Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:56 - GMT+7

Quy định về sở hữu trí tuệ trong CPTPP và những tác động đến chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo

Quy định về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ đem đến cơ hội mà còn đặt ra một số thách thức trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển giao công nghệ (CGCN) ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam

02/04/2020 - 09:18

Quy định về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ đem đến cơ hội mà còn đặt ra một số thách thức trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển giao công nghệ (CGCN) ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo tác giả, để tận dụng được các điều khoản pháp lý trong CPTPP phục vụ hiệu quả cho hai hoạt động ĐMST, CGCN ở nước ta, cần hiểu đúng để có thể hoàn thiện tốt nhất pháp luật về SHTT, CGCN.

Một số điều khoản căn bản của CPTPP tác động đến CGCN và ĐMST

Trong Hiệp định CPTPP (1), SHTT được nêu trong một chương riêng, với khá nhiều quy định, cam kết có tiêu chuẩn cao hơn, thậm chí là hoàn toàn mới so với các quy định hiện hành trong pháp luật về SHTT của Việt Nam. Ngay những điều khoản đầu tiên mang tính mục tiêu, nguyên tắc, thỏa thuận trong Chương 18 về SHTT (Điều 18.2, Điều 18.3 và Điều 18.4) đã nhấn mạnh nghĩa vụ của các thành viên “trong việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, vào việc chuyển giao và phổ biến công nghệ” và “trong việc xây dựng và sửa đổi pháp luật của mình, ban hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe và dinh dưỡng cộng đồng, các biện pháp thích hợp, với điều kiện chúng không trái với các quy định tại Chương này, có thể cần thiết để ngăn chặn sự lạm dụng quyền SHTT của chủ thể quyền hoặc các hành vi gây cản trở thương mại một cách bất hợp lý hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc CGCN quốc tế”. Đồng thời, các quốc gia cần thiết phải có chính sách công cộng cơ bản để “a) Thúc đẩy ĐMST; b) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá thông tin, tri thức, công nghệ, văn hóa và nghệ thuật; c) Thúc đẩy cạnh tranh và thị trường mở cửa và có hiệu quả, thông qua hệ thống SHTT của mình” (2).

Việc gia nhập Hiệp định không chỉ giúp Việt Nam tăng cường hợp tác tại khu vực, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường rộng lớn mà còn thu hút thêm đầu tư nước ngoài, qua đó hỗ trợ hoạt động CGCN và ĐMST. Dự kiến, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích với mức tăng khoảng 1,5% GDP, các ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… sẽ có tăng trưởng đột biến (3). Việt Nam cần công nghệ để tăng cường sức cạnh tranh và CGCN là kênh quan trọng nhất để phát triển kinh tế một cách bền vững và thúc đẩy ĐMST. Mặc dù trong thời gian qua, chúng ta lần lượt tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (4), giúp số lượng các hợp đồng hợp tác, các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, thậm chí nhiều năm còn tăng mạnh, ít nhiều đem lại sự đổi mới về mặt công nghệ trong một số ngành (như thông tin truyền thông), nhưng số lượng công nghệ mới hiện đại được chuyển giao vào Việt Nam còn khá khiêm tốn. Trên thực tế, một mặt các chủ sở hữu công nghệ từ các quốc gia phát triển không muốn tạo ra những đối thủ cạnh tranh tiềm năng nhưng lý do chính là do các quy định hiện hành của chúng ta về CGCN vẫn chưa cụ thể, đặc biệt là thiếu một số nội dung cụ thể đề cập tới cơ chế giám sát, đánh giá, tổ chức thực hiện việc chuyển giao trong các văn bản. Bên cạnh đó, chưa có các hướng dẫn về kỹ năng đàm phán, ràng buộc chặt chẽ đối tác khi ký kết hay khi thực hiện triển khai các hợp đồng CGCN. Thực trạng này đã được chúng tôi đánh giá, phân tích trên một số phương tiện thông tin đại chúng (5).

