Thứ tư, 24/04/2024 | 07:33 - GMT+7

Triển khai thực hiện sản xuất thông minh 4.0 - Phần 3

Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan về cách thức các cơ sở, doanh nghiệp triển khai áp dụng sản xuất thông minh.

13/05/2020 - 09:00
Sản xuất thông minh sẽ đem đến những lợi ích to lớn đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
6. Thách thức trong quá trình thực hiện sản xuất thông minh
Các ngành sản xuất có thể gặp phải một số thách thức trong quá trình thực hiện sản xuất thông minh, trong đó, những thách thức chính là kỹ năng mới cần thiết, bảo mật dữ liệu, và nhu cầu đầu tư.
Thách thức thứ 1: Kỹ năng mới cần thiết
Thay đổi công nghệ, robot, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và kết nối vạn vật mang đến không chỉ khả năng mới mà còn nhiều thách thức cho các nhà sản xuất. Chẳng hạn, gần 800.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong ngành sản xuất tại Quebec đang gặp rủi ro (theo Stock và Seliger, 2016). Để bắt kịp công nghiệp 4.0, doanh nghiệp sản xuất phải xem xét những nhu cầu kỹ năng mới và nhân sự có trình độ.
Các kỹ năng cần thiết nhất trong công nghiệp 4.0 là quản lý dữ liệu, bảo mật dữ liệu, tương tác giữa người và máy, thiết kế giao diện người dùng, phát triển phần mềm, lập trình, dữ liệu khoa học và phân tích (theo Lee và cộng sự, 2014).
Thách thức lớn đối với công ty là đào tạo và tuyển dụng nhân viên mới. Đây là việc tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất để cấu hình lại, duy trì hoặc xây dựng chuỗi giá trị thành công dựa trên lợi thế cạnh tranh.
Các nghiên cứu được thực hiện ở Đức và Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng đại đa số lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp thiếu các kỹ năng cần thiết về công nghiệp 4.0. Quebec cũng gặp phải tình trạng tương tự (theo Lee và các cộng sự, 2014; Kang và các cộng sự, 2016).
Thách thức thứ 2: Bảo mật dữ liệu
Bảo mật dữ liệu là mối quan tâm của tất cả các công ty quyết định chuyển sang hướng công nghiệp 4.0. Dữ liệu và hệ thống của doanh nghiệp tăng theo cấp số nhân nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo mật máy tính. Khi các công nghệ kết nối với mạng nội bộ và tập trung trong cùng một tòa nhà, việc đảm bảo an toàn sẽ dễ dàng hơn. Nhưng khi vô số đối tượng kết nối hệ thống qua Internet và thường liên tục tái định vị, việc quản lý an ninh mạng gặp phải nhiều áp lực hơn (theo Schmidt và các cộng sự, 2015).
Do đó, tích hợp các yếu tố bảo mật mạng vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của công ty là việc rất quan trọng.
Thử thách 3: Nhu cầu đầu tư
Công nghệ mới luôn yêu cầu đầu tư. Công nghiệp 4.0 mang lại thay đổi cơ bản cho các doanh nghiệp lại càng đòi hỏi chi phí đáng kể. Điều đáng tiếc là hầu hết các doanh nghiệp không có được số tiền lớn như vậy và không thể thực hiện được công nghiệp 4.0 (theo Anderl, 2014).
7. Khuyến nghị để triển khai hiệu quả sản xuất thông minh
Các khuyến nghị sau đây có thể hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc triển khai hiệu quả sản xuất thông minh.
7.1. Đào tạo nhân viên trong công nghiệp 4.0
