Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:07 - GMT+7

Ra mắt nền tảng “Make in Vietnam” Stringee giúp doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh

Bộ TT&TT vừa tổ chức ra mắt nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee. Nền tảng số “Make in Vietnam” này được nhận định sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhanh, mạnh hơn.

03/08/2020 - 09:27

Tổng đài chăm sóc khách hàng StringeeX là một trong hai giải pháp nổi bật của Stringee được demo tại sự kiện, cùng với giải pháp Video Call.

Ngày 31/7, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ ra mắt nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam” nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu tháng 6. 

Là giải pháp toàn diện về nền tảng giao tiếp, Stringee cho phép các doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng trên chính các ứng dụng mobile hoặc website của mình mà không cần phải sử dụng các ứng dụng thứ ba như Zalo, Skype, Messenger. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không phải đầu tư xây dựng từ đầu một phần mềm có các tính năng giao tiếp.

Giải pháp cốt lõi của Stringee gồm có: API (giao diện lập trình ứng dụng – PV) cung cấp tính năng gọi điện thoại/video miễn phí qua Internet hoặc nghe/gọi với số điện thoại thông thường, API cung cấp tính năng nhắn tin, API cung cấp tính năng gửi SMS với Brandname doanh nghiệp, phần mềm Contact Center đa kênh cho phép doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng qua nhiều kênh khác nhau.

Dựa trên nền tảng Stringee, các doanh nghiệp đang sở hữu lượng khách hàng lớn có thể dễ dàng bổ sung các tính năng: Chat, Voice call, Video call, Video conference, SMS, Contact Center trực tiếp vào các ứng dụng mobile/web/hệ thống quản trị doanh nghiệp sẵn có của mình.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên Internet có thể chủ động trong việc giao tiếp giữa doanh nghiệp và người dùng cũng như giữa các người dùng với nhau, từ đó tăng trải nghiệm của khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Các sản phẩm của Stringee được đánh giá có tính ứng dụng cao, có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề với những yêu cầu nghiệp vụ khác nhau như: định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, cuộc gọi với số mặt nạ để bảo mật thông tin người dùng trong lĩnh vực đặt xe trực tuyến, tổng đài trả lời tự động bằng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực dịch vụ - nhà hàng - du lịch…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, trong thời đại số, các doanh nghiệp thông qua những nền tảng lập trình giao tiếp như Stringee sẽ có công cụ hữu hiệu để giao tiếp với khách hàng qua nhiều kênh liên lạc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, Stringee đang có lợi thế là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể cung cấp đầy đủ các tính năng tương đương với các giải pháp từ nước ngoài; trong khi đó lại có nhiều ưu thế khi là doanh nghiệp Việt Nam 100%, hiểu thị trường, hiểu khách hàng, chi phí hợp lý hơn.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Stringee, hiện nền tảng Stringee đang phục vụ khoảng 2,2 triệu phút gọi mỗi ngày cho tổng hơn 45 triệu người dùng cuối trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, đây vẫn là một số lượng nhỏ bé so với tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tiềm năng, không gian phát triển thị trường của nền tảng vẫn còn rất lớn.

Việt Nam là thị trường lớn với hơn 96 triệu dân, 700.000 doanh nghiệp, 126 triệu thuê bao điện thoại di động, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 68,7% (theo số liệu thống kê năm 2019). Đặc biệt, trong 3 đến 5 năm tới, dự đoán dung lượng thị trường cho nhu cầu phần mềm, giải pháp thông tin liên lạc tại Việt Nam có thể đạt đến 40-60 triệu USD/năm, tốc độ tăng trưởng là 25-38%/năm. "Nền tảng lập trình giao tiếp Stringee sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tại Việt Nam”, Thứ trưởng nói.

Cho rằng những tính năng tốt của nền tảng Stringee nên được áp dụng ở cả khối cơ quan nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị Cục Tin học hóa xem xét, phối hợp với Trung tâm thông tin Bộ TT&TT nghiên cứu việc sử dụng giải pháp của Stringee tại Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp càng cần đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số, đưa hoạt động lên online, tiết giảm chi phí, duy trì hoạt động để tồn tại và hồi phục.

Bộ TT&TT kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ nắm bắt thời cơ, phát triển thêm nhiều nền tảng số để phục vụ chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng đạt thành mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo ITC News



Cùng chuyên mục

Giải pháp thu hút dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh vào các KCN Hà Nội

28/03/2024 - 08:32

Tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu việt nam 2024” được tổ chức ngày 26/3 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội (HIZA) đã chia sẻ một số giải pháp thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghiệp xanh, thông minh, công nghiệp điện tử bán dẫn vào các KCN Hà Nội.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 1
  • 1
  • 8
  • 3
  • 7