Thứ năm, 28/03/2024 | 20:22 - GMT+7

Ứng dụng CMCN 4.0 trong ngành dệt may: Thách thức và chiến lược phát triển

Đây chính là thách thức của nhiều doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh hiện nay.

24/06/2020 - 00:09
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang lan rộng ra phạm vi toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động của đời sống - xã hội, trong đó có ngành công nghiệp thời trang. CMCN 4.0 có thể khiến tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nhưng với ngành dệt may Việt Nam, nhân lực để tiếp cận CMCN 4.0 còn yếu, việc đầu tư để ứng dụng công nghệ còn hạn chế… 
Thách thức của ngành dệt may trong nước
CMCN 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm, từ nghiên cứu - phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng…, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối và làm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Dệt may hiện nay đang là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dệt may là 1 trong 3 ngành có tổng giá trị xuất khẩu lớn nhất và cũng đứng thứ 2 trong tốp 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng lớn nhất của 6 tháng đầu năm 2020.
Nắm bắt được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Trong đó, yêu cầu các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước tiến hành nghiên cứu và đánh giá hiện trạng ứng dụng khoa học, kỹ thuật gắn với thực tiễn nền kinh tế Việt Nam để xác định những cơ hội, thách thức do tác động của CMCN 4.0 và chỉ ra Việt Nam cần làm gì để phát triển nền kinh tế trong bối cảnh CMCN 4.0.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Sản xuất dệt may là một trong những ngành công nghiệp chịu nhiều thách thức nhất từ CMCN 4.0 do sử dụng nhiều lao động. Tự động hóa được kết nối trên nền tảng internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ sản xuất in 3D, phân tích dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo sẽ dần dần thay thế người lao động trong các dây chuyền sản xuất trong nhà máy và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập, xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Do đó, công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng. Ngoài ra, xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hóa, tự động hóa, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D)… cũng sẽ phải theo xu thế này để kết nối minh bạch trong toàn bộ chuối cung ứng.
Thống kê cho thấy, trên 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may có quy mô nhỏ và trung bình trong ngành sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. Chỉ có 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối. Qua khảo sát thực tế cho thấy, việc đáp ứng các yêu cầu trên đang là những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp dệt may trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, trình độ nhân lực của các doanh nghiệp dệt may còn thấp (với 84,4% lao động có trình độ phổ thông), trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%...
Trong bối cảnh hội nhập và diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid -19, phương thức đặt hàng tự động trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và robot sẽ được ứng dụng rộng rãi trong khâu kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Thương mại điện tử cũng sẽ là kênh bán hàng được phát triển rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng trong ngành sợi, đặc biệt là khâu bán hàng…
Chiến lược cho ngành dệt may trước bối cảnh CMCN 4.0
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành dệt may cần có những định hướng phù hợp trong bối cảnh CMCN 4.0, trong đó tập trung tự động hóa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá”. Đồng thời, chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ số, nền tảng công nghệ thông tin) để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn, phát triển công nghệ thân thiện môi trường. Ngành dệt may cũng cần thay đổi phương thức kinh doanh, đổi mới cách quản lý và chuyển dần sang xu hướng khai thác thị trường nội địa, chú ý khai thác thị trường handmade, phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh (sợi - dệt - nhuộm – may). Ngoài ra, cần tập trung vào sản phẩm phức tạp, giá trị cao, tránh sản xuất các sản phẩm cơ bản và sản phẩm bằng vật liệu tự kết dính…
Mới đây đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với ngành dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030” do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (ông Lê Tiến Trường - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam làm Chủ nhiệm) đã được nghiệm thu cấp Nhà nước. Trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá, phân tích, khảo sát… nhóm thực hiện đề tài đã cung cấp luận cứ có tính khoa học và thực tiễn cao đối với ngành dệt may Việt Nam và được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc.
Nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với ngành dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030”.
Theo Chủ nhiệm đề tài Lê Tiến Trường, sau hơn 1 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, đánh giá, tham dự các hội chợ chuyên ngành dệt may, cũng như gặp gỡ các doanh nghiệp dệt may hàng đầu trong nước để nghiên cứu về những thay đổi, tác động của cuộc CMCN 4.0 tới ngành dệt may trong thời gian tới, để từ đó đưa ra những nhận định, định hướng cho cộng đồng các doanh nghiệp trong ngành. Quá trình thực hiện đề tài cho thấy, các doanh nghiệp dệt may đều nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ công nghệ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa của cuộc CMCN 4.0. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tránh bị tụt hậu trong bối cảnh chi phí lao động trong nước và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng. Đề tài cũng đã chỉ ra những đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp dệt may trong nước, đó là các chỉ số đo lường sự sẵn sàng của các doanh nghiệp đối với cuộc CMCN 4.0 hiện đang ở mức 2,9/5 (mức được coi là trung bình); mức độ tăng trưởng trung bình của ngành dệt may từ 2000 đến 2019 là 16,8%/năm; hàng dệt may Việt Nam được xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới… Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra dự đoán mức giảm nhân lực ngành dệt may từ 2,5 triệu lao động hiện nay xuống còn 1,7 triệu vào năm 2030…
Với quy mô trên 40 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam cần có những bước chuẩn bị rất dài để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 nếu không sẽ xảy ra những rủi ro lớn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, giải pháp mà các doanh nghiệp dệt may trong nước cần phải hướng tới bao gồm:
Một là, từng bước đầu tư ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong ngành dệt may. Cụ thể là, các doanh nghiệp ngành dệt may cần đầu tư từng phần thiết bị sử dụng công nghệ số ở những khâu đơn giản, có tính lặp lại cao cho sản xuất các sản phẩm phức tạp, tính thời trang cao như áo jacket, veston, váy… Song song với đó, cần đầu tư nền tảng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý nhà máy tiến tới xây dựng nhà máy thông minh. Các doanh nghiệp ngành sợi, dệt, nhuộm chưa hết khấu hao thiết bị cũ có thể đầu tư các thiết bị thí nghiệm, thay thế dần các thiết bị số…
Hai là, đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực dệt may. Ở thời điểm hiện tại, công nghệ may đã được kết hợp chặt chẽ với công nghệ chế tạo máy. Nhưng trong tương lai, rất có thể may mặc còn được ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý điện toán đám mây, công nghệ AI… nhằm tạo nên một hệ thống giá trị cho doanh nghiệp và người sử dụng. Do đó, để phát triển, các doanh nghiệp cần phải đầu tư tiếp cận công nghệ dệt may hàng đầu của thế giới, nhằm giảm lượng lao động trên một sản phẩm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất nhằm giúp doanh nghiệp dệt may tích lũy nguồn lực đầu tư công nghệ mới theo xu hướng của CMCN 4.0.
Ba là, đào tạo nguồn nhân lực. Song song với việc nâng cấp kiến thức và kỹ năng của nhân lực ngành dệt may và sợi dệt, cần tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng CMCN 4.0 vào ngành dệt may thông qua việc mở thêm các ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận CMCN 4.0, đào tạo đội ngũ giảng viên về công nghệ 4.0, nhà máy thông minh…
Bốn là, để áp dụng thành công các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào thực tiễn, cũng cần có các điều kiện cơ bản từ phía Nhà nước như thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật phù hợp với một nền kinh tế số. Theo đó, nhà nước cần xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng được yêu cầu làm việc trong nền kinh tế số; có nguồn vốn lớn đáp ứng nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ... Do đó, việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng dụng cuộc CMCN 4.0 là rất quan trọng.
Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam

Tag:

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 2
  • 8
  • 9
  • 3