Đào tạo liên tục, linh hoạt, tăng cường và thường xuyên thay đổi có thể là chìa khóa cho thành công của các doanh nghiệp trong tương lai. Các doanh nghiệp Đức đã quyết định tập trung vào giáo dục thường xuyên để đảm bảo nhân viên có đủ trình độ chuyên môn cho công nghiệp 4.0 (theo Crnjac và các cộng sự 2017). Đào tạo nội bộ là cách tiếp cận dễ dàng để bắt đầu quá trình chuyển đổi sang công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, chỉ với đào tạo, doanh nghiệp không thể chuyển đổi thành công thành công.
Khi công nhân đối phó với nhiều công nghệ phức tạp đang phát triển rất nhanh, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp sản xuất cần tập trung vào kỹ thuật chuyên ngành. Nhiều doanh nghiệp đang tìm giải pháp sáng tạo cho những thách thức về lực lượng lao động của mình.
7.2. Giải quyết các mối quan tâm về đầu tư
Các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ phải đầu tư đáng kể, từ 7% đến 9% doanh thu, để tích hợp các công nghệ số mới (theo Kang và các công sự, 2016). Do đó, việc xây dựng chiến lược "công nghiệp 4.0" và kế hoạch số là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn đưa ra quyết định đầu tư tốt hơn về việc mua và tích hợp các công nghệ mới.
Kế hoạch số phải nằm trong quy hoạch chiến lược của công ty. Mục tiêu của kế hoạch số  là tối ưu hóa các công cụ hiện tại, lên kế hoạch để đạt được các công nghệ trong tương lai và đảm bảo sự gắn kết/tích hợp. Tất cả dựa trên mô hình kinh doanh.
7.3. Nâng cao hiệu quả
Các nhà quản lý công ty cần có cái nhìn bao quát về hoạt động, đặc biệt là giữa các dây chuyền sản xuất. Các thông tin quan trọng về cơ sở vật chất, quy trình và thiết bị luôn được sẵn sàng để tiếp cận ở bất cứ dâu trong nhà máy. Hệ thống công nghiệp 4.0 được triển khai có thể kết nối dữ liệu cảm biến và vận hành trên nhiều dây chuyền và máy móc.
8. Kết luận
Trước đây, sản xuất bị giới hạn trong một chuỗi các quy trình hoặc một quy trình biến nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, thực trạng này hiện đang thay đổi đáng kể nhờ công nghiệp 4.0, với máy tính điều khiển, cảm biến, công nghệ thông tin, động cơ thông minh, phần mềm quản lý sản xuất, xử lý tất cả các giai đoạn hoặc hoạt động cụ thể của quy trình sản xuất. Thêm vào đó, sự kết hợp giữa con người và dữ liệu thu thập máy có thể thúc đẩy quản lý toàn doanh nghiệp và các mục tiêu tối ưu hóa toàn nhà máy, tính đến cả những yếu tối môi trường bền vững, hiệu quả tài chính và an toàn lao động.
Điều này rất quan trọng vì sản xuất đóng góp đáng kể cho sức khỏe kinh tế quốc gia. Do đó, các doanh nghiệp hàng đầu cần được tạo động lực để tăng tốc đổi mới sản xuất. Cuộc CMCN 4.0 sẽ mang lại những thay đổi sâu sắc cho xã hội, trong đó có sự thay đổi số trong lĩnh vực sản xuất. Các công ty sản xuất phải dựa vào đào tạo và năng lực của nhân viên, tích hợp công nghệ mới, robot hóa và tự động hóa để tồn tại. Cạnh tranh đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn thế giới và đặc biệt ở một số nước công nghiệp. Để đi trước các đối thủ, các công ty sản xuất cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn. Tóm lại, phải đổi mới để cung cấp sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm chi phí, thời gian, tối đa hóa kỹ năng của nhân viên và kéo dài vòng đời của sản phẩm.
Xem bài viết gốc TẠI ĐÂY 
Tác giả: Md Rafiqul Islam Khan
Đơn vị: Trung tâm môi trường Lancaster, Đại học Lancaster, Vương quốc Anh ​
Ngọc Diệp (lược dịch) 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 2
  • 2
  • 6
  • 7
  • 1