Trong Hiệp định, tại Chương 18, Điều 18.5: Bản chất và phạm vi của nghĩa vụ đã mở ra theo hướng có lợi cho các quốc gia thành viên: “Một bên có thể, nhưng không bắt buộc phải, quy định trong luật pháp của mình sự bảo hộ và thực thi quyền SHTT rộng hơn so với những yêu cầu của Chương này, với điều kiện sự bảo hộ và thực thi đó không trái với các quy định của Chương này. Mỗi bên được tự do quyết định cách thức thích hợp để thi hành các quy định của Chương này trong phạm vi hệ thống pháp luật và thực tiễn của mình”.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và hữu hiệu cho hoạt động CGCN và ĐMST không phải dễ dàng bởi ba lý do:

Thứ nhất, Chương SHTT trong CPTPP đưa ra những tiêu chuẩn rất cao và chi tiết về SHTT so với các hiệp định thương mại trước đó.

Thứ hai, nhìn từ phía ngược lại, các quy định này cũng hàm ý rằng, để có thể thúc đẩy được CGCN, ĐMST, các thành viên sẽ phải bảo hộ và thực thi quyền SHTT theo tiêu chuẩn phù hợp với Hiệp định. Do vậy, các điều khoản này có khá nhiều khả năng gây tranh cãi vì khó có thể giải thích, diễn giải một cách rõ ràng phạm vi của nó. Về cách thức CGCN, các quốc gia nhận công nghệ có thể đưa ra các quy định bảo hộ quyền SHTT phù hợp nhằm hỗ trợ việc giải mã, bắt chước công nghệ một cách “hợp pháp” và “hợp lý” so với yêu cầu của Hiệp định. Tuy nhiên, các quốc gia yêu cầu cao về bảo hộ và thực thi quyền SHTT thường là các quốc gia phát triển, có doanh nghiệp sở hữu công nghệ mong muốn được chuyển giao, phổ biến, quảng bá công nghệ, thúc đẩy ĐMST theo các con đường chính thức, giao dịch thương mại truyền thống. Vì thế, các cách thức không chính tắc khác như bắt chước hay “copy” một cách “hợp pháp” và “hợp lý” sẽ không được khuyến khích.

Thứ ba, điểm thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà cả các quốc gia nhận công nghệ là cơ chế thực hiện CGCN, ĐMST phải trải qua các bước tư vấn, thực hiện song phương, thậm chí qua nhiều bên có liên quan, mà các bước này thường kèm theo các nghĩa vụ, điều kiện quan trọng và cụ thể khác tương thích với quy định khác trong Hiệp định cho dù viện dẫn tới các lý do “cần thiết để bảo vệ sức khỏe và dinh dưỡng cộng đồng”. Có thể thấy, sự ràng buộc chặt chẽ trước sau liên quan đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng này tại Chương 18, Điều 18.6: Thỏa thuận liên quan đến các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng quy định: “Các bên khẳng định cam kết của mình đối với Tuyên bố về Hiệp định TRIPS (6) và sức khỏe cộng đồng” và theo đó “a) Các nghĩa vụ không/không được ngăn cản một bên thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” cũng như “các bên khẳng định có thể và cần phải được giải thích và thi hành theo cách có lợi cho quyền bảo vệ sức khỏe cộng đồng của mỗi bên và đặc biệt là, thúc đẩy tiếp cận thuốc cho mọi người”, đồng thời “mỗi bên có quyền quyết định các yếu tố tạo nên tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc các trường hợp đặc biệt khẩn cấp khác... gồm cả những cuộc khủng hoảng liên quan đến HIV/AIDS, lao, sốt rét và các bệnh dịch khác....”; b) Thừa nhận các cam kết về tiếp cận thuốc được đưa ra theo Quyết định của Đại hội đồng ngày 30/8/2003 về thực hiện “giải pháp về sức khỏe của TRIPS”. Tuy nhiên, ngay khoản c) của Điều khoản này lại bổ sung một quy định: đối với các vấn đề đề cập ở trên, nếu bất kỳ sự miễn trừ bất kỳ quy định nào của Hiệp định TRIPS, hoặc bất kỳ sự sửa đổi nào của Hiệp định TRIPS mà có hiệu lực đối với các bên, và việc áp dụng một biện pháp của một bên theo sự miễn trừ hoặc sửa đổi đó trái với các nghĩa vụ của Chương này, thì “các bên phải tham vấn ngay lập tức để để sửa lại cho phù hợp với tinh thần của sự miễn trừ hoặc sửa đổi đó”.

