Thứ năm, 25/04/2024 | 01:12 - GMT+7

Phát triển công nghệ cao đến năm 2030: Doanh nghiệp là trung tâm

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nhà khoa học xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Dự thảo hiện đang được đưa ra lấy ý kiến.

07/08/2020 - 09:02
Trong đó, mục tiêu của giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung chính vào đối tượng doanh nghiệp, song hành với đó là các viện nghiên cứu, trường đại học (nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp); khuyến khích mô hình doanh nghiệp chủ trì thực hiện nhiệm vụ, viện nghiên cứu, trường đại học và nhà nước phối hợp, hỗ trợ KH&CN trong đó hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các công đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ công nghệ, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm và sản xuất công nghiệp với quy mô lớn.
Bối cảnh mới cần sự bứt phá mới
Nhằm tập trung thúc đẩy phát triển công nghệ cao tại Việt Nam, ngày 13/11/2008 Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ IV đã thông qua Luật Công nghệ cao (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009). Luật đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta, trong đó việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ cao sẽ được tập trung chủ yếu thông qua các nhiệm vụ chủ chốt như: xây dựng Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; xây dựng và phát triển 3 khu công nghệ cao quốc gia, một số khu công nghệ cao chuyên ngành, một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao…; hình thành đội ngũ các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tiến tới xây dựng các ngành nghề sản xuất kinh  doanh mới, có giá trị gia tăng cao…
Theo đó, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với các bộ/ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010). Chương trình này gồm 3 Chương trình thành phần: Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao (Bộ KH&CN chủ trì xây dựng và triển khai); Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT chủ trì xây dựng và triển khai); Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và triển khai).
Đến thời điểm hiện tại, 3 Chương trình thành phần thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã và đang hỗ trợ 47 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực dân sự với ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 470 tỷ đồng (chiếm khoảng 20%) với kinh phí đối ứng từ phía doanh nghiệp chiếm khoảng 80% trong tổng kinh phí triển khai các nhiệm vụ.
Một số công nghệ nổi bật đã và đang được các doanh nghiệp tham gia Chương trình nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp là:
- Công nghệ nano trong nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc;
- Công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein;
- Công nghệ điện toán đám mây trong nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị truy nhập Wifi;
- Công nghệ sinh học ứng dụng sản xuất thuốc Peginterferon lamda 1, Pegfilgrastim đạt tiêu chuẩn châu Âu;
- Công nghệ chế tạo Robot 5 bậc tự do phục vụ đào tạo;
- Công nghệ thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế;
- Dịch vụ ứng dụng công nghệ GPS trong quản lý, giám sát, điều phối và tối ưu hóa kế hoạch sử dụng phương tiện;
- Công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông lâm thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
- Công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chẩn đoán bệnh...
Sản phẩm dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ cho nhà dân dụng của Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt.
Mặc dù số lượng các nhiệm vụ tham gia các Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 không nhiều, các nhiệm vụ đã kết thúc đều có sản phẩm đầu ra có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước, một số sản phẩm có khả năng xuất khẩu; các nhiệm vụ đang được tiếp tục triển khai cũng hứa hẹn đưa ra được thị trường những sản phẩm chất lượng dựa trên những dự án CNC, công nghệ tiên tiến được triển khai đầu tư mới tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, yêu cầu từ thực tiễn không chỉ là công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao mà còn là các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 để Việt Nam có thể bắt kịp con tàu CMCN 4.0. Do đó, việc tiếp tục tập trung thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên, đồng thời tiếp cận các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn.
Giai đoạn mới: doanh nghiệp tiếp tục là trung tâm
Trong giai đoạn 2010-2020, nhiều doanh nghiệp, tham gia Chương trình đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ hiện đại, giúp giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp. Điển hình như làm chủ công nghệ chế tạo robot tay máy 5 bậc tự do phục vụ đào tạo về cả phần cứng và phần mềm, chế tạo thành công các robot, các moduls và nhiều bài giảng phục vụ đào tạo về kỹ thuật chế tạo robot trong các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật. Sản phẩm robot từ dự án có chất lượng tương đương với các sản phẩm nước ngoài đang có trên thị trường và giảm được khoảng 60% giá thành sản phẩm. Sau 2 năm kết thúc dự án, doanh thu của đơn vị năm 2018 tăng gần 40% so với năm 2015. Nghiên cứu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế cho cả lĩnh vực công nghiệp và dân dụng. Ngay trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã ký kết được một số hợp đồng chuyển giao dây chuyền sản xuất với một số đối tác nước ngoài (Úc, Bờ Biển Ngà, Đài Loan) lên tới hơn 1 triệu USD, giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng hơn 20% (từ 4,51 triệu USD năm 2015 lên 5,44 triệu USD năm 2017). Nghiên cứu làm chủ được công nghệ và sản xuất các sản phẩm stent mạch vành, bóng nong mạch vành không phủ thuốc và phủ thuốc bằng công nghệ nano quy trình công nghệ được chuyển giao từ Mỹ. Sản phẩm lần đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam với chất lượng tương đương tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến của thế giới (đạt được các tiêu chuẩn CE (châu Âu), ISO 13485, GMP- WHO) với giá bán dự kiến các sản phẩm thấp hơn sản phẩm cùng loại nhập ngoại khoảng 50%, giúp các bệnh nhân điều trị bệnh tim mạch ở trong nước có khả năng tiếp cận dễ dàng phương pháp cấy stent hiện đại với chi phí hợp lý, đồng thời tạo điều kiện cho phương pháp điều trị hiện đại này dễ dàng được áp dụng trong điều trị bệnh sử dụng bảo hiểm y tế…
Robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy “Made in Vietnam”.
Trong Dự thảo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, mục tiêu định hướng là: rà soát, thu gọn mục tiêu theo hướng loại bỏ các mục tiêu thiếu tính khả thi, tăng cường các mục tiêu có tính khả thi cao, cụ thể là:
+ Tiếp tục xác định mục tiêu nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; có thể định hướng xác định số lượng công nghệ trong từng lĩnh vực ưu tiên cần tập trung hỗ trợ viện, trường, doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
+ Tiếp tục xác định mục tiêu ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao; tăng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; mục tiêu khái quát trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
+ Tiếp tục xác định mục tiêu hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; hình thành và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng rà soát, đánh giá thực tế để đề xuất chỉ tiêu sát thực hơn.
+ Không đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao vì các mục tiêu này khó khả thi do phụ thuộc rất lớn vào hỗ trợ của nhà nước từ nguồn vốn đầu tư phát triển.
+ Không đặt ra mục tiêu về số cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ quốc tế; số nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Như vậy, từ định hướng mục tiêu cho thấy, giai đoạn tới, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao tiếp tục tập trung chính vào đối tượng doanh nghiệp, song hành với đó là các viện nghiên cứu, trường đại học (nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp); khuyến khích mô hình doanh nghiệp chủ trì thực hiện nhiệm vụ, viện nghiên cứu, trường đại học và nhà nước phối hợp, hỗ trợ KH&CN trong đó hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các công đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ công nghệ, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm và sản xuất công nghiệp với quy mô lớn.
Ngoài ra, Chương trình còn đặt ra các mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025 xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; đến năm 2030, con số này sẽ là 500 doanh nghiệp; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 3
  • 4
  • 8
  • 4
  • 5