là quy định về thành lập và mở rộng các khu công nghệ cao: Nghị định trước đây chỉ đặt vấn đề thu hút để lấp đầy các khu công nghệ cao, nhưng thực tiễn cho thấy như Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã đầy và thậm chí là đang đòi hỏi phải mở rộng, xây mới thêm. Có mặt tại hội thảo, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết do khu hết đất và cũng chưa có quy định nào hướng dẫn về việc mở rộng khu công nghệ cao nên hiện nay TP Hồ Chí Minh đã linh hoạt bằng cách giao cho Ban quản lý Khu công nghệ cao làm chủ đầu tư cho khu công viên khoa học của thành phố như một giải pháp để có thêm diện tích thu hút đầu tư cho công nghệ cao tại thành phố hiện nay.
Nhóm vấn đề thứ hai là thủ tục quy hoạch, xây dựng giải phóng mặt bằng đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cũng cần phải sửa đổi để bám kịp với các quy định, các luật mới, nghị định mới ra đời sau Nghị định 99. Hiện nay nhiều khu công nghệ cao đang đặt mục tiêu trở thành đô thị khoa học, đô thị thông minh, thì tương ứng với đó là hạ tầng, quy hoạch phải đảm bảo, không chỉ là xây dựng hạ tầng đơn thuần mà có thể liên quan cả đến hạ tầng truyền thông, hạ tầng thông minh.
Nhóm vấn đề thứ ba là ưu đãi hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư, sao cho tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. Nếu hành lang pháp lý không đầy đủ, không tạo thuận lợi cho các khu công nghệ cao thì sẽ dẫn tới một trong hai tình trạng: cố thu hút đầu tư nhưng sau này có thể vi phạm các quy định của pháp luật; hoặc là không thu hút được và nảy sinh nhiều dự án treo. Cả hai vấn đề này đều đang hiện hữu và đặt ra với các khu công nghệ cao, ví dụ như mặc dù TP Hồ Chí Minh linh hoạt mở công viên khoa học nhưng “điều kiện thu hút vào đây cần có những tiêu chí đặc thù gì thì vẫn chưa làm rõ được”, theo bà Lê Bích Loan. Hoặc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thu hút nhà đầu tư, các Nghị định 74/2017/NÐ-CP và Nghị định 35/2017/NÐ-CP cho phép chủ đầu tư hạ tầng và người sử dụng đất trong Khu CNC Hòa Lạc được ứng vốn giải phóng mặt bằng, song còn có những vướng mắc trong việc áp dụng do chưa có quy định xác định tiền ứng và cách hoàn tiền ứng cho doanh nghiệp như thế nào.
Về quản lý nhà nước với khu công nghệ cao, một vấn đề đặt ra cần phải thảo luận là trong tình hình mới các ban quản lý khu công nghệ cao có địa vị pháp lý và bộ máy như thế nào để đảm bảo đây không chỉ là một ban quản lý trong xây dựng và phát triển mà phải trở thành một ban quản lý bền vững và lâu dài. Các khu công nghệ cao còn có thể phát triển như một đô thị con, đô thị thông minh vậy thì ban quản lý ấy phải tồn tại bền vững và lâu dài để quản lý đô thị ấy và vận hành các vấn đề liên quan tới hạ tầng, dịch vụ, logistics hoặc là hải quan, kiểm tra chuyên ngành và nhiều vấn đề khác.
Đại diện đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo này, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho biết việc xây dựng một dự thảo chung cho các khu công nghệ cao này là “một việc khó, vì sẽ phải chạm tới tất cả các vùng luật khác. Nên ban soạn thảo, tổ biên tập rất muốn được nghe đóng góp của các bộ, ngành trên tinh thần cầu thị”. Hiện nay Vụ Công nghệ cao đang tổ chức các phiên họp lấy ý kiến để nhận góp ý từ phía các bộ, ngành có liên quan và các doanh nghiệp công nghệ cao. Dự kiến dự thảo này sẽ hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định sau đó trình lên Thủ tướng vào cuối năm 2020. Ông cũng cho biết, Ban soạn thảo đang "sát cánh cùng với các Ban quản lý các khu công nghệ cao để bám sát thực tiễn hoạt động của các khu".
Các khu công nghệ cao còn có thể phát triển như một đô thị con, đô thị thông minh, do vậy Ban quản lý Khu Công nghệ cao phải tồn tại bền vững và lâu dài để quản lý và vận hành các vấn đề liên quan tới hạ tầng, dịch vụ, logistics hoặc là hải quan, kiểm tra chuyên ngành và nhiều vấn đề khác.
Theo Báo Khoa học và Phát triển

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 4
  • 1
  • 0
  • 9