Cũng với cách tương tự về vấn đề tiếp cận thuốc giá rẻ, Điều 18.11 quy định: không nội dung nào trong Hiệp định này ngăn cản một quốc gia thành viên trong việc xác định có hay không, và với điều kiện nào, hết quyền SHTT sẽ được áp dụng trong hệ thống pháp luật của quốc gia thành viên đó. Tuy nhiên, chú thích 8 của Điều này cũng bổ sung: để giải thích rõ ràng/chắc chắn hơn, điều khoản này không gây bất lợi/không làm ảnh hưởng tới bất cứ điều khoản nào về hết quyền SHTT trong các thoả thuận quốc tế mà một thành viên đã tham gia/ký kết trước đó. Dù điều khoản về nhập khẩu song song đối với dược phẩm này tạm thời được “đóng băng” nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận được thuốc gốc với giá rẻ (7). Do vậy, để có thể tận dụng được cơ hội và điều kiện thuận lợi ghi nhận trong Hiệp định CPTPP, chúng ta cần phải có các quy định cụ thể, chi tiết về SHTT, CGCN và ĐMST để khiến các quy định này mang tính thực chất, hữu hiệu và thực hiện được.

Một số đề xuất

Để có thể biến các cơ hội trên thành hiện thực, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý nhằm hoàn thiện pháp luật về SHTT và CGCN sắp tới nên theo một số định hướng như:

Thứ nhất, để tận dụng được cơ hội và điều kiện thuận lợi ghi nhận trong Hiệp định CPTPP, chúng ta cần phải có các quy định cụ thể, chi tiết về SHTT, CGCN và ĐMST nhằm biến các điều khoản này thành những điều khoản mang tính thực chất, hữu hiệu và thực hiện được. Việc này không phải là dễ vì nó đòi hỏi các nhà làm luật cần xem xét, nghiên cứu một cách tổng thể, kỹ lưỡng những quy định pháp lý có liên quan và cần họ có trình độ nhất định về mặt chuyên môn SHTT, CGCN và ĐMST.

Thứ hai, cần chi tiết, cụ thể hóa hơn nữa các quy định có liên quan đến pháp luật CGCN như cơ chế giám sát, đánh giá, tổ chức thực hiện chuyển giao một cách hữu hiệu; cơ chế khuyến khích các đơn vị hỗ trợ CGCN, ĐMST; cơ chế đánh giá, định giá công nghệ cần chuyển giao; cơ chế ràng buộc chặt chẽ đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng CGCN. Có nhiều biện pháp cần thực hiện, trong đó việc đưa ra những chính sách, hệ thống đào tạo một cách tổng thể, bài bản, liên tục về SHTT, CGCN, ĐMST và tư duy khởi nghiệp là thực sự cần thiết, đặc biệt là trong các trường đại học, cao đẳng khối kỹ thuật. Những người làm chủ công nghệ tương lai trước tiên cần phải biết cách bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ của mình nhằm làm giàu cho bản thân một cách bền vững, từ đó sẽ giúp cho đất nước giàu mạnh, tăng cường sức cạnh tranh, phát triển công nghệ nội sinh, đưa kinh tế đất nước đi lên.

Thứ ba, cần tiếp tục đưa ra những chính sách, quy định, cơ chế, biện pháp phù hợp, hữu hiệu nhằm tăng cường hơn nữa việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT nhằm thúc đẩy CGCN và ĐMST. Đây là việc làm đòi hỏi phải có bước đi, kế hoạch cụ thể, thống nhất và hợp tác hiệu quả, thậm chí cần phải bổ sung, sửa đổi nhiều quy định pháp luật khác nhau có liên quan. Có thể chúng ta cần phải hy sinh một chút lợi ích trước mắt nhưng sẽ đảm bảo phát triển bền vững, vì những mục tiêu, lợi ích lớn lao, lâu dài, việc đẩy mạnh bảo hộ và thực thi quyền SHTT là rất cần thiết.

Thứ tư, chúng ta có thể dần xây dựng một số văn bản quy định riêng rẽ, có thể là cấp nghị định, để nội luật hóa các cam kết, nghĩa vụ đặc thù của CPTPP và để tránh sự mâu thuẫn, xung đột pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của các quy định về bảo hộ, thực thi quyền SHTT trong Hiệp định.

