Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:28 - GMT+7

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cơ chế chưa đủ để hỗ trợ ngành Dầu khí vượt qua khó khăn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng “đầu tư bao giờ cũng có cái được và có cái rủi ro” và “cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động dầu khí chưa đủ để hỗ trợ ngành Dầu khí vượt qua khó khăn”, đặc biệt là cơ chế cho hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

06/03/2020 - 14:57

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng “đầu tư bao giờ cũng có cái được và có cái rủi ro” và “cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động dầu khí chưa đủ để hỗ trợ ngành Dầu khí vượt qua khó khăn”, đặc biệt là cơ chế cho hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, kế hoạch năm 2020 của PVN Ảnh: PVN

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội”.

Đối mặt với khó khăn, thách thức, với khát vọng và nhiệt huyết, với truyền thống, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, bản lĩnh, tập thể cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, người lao động Dầu khí đã rất nỗ lực, hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, đem lại niềm vui, niềm hy vọng mới đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao: Khai thác dầu trong nước vượt 6,2% kế hoạch (vượt kế hoạch 619 nghìn tấn, tương đương vượt 0,15 điểm GDP); khai thác khí vượt 5,2% kế hoạch. Sản xuất điện vượt 4,3% kế hoạch, đạt trên 22 tỷ KWh, đóng góp rất quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực công nghiệp điện của Tập đoàn đạt mức kỷ lục với doanh thu trên 35,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng. Sản xuất phân đạm vượt 9,1% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 11,5 triệu tấn...

Mỏ Bạch Hổ (Ảnh: Huy Hùng)

Kết quả đó đã đưa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có tổng doanh thu đạt trên 736 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch, tăng 17% so với năm 2018; nộp ngân sách Nhà nước 108 nghìn tỷ đồng, vượt 23,5% kế hoạch (tương đương khoảng 20,5 nghìn tỷ đồng).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là con số rất ấn tượng, hết sức quan trọng đóng góp không chỉ cho tăng trưởng, không chỉ giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, mà còn đóng góp rất quan trọng cho việc tăng thu ngân sách để đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh rất giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, chuyên gia khoa học đã nỗ lực cố gắng và đạt được những thành tích rất quan trọng trong năm 2019.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Dầu khí đang đứng trước khó khăn, còn tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. “Các mỏ đã và đang khai thác đang suy giảm sản lượng, trong khi đó số giếng khoan mới rất ít, việc thăm dò, tìm kiếm, phát hiện các mỏ mới gặp rất nhiều khó khăn. Nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế, vừa phải đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các mỏ mới”.

Nhấn mạnh lĩnh vực nào cũng có rủi ro, Phó Thủ tướng cho rằng một số dự án đầu tư trong nước, ngoài nước kém hiệu quả nhưng chậm được giải quyết, khắc phục. Công tác đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là thiếu vốn. Một số dự án quan trọng chậm tiến độ: Thái Bình 2, Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Long Phú 1, Lô B, Cá Voi Xanh.

Các đơn vị dịch vụ dầu khí gặp khó khăn do khối lượng công việc và giá dịch vụ giảm sâu trong 3 năm vừa qua và thường xuyên ở trong tình trạng thiếu việc làm. Công tác tái cấu trúc tuy đã được tập trung chỉ đạo tích cực, triển khai thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Phó Thủ tướng nhìn nhận “cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động dầu khí chưa đủ để hỗ trợ ngành Dầu khí vượt qua khó khăn”, đặc biệt là cơ chế cho hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Khẳng định “đầu tư bao giờ cũng có cái được và có cái rủi ro, Phó Thủ tướng cho rằng “thăm dò cũng là đầu tư”, “có chí làm quan, có gan làm giàu”, do đó phải “vừa có chí, vừa có gan, vừa gặp thời, may mắn”.

Trước khó khăn, thách thức trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ với ngành Dầu khí, trong điều kiện hiện nay cần bình tĩnh, thận trọng, tháo gỡ dần khó khăn và tìm ra hướng đi mới để phát triển.

Giàn xử lý trung tâm Hải Thạch (PQP-HT). Ảnh: Lê Khoa

Năm 2020 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2021. Do đó, việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, tạo ra nền tảng tiến vào giai đoạn mới, thời kỳ thực hiện chiến lược 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng cho biết tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế đang có xu hướng giảm; chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, tình hình Biển Đông tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường ổn định để phát triển. Các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng... ngày càng gia tăng. “Dầu khí là tập đoàn kinh tế lớn, độ mở cao, tình hình thế giới có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động như biến động giá dầu khí”.

Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định mục tiêu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, do đó phải tập trung phát triển đất nước nhanh và bền vững. “Nhanh để không tụt hậu, bền vững để đảm bảo phát triển lâu dài và hiệu quả của nền kinh tế đất nước”. Để thực hiện mục tiêu trên, Đại hội yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Là đơn vị chủ lực, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Dầu khí phải tập trung tái cấu trúc, trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, đảm bảo từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, xuất khẩu. Đồng thời, phát triển ngành Dầu khí, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về tài chính, về khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh, chủ động, tích cực hội nhập.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện 4 nhiệm vụ: Vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả các dự án, công trình dầu khí, phấn đấu năm 2020 đạt kết quả cao hơn năm 2019. Tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí để duy trì sản lượng và gia tăng trữ lượng dầu khí, phát triển mạnh ngành công nghiệp khí. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm dầu khí, nhất là Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh, Lô B, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, khí đốt và cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cơ bản hoàn thành giải quyết các vấn đề khó khăn, sớm đưa vào vận hành các dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1.

Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm và thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở tái cấu trúc ngành Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 10 năm, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm đến năm 2025, đến 2030. Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn “tập trung tái cấu trúc về ngành, lĩnh vực, sản phẩm”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn tiếp tục nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, thiết lập và thực hiện hệ thống quản lý, quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Về đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn “lựa chọn các dự án để ưu tiên đầu tư, từ đó ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm, bao gồm các dự án từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, tồn trữ, chế biến dầu khí... Bám sát tình hình trên biển để triển khai có hiệu quả các dự án dầu khí ở vùng chủ quyền của Việt Nam. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; có giải pháp triệt để và thực hiện xử lý dứt điểm các tồn tại của các dự án chậm tiến độ, tránh lãng phí đầu tư; có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư ở nước ngoài”.

Về tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn chủ động được nguồn tài chính do nhu cầu đầu tư rất lớn; xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ với các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, các quỹ/tổ chức nước ngoài. “Năm 2019, PVN đã được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá tín nhiệm độc lập ở mức BB+. Đây là niềm vui, để tăng tín nhiệm, thu xếp nguồn tài chính thuận lợi hơn”.

Về thị trường, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn cần làm tốt công tác thông tin dự báo làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động sản xuất phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các Bộ/ngành liên quan khác trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, các giải pháp ứng dụng cho phát triển bền vững ngành Dầu khí, tạo sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh cao. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn; tiết kiệm năng lượng trong sản xuất; chuẩn bị đề phòng và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống phát sinh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, quan tâm đến công tác xây dựng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, quan tâm đến đời sống việc làm của người lao động. Tiếp tục quan tâm đến việc thực hiện các chính sách an sinh đối với vùng khó khăn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán...

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam kịp thời giải quyết, xử lý các khó khăn vướng mắc.

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, ngành Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam tạo ra nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đất nước.

Theo Tạp chí Dầu khí (1/2020)

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 8
  • 9
  • 1
  • 0
  • 3