IoT (Internet vạn vật) là khả năng kết nối với một cảm biến, thiết bị vào Internet để các thiết bị khác cũng nhận ra nó, từ đó phân tích, tổng hợp dữ liệu mà con người hay nền kinh tế cần thu thập. Các ứng dụng công nghiệp của công nghệ IoT rất đa dạng. Hàng chục tỷ thiết bị IoT đã có mặt trên khắp các hệ thống ngõ ngách như trên xe hơi, trong các tòa nhà, trong cộng đồng, trong nông nghiệp, trên máy bay, trên khắp không gian vũ trụ, và được gắn trên cả cơ thể con người để theo dõi sức khỏe.
Theo báo cáo của Ericsson Mobility Report, tới năm 2021, dự kiến sẽ có 28 tỷ thiết bị kết nối trong đó có 15 tỷ thiết bị kết nối IoT bao gồm thiết bị M2M (machine-to-machine) như đồng hồ đo thông minh, cảm biến trên đường, địa điểm bán lẻ, các thiết bị điện tử tiêu dùng như TV, đầu DVR, thiết bị đeo; 13 tỷ còn lại là điện thoại di động, máy tính xách tay PC, máy tính bảng.
Năm 2020, theo dự đoán của Gartner, giá trị gia tăng do IoT mang lại sẽ là 1.900 tỷ USD. Và theo McKinsey, tới năm 2025, IoT sẽ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu là 11.000 tỷ USD. Nghiên cứu chỉ ra rằng tự động hóa sử dụng trong các tòa nhà được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất vào năm 2020, tiếp theo là các phân khúc ô tô và chăm sóc sức khỏe. Dự báo, chi phí cho IoT tự động hóa sẽ tăng từ 726 tỷ USD vào năm 2019, lên 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2023.
Công nghệ IoT đang phát triển trên toàn thế giới. (Ảnh minh họa)
Xe hơi không người lái trong tương lai sẽ tự điều khiển trên đường phố và nó cần có những thiết bị giúp kết nối, chính quyền kết nối với người dân qua điện thoại thông minh nhiều hơn và người dân cũng sẽ cung cấp thông tin cho Chính phủ qua điện thoại. Hiện nay, Việt Nam cũng đang dần hòa vào thời đại công nghệ 4.0 này với những chính sách về Chính phủ số và nền kinh tế số.
Mới đây các nhà mạng đã cho ra mắt 5G với đường truyền nhanh và ổn định hơn, do vậy, dự kiến trong năm nay một số tổ chức, doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng IoT. Trong thời đại hiện nay IoT không chỉ là một công nghệ đơn lẻ mà nó là nền tảng nhằm thu thập và phân tích dữ liệu, nhờ đó thúc đẩy sự đổi mới trong tương lai và tăng trưởng kinh tế.
IoT đóng một vai trò quan trọng đối với việc chuyển đổi kinh tế và kỹ thuật số trong tầm nhìn hướng đến kỷ nguyên 4.0 của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc cân nhắc ứng dụng IoT không chỉ dừng lại ở “mắt thần” trong các trung tâm điều hành, giám sát giao thông thông minh mà còn có thể được nhân rộng trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Quỳnh Ngọc (T/H)