Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:33 - GMT+7

Sự trỗi dậy của Châu Á và cơ hội chuyển đổi số Việt Nam

Việt Nam kiểm soát được dịch sớm trong khi thế giới vẫn đang ở đỉnh dịch. Đây là cơ hội để nước ta bứt phá vươn lên thông qua quá trình chuyển đổi số.

11/05/2020 - 07:45
Sáng 8/5, tại trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã diễn ra Hội nghị Giao ban công tác Quản lý Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020. Tại đây, nhiều thông tin quan trọng về tình hình phát triển của ngành trong khoảng thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 đã được ghi nhận.
Cơ hội cho ngành ICT Việt Nam sau đại dịch Covid-19
Trước những kết quả mà ngành TT&TT đã làm được, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn tới tất cả các đơn vị trong ngành về sự hết mình với công việc. Những đóng góp của ngành TT&TT có được sự ghi nhận của cả xã hội, Chính phủ và Trung ương.
Trong hoàn cảnh đại dịch, Việt Nam là 1 trong số ít quốc gia có thể phát triển các ứng dụng CNTT để phòng, chống và đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới. Điều này là nhờ các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được về mặt công nghệ.
Cuộc họp giao ban 4 tháng đầu năm của Bộ TT&TT được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: Trọng Đạt
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh những thách thức, đại dịch Covid-19 cũng mang tới những cơ hội cho Việt Nam.
Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là “cú huých" trăm năm để chuyển đổi số. Do vậy, Việt Nam phải làm chủ việc chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn ngành TT&TT phải nắm bắt được cơ hội này.
Khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số chính là sự xuất hiện của các nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, nền tảng báo điện tử, nền tảng an toàn an ninh mạng, nền tảng về điện toán đám mây,...
Nói về lợi thế của Việt Nam trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nước ta có nhiều doanh nghiệp viễn thông và CNTT mạnh.
Về gia công phần mềm, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 trên thế giới. Đây là lúc cần phải tận dụng những doanh nghiệp này để đưa đất nước bứt phá đi lên.
Việt Nam hiện có 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới. Dân số chính là thị trường. Đại dịch Covid-19 giúp nhìn thấy rõ tầm quan trọng của thị trường nội địa, khi mà các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Do đó, cần phải coi dân số là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam để từ đó phát triển thị trường trong nước.
Mảng thiết bị y tế là thị trường rất lớn và phần nhiều dựa trên công nghệ điện tử. Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp ICT có thể chuyển sang nghiên cứu và sản xuất các thiết bị phục vụ ngành y.
Sự phát triển mạnh mẽ của sách và nội dung số cũng sẽ tạo ra cơ hội cho ngành TT&TT. Tuy nhiên, để phát triển nội dung số, các nhà mạng phải điều chỉnh tỷ lệ ăn chia với các doanh nghiệp tạo ra nội dung số.
Châu Á sẽ trỗi dậy sau đại dịch Covid-19
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, sau đại dịch Covid-19, sự chuyển địch đầu tư toàn cầu sẽ xảy ra. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự phân tán, từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Việt Nam cũng có thể là điểm đón nhận sự chuyển dịch này.
Việt Nam sẽ đón các làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu với ưu tiên là các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực R&D.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra nhiều nhận định về tình hình thế giới và hướng phát triển của ngành TT&TT Việt Nam sau đại dịch. Ảnh: Trọng Đạt
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc chống dịch thành công hiệu quả ở Châu Á và kết quả ngược lại ở phương Tây mang tới nhiều dự báo.
Cột mốc này có thể sẽ đánh dấu cho sự trỗi dậy của Châu Á và sự kết thúc của kỷ nguyên phương Tây. Các giá trị của Châu Á như thể chế, văn hóa sẽ được khẳng định sau đại dịch như là sự bắt đầu của kỷ nguyên phương Đông.
Thế giới sẽ hướng nhiều hơn về phương Đông. Điều này tạo ra chỗ đứng mới cho Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước.
Từ đại dịch lần này, mô hình 2 bàn tay là thị trường tự do đi với nhà nước mạnh cũng được khẳng định. Đây có thể là hình mẫu cho các tổ chức, không chỉ với cơ quan nhà nước mà còn cả với các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã kiểm soát được Covid-19 sớm hơn các nước khác. Trong khi đó, thế giới vẫn đang ở đỉnh dịch. Đây là cơ hội để nước ta bứt phá vươn lên thông qua quá trình chuyển đổi số.
Tới đây, ngành TT&TT sẽ còn đóng góp lớn hơn nữa cho công cuộc phát triển kinh tế. Bộ TT&TT sẽ ra một chỉ thị mới, hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp ICT, các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia vào việc tái khởi động nền kinh tế sau đại dịch.

Theo Trọng Đạt/Vietnamnet.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 4
  • 1
  • 9
  • 0