Thứ năm, cần tăng nặng chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT. Hiện pháp luật Việt Nam đã quy định về biện pháp bồi thường bằng tiền nhưng là biện pháp độc lập, không phải biện pháp thay thế cho các biện pháp khắc phục khác, theo đó, tổ chức/cá nhân xâm phạm quyền SHTT sẽ phải bồi thường mọi khoản chi phí tố tụng như án phí, phí thuê luật sư, phí giám định và bồi thường bằng tiền cho những thiệt hại mà họ gây ra.

Thứ sáu, cần phải nâng cao năng lực của tất cả các cơ quan đang được giao nhiệm vụ thực thi quyền SHTT, đặc biệt là tòa án các cấp có chức năng xử lý, giải quyết các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT, đồng thời cần chú trọng đến hiệu quả trên thực tế cũng như về năng lực của các cán bộ thực thi nhằm để đảm bảo việc thực thi tốt hơn.

Ghi chú:

(1) CPTPP (The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chilê)  giữa 11 quốc gia: Úc, Brunây, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaixia, Mêhicô, Niudilân, Pêru, Sinhgapo và Việt Nam, thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

(2)  Các quy định bằng tiếng Việt trong Chương 18 về SHTT của CPTPP được sử dụng từ bản dịch không chính thức của Cục SHTT, Bộ KH&CN.

(3) Xem thêm các bài viết NDO, CPTPP facilitates cooperation in Asia-Pacific region, https://en.nhandan.com.vn/business/item/5905502-cptpp-facilitates-cooperation-in-asia-pacific-region.html, 07/03/2018; VNA, CPTPP - opportunity for Vietnam to join global value chain, 2/11/2018, http://tgvn.com.vn/cptpp-opportunity-for-vietnam-to-join-global-value-chain-80818.html, 06/02/2020.

(4) https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_bilateral_free-trade_agreements.

(5) Một số bài viết đề cập về CGCN như: Những bất cập của pháp luật Việt Nam về CGCN trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế - Một số kiến nghị về phương hướng và giải pháp, Bản tin Sở hữu công nghiệp (nay là Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo), các số: 50 (2005), 52 (1/2006), 53 (2/2006) và 54 (3/2006); Thực trạng CGCN tại các trường đại học kỹ thuật của Việt Nam, Tạp chí Thương mại, 34, 9/2006; Văn phòng li-xăng/CGCN: mô hình cho các trường đại học tại Việt Nam, Tạp chí Hoạt động Khoa học (nay là Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam), 2/2011; Câu chuyện Sở hữu trí tuệ, kênh VTV2, phát sóng 20h30 các ngày 2/9/2018 và 9/9/2018.

(6)  Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền SHTT, là một thỏa thuận pháp lý quốc tế giữa tất cả các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

(7)  Về vấn đề tiếp cận thuốc, chúng tôi sẽ có một dịp khác đề cập sâu tới quyền tiếp cận thuốc theo CPTPP.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đ. Ngọc (2018), Sở hữu trí tuệ và những khoản “treo” trong CPTTP - nỗi lo còn đó, http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview/-/view_content/content/2428347/so-huu-tri-tue-va-nhung-khoan-treo-trong-cpttp-noi-lo-con-do, truy cập 06/02/2020.

2. NDO (2018), CPTPP facilitates cooperation in Asia-Pacific region, https://en.nhandan.com.vn/business/item/5905502-cptpp-facilitates-cooperation-in-asia-pacific-region.html.

3. Phan Quốc Nguyên (chủ biên) (2019), SHTT và CGCN phục vụ ĐMST, Nhà xuất bản Đại học Bách khoa Hà Nội.

4. Quynh Nga (2019), Surge in processing industrial property registration, VEN, http://ven.vn/surge-in-processing-industrial-property-registration-40402.html truy cập 05/02/2020.

5. VNA (2018), CPTPP- opportunity for Vietnam to join global value chain, http://tgvn.com.vn/cptpp-opportunity-for-vietnam-to-join-global-value-chain-80818.html, truy cập ngày 06/02/2020.

Phan Quốc Nguyên

Đại học Quốc gia Hà Nội

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 9
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9