Thứ năm, 25/04/2024 | 19:17 - GMT+7

Ngành than ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất lao động

Hội nhập kinh tế quốc tế, thời kỳ chuyển đổi số đặt ra yêu cầu, trọng trách lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt trong việc chuyển đổi, đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

22/06/2020 - 08:05
Nắm bắt xu thế này, những năm qua các DN ngành than đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, “tăng sức” máy móc, công nghệ, giảm sức người, từ đó giảm thiểu gánh nặng chi phí.

Hệ thống khai thác hiện đại tại mỏ than Núi Béo. 
Theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin – ông Tăng Bá Khang, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những năm qua đơn vị đã tập trung chú trọng vào việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để thay thế dần máy móc trang thiết bị lạc hậu, giảm gánh nặng chi phí tăng năng suất lao động, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao động ngày một nâng cao.
Với đặc thù là doanh nghiệp cơ khí ngành than, trên 70% sản phẩm làm ra phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành.
Nhiều năm trước đây Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, luôn phải phụ thuộc đối tác, giá thành cao và không ổn định chưa kể, máy móc, trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu kéo giảm sức cạnh tranh của DN đây là những điểm trừ lớn nếu như chúng ta cứ phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
 
Để giải quyết được bài toán này đầu tiên phải làm chủ được nguồn nguyên liệu, do đó buộc phải đổi mới tư duy, thay đổi máy móc thiết bị, sắp xếp và đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ.
Năm 2015, công ty đưa vào hoạt động dây chuyền cán thép vì lò với công suất 75.000-80.000 tấn đạt doanh thu khoảng 800 tỉ đồng/năm. Với việc đầu tư công nghệ mới, công ty đã giảm được nhiều gánh nặng chi phí như giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu.
Theo ông Tăng Bá Khang, tuy vốn đầu tư ban đầu không phải là nhỏ, hơn 200 tỉ cho một dây chuyền cán thép vì lò, song ngay khi đi vào sản xuất, dây chuyền này đã chứng minh những tiến bộ vượt bậc của nó.
Hiện tại, từ đầu vào cho đến đầu ra chúng tôi đều thực hiện trong một vòng sản xuất khép kín, hoàn toàn chủ động được khâu nguyên liệu, doanh thu tăng vượt trội ngay từ năm đầu khi đưa dây chuyền sản xuất này vào hoạt động.
Ai cũng biết rất rõ, chi phí nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thép là rất tốn kém và phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của tỉ giá. Thêm nữa, khi phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, chúng ta không thể lường trước được những rủi ro, những biến cố bất ngờ có thể xảy ra tác động đến thị trường thế giới từ đó ảnh hưởng nặng nề đến việc nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Nếu không thay đổi sẽ phải ở lại phía sau, ví dụ như đại dịch COVID-19 vừa qua khi cánh cửa xuất nhập khẩu của thị trường thế giới bị thu hẹp lại, ảnh hưởng nặng nề đến khâu thông quan, xuất nhập khẩu.
Khai thác, sản xuất và chế biến là nghề nặng nhọc, độc hại nếu không làm chủ được công nghệ thì sẽ thất bại. Nắm được yếu tố này, Công ty Cổ phần Than Núi Béo đã chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại vào khai thác với độ sâu dưới 350m.
Tuy nhiên, với việc đầu tư rang thiết bị hiện đại, đồng thời kiên cố hóa các tầng hầm bằng bêtông cốt thép, một độ sâu mới của ngành than đã được lập kỷ lục khi đạt mức sâu dưới 350m. Nếu không áp dung khoa học công nghệ thì không thể thực hiện được.
Phòng điều độ than tại mỏ Hòn Gai.
Tương tự như Công ty Cổ phần Than Núi Béo, để giảm bớt gánh nặng nguồn nhân lực, nhiều năm trở lại đây Tuyển than Hòn Gai, cũng đã đầu tư khoa học công nghệ mạnh mẽ từ dây chuyền sản xuất, đến kho bãi.
Theo ông Bùi Hữu Lý - Phó Giám đốc Tuyển than Hòn Gai - để giảm bớt gánh nặng chi phí, công nghệ lạc hậu dần được thay thế bằng công nghệ thông tin hiện đại hóa, nắm bắt các thông số một cách nhanh nhạy và chuẩn xác đơn vị đã đầu tư hệ thống camera, tự động hóa nhiều khâu sản xuất, giảm tải nhân lực bởi một người có thể điều hành,chỉ huy sản xuất được cả một khu vực sản xuất cách đó nhiều cây số đảm bảo tính chính xác tuyệt đối của từng quy trình từ lúc lấy than lên và đưa than vào khu vực sản xuất rồi vận chuyển than thành phẩm.
Đại diện Vinacomin cho biết, xu thế hội nhập đòi hỏi DN tất cả các lĩnh vực, ngành nghề phải chuyển động theo. Bởi vậy, việc đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị dây chuyền công nghệ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các DN, kể cả DN nhỏ và vừa hay DN lớn. Nếu không, DN sẽ bị ở lại phía sau và đối với ngành than, yêu cầu này càng đòi hỏi cao hơn bởi tính cạnh tranh và an toàn trong khia thác của lĩnh vực này là rất lớn.
Theo Báo Lao động

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 4
  • 7
  • 4
  • 1
  • 2