Thứ ba, 19/03/2024 | 09:09 - GMT+7

Đột phá từ công nghiệp công nghệ cao

Sau hơn hai thập kỷ kể từ ngày chia tách tỉnh và tròn 45 năm ngày giải phóng đất nước, kinh tế thành phố có những bước chuyển mình tích cực.

10/09/2020 - 09:00
Sau hơn hai thập kỷ kể từ ngày chia tách tỉnh và tròn 45 năm ngày giải phóng đất nước, kinh tế thành phố có những bước chuyển mình tích cực. Trong đó, ngành sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, đột phá từ các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có khả năng lan tỏa và tạo cú hích cho nền sản xuất trên toàn địa bàn theo hướng bền vững, lấy bảo vệ môi trường làm nền tảng cốt lõi.   

Thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài về công nghệ cao

Trong quá trình hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngành công nghiệp đã tạo được sự bứt phá tích cực với cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành sản xuất sạch, có hàm lượng cao về kỹ thuật-công nghệ và các ngành sản xuất hàng tiêu dùng mang lại giá trị kinh tế cao như: điện tử, thiết bị điện, công nghiệp phần cứng, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghiệp ô-tô... Đến nay, thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất quy hoạch 1.066,52ha, cùng với Khu Công nghệ cao (CNC), Khu Công nghệ thông tin tập trung, với tổng số hơn 500 dự án đang hoạt động.

Các dự án thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng dự báo sẽ tạo cú hích cho ngành sản xuất công nghiệp nói chung. TRONG ẢNH: Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Giải pháp an toàn tự động Hatsuta tại Khu Công nghệ cao. Ảnh: KHÁNH HÒA

Được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích 1.128,4ha, tổng mức đầu tư 8.841 tỷ đồng, Khu CNC Đà Nẵng xác định rõ mục tiêu tạo nền tảng cho việc phối hợp sản xuất-nghiên cứu-phát triển nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố. Đồng thời, thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư nước ngoài về sản xuất CNC như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc... hướng đến lực lượng sản xuất mới với trình độ cao, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ; ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường khoa học-công nghiệp của miền Trung và Tây Nguyên. Đây là khu CNC đa chức năng thứ ba của cả nước, sau Khu CNC Hòa Lạc - Hà Nội và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Ban quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, hiện nay, khu CNC đã thu hút 21 dự án, trong đó, có 11 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 5.691 tỷ đồng (tương đương khoảng 242 triệu USD), 10 dự án FDI với tổng vốn hơn 400 triệu USD; có 6 dự án đã đi vào hoạt động, sản xuất và các dự án khác đang trong quá trình triển khai đầu tư. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, có 3 dự án trong nước được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 531 tỷ đồng, 1 dự án FDI với tổng vốn là 60 triệu USD (chiếm 74,8% tổng vốn FDI thu hút của thành phố Đà Nẵng), đưa Đà Nẵng thành địa phương dẫn đầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng nhìn nhận, các dự án đều đáp ứng các tiêu chí thu hút vào khu CNC Đà Nẵng, như: công nghệ và sản phẩm phù hợp, tỷ suất đầu tư cao, dự án có quy mô nguồn vốn lớn, ít sử dụng đất, ít sử dụng lao động, dây chuyền sản xuất tự động và chuyên môn hóa cao. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong khu CNC ước đạt 2,822 triệu USD (chủ yếu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố với giá trị xuất khẩu là 2,822 triệu USD, giá trị nhập khẩu ước đạt 197.100 USD.

Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; trong đó nhấn mạnh công nghiệp CNC là một trong 3 trụ cột kinh tế chính cùng với du lịch và kinh tế biển. Với tiền đề này, thời gian tới, Đà Nẵng ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, công nghệ cao và các dự án về nghiên cứu và phát triển (R&D) phù hợp theo Chương trình số 36-CTr/TU ngày 24-1-2020 của Thành ủy Đà Nẵng liên quan đến thực hiện Chuyên đề “Phát triển công nghiệp CNC, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo-khoa học-công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”.

​​​​​​​Theo đó, một số mục tiêu được đặt ra, bao gồm: giai đoạn 2020-2025 sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD, có sức lan tỏa vào khu CNC, tỷ lệ đóng góp của khu CNC Đà Nẵng vào GRDP của thành phố đạt tối thiểu 10% đến năm 2025. Đến năm 2030, phát triển khu CNC Đà Nẵng đồng bộ với Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Định hướng này đặt ra cho thành phố Đà Nẵng nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức, trong đó vấn đề làm sao để có thể tham gia được và tham gia sâu hơn vào sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là khi thành phố đẩy mạnh việc tiếp cận, thu hút đầu tư vào các dự án FDI có thương hiệu lớn.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hà Bắc, để các dự án công nghiệp CNC phát huy được giá trị thì cần tạo đột phá phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách thiết thực, hiệu quả, có định hướng và phân công theo quy hoạch vùng; xác định các bước đi và tiếp cận công nghệ hợp lý cho từng ngành... Ông Phạm Trường Sơn cho biết, trong kế hoạch dài hạn, Ban quản lý tiếp tục bám sát Đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để đề xuất mở rộng Khu CNC Đà Nẵng, tiếp tục tạo nguồn quỹ đất cung cấp cho các nhà đầu tư lớn tổ chức sản xuất sản phẩm công nghệ cao Theo ông Sơn, thành phố luôn nhất quán quan điểm, không vì lợi ích phát triển kinh tế mà làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái; cần gắn kết công tác bảo vệ môi trường trong thu hút đầu tư và quy hoạch phát triển kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo vệ môi trường...

KHÁNH HÒA

Theo Báo Đà Nẵng năm 2020

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Phát huy thế mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao

11/03/2024 - 13:36

Tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) được xác định là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa

Xem thêm

  • Vĩnh Phúc: Phát huy thế mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao

  • Tỉnh Quảng Nam triển khai quyết liệt công tác chuyển đổi số

  • Kế hoạch truyền thông chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam năm 2024

  • Năm 2024: Ninh Bình phấn đấu nằm trong nhóm 15 tỉnh/thành có chỉ số DTI cao trong toàn quốc

  • TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo

  • Liên kết vùng trong phát triển công nghiệp công nghệ cao

  • Thừa Thiên Huế: Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số

  • Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn lên thành "cá lớn"

  • Thành phố Hà Nội phát triển kinh tế số với 4 trụ cột chính

  • Duy trì vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 3
  • 9
  • 3
  • 7
  • 4
  • 4
  • 9