Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:45 - GMT+7

Thay đổi tư duy để kinh tế số bứt phá

Thay đổi tư duy, thể chế và hệ thống pháp luật là những yếu tố rất quan trọng để tạo nền tảng cho kinh tế số bứt phá và tiến tới đạt được các mục tiêu đề ra.

27/02/2020 - 10:45

Thay đổi tư duy, thể chế và hệ thống pháp luật là những yếu tố rất quan trọng để tạo nền tảng cho kinh tế số bứt phá và tiến tới đạt được các mục tiêu đề ra.

Nghị quyết 52 đặt ra là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và 30% vào năm 2030

Nền kinh tế toàn cầu đang trong kỷ nguyên số hóa. Là nền kinh tế có độ mở lớn, cũng có nghĩa Việt Nam đang “tự nhiên” bước vào kỷ nguyên mới này. Nhưng để “bước vào” một cách chủ động, tận dụng tốt nhất các cơ hội mang lại mà không bị “kéo lê” theo thời đại thì thay đổi tư duy, cải cách thể chế là những yếu tố rất quan trọng.

Kinh tế số đang hiện hữu

Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company công bố, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt quy mô 12 tỷ USD năm 2019, tăng mạnh so với mức chỉ 3 tỷ USD vào năm 2015. Báo cáo này cũng dự báo kinh tế số có thể đạt đến 43 tỷ USD vào năm 2025.

Vận hành chủ yếu dựa trên nền tảng số, kinh tế số bao gồm và liên quan đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…) nơi công nghệ số có thể áp dụng, đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử qua Internet. Tại Việt Nam, kinh tế số đã xuất hiện từ khi có máy tính (đặc biệt là khi có máy tính cá nhân vào cuối những năm 80), bắt đầu phát triển mạnh vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước (sau khi xuất hiện mạng Internet) và thực sự bùng nổ trong những năm gần đây như nhiều số liệu đã chứng minh.

Ngày nay, chúng ta có thể thấy các sản phẩm của nền kinh tế số xuất hiện ở mọi lĩnh vực và bất cứ đâu trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ giới trẻ mà các cụ già cũng có thể lên các trang thương mại điện tử để giao dịch mua sắm; các hình thức di chuyển, lệnh giao nhận hàng hóa ngày càng được số hóa hơn… Đó chỉ là những ví dụ nhỏ cho thấy kinh tế số có thể mang lại sự thuận lợi, khả năng thỏa mãn nhu cầu không giới hạn, và ngày càng trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Hiện nay, Việt Nam đang “sở hữu” khoảng 61 triệu người dùng Internet, 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, khoảng 70% thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G… những con số mà không ít nền kinh tế mơ ước có được trong thúc đẩy kinh tế số, tận dụng những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại. 

Nếu xét về tuần tự phát triển, CMCN 4.0 đơn giản chỉ là sự tiếp nối của CMCN 3.0 (sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất). Nhưng khác biệt lớn nhất khiến CMCM 4.0 được nhận định là “không có tiền lệ lịch sử”, thay vì phát triển một cách tuần tự, tuyến tính như trước đây, CMCN 4.0 phát triển đứt gãy, nhảy vọt theo cấp số nhân, số mũ và không giới hạn về địa lý, thời gian.

Nguyên nhân tạo ra các phát triển bất tuần tự và nhảy vọt này là nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) – những đặc trưng chính của CMCN 4.0 – đã giúp kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cũng vì thế mà CMCN 4.0 đang phá vỡ hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, đồng thời đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp thiết đối với sự thay đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Kinh tế số và CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi cơ bản lực lượng sản xuất (LLSX), phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất (QHSX). Trong đó, sẽ làm thay đổi gần như hoàn toàn cơ cấu, chất lượng và thành phần LLSX khi chuyển từ sản xuất vật chất sang phi vật chất, từ nguyên liệu sang dữ liệu… 

Trong CMCN 4.0, công cụ lao động đầu tiên không còn là các nhà máy vật lý mà là các phòng mô phỏng, phân tích dữ liệu lớn. Dựa trên các phòng mô phỏng và phân tích dữ liệu lớn này, thời gian để thử nghiệm, sáng tạo một phương án sản xuất, một sản phẩm cụ thể sẽ được tính bằng phút – thay vì có thể mất nhiều năm như trước đây. Và người ta sẽ không phải lo nghĩ, tính toán nhiều đến chi phí, nguồn lực phải bỏ ra để thử nghiệm dựa trên mô phỏng như vậy cho đến lúc chắc chắn sản phẩm làm ra đảm bảo thành công thì mới đưa ra sản xuất hàng loạt. Điều này khác xa so với trước đây khi phải thử nghiệm bằng cách sản xuất thử và thất bại thì phải làm lại. Lợi ích về chi phí, thời gian, khả năng sáng tạo nhờ CMCN 4.0 vì thế dễ dàng thấy rõ.

Quyết tâm biến kinh tế số thành động lực

CMCN 4.0 với sự hội tụ của hàng loạt bước tiến mới trong công nghệ rõ ràng đang tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số. Trong bối cảnh kinh tế số và CMCN 4.0 là tất yếu khách quan diễn ra trên toàn cầu, vấn đề đặt ra là chúng ta nên thụ động chấp nhận để bị cuốn đi theo những cách và tới những đích bất định mà chúng ta không thể lường tới; hay chủ động thích nghi để tận dụng và vượt lên? Câu trả lời chắc ai cũng đã rõ. Kinh tế số, CMCN 4.0 chính là cánh cửa – thậm chí không ít nhận định cho rằng, là cánh cửa duy nhất để Việt Nam có thể tận dụng vượt lên. Chính đặc trưng phi tuần tự, nhảy vọt không giới hạn của CMCN 4.0 là cơ hội để các nước nhỏ, đi sau có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên nếu tận dụng được các cơ hội. 

Nhưng khi khoa học công nghệ và dữ liệu thông tin trở thành LLSX quan trọng hàng đầu thì năng lực cốt lõi của mỗi DN, mỗi quốc gia chính là đổi mới sáng tạo, tốc độ, linh hoạt, chất lượng và hiệu quả. Những yếu tố đó đòi hỏi QHSX cũng phải thay đổi để thích ứng, tức là cần tư duy mới và thể chế phù hợp. Để tận dụng kinh tế số, CMCN 4.0 nhằm nâng cao năng suất lao động, đời sống người dân và thịnh vượng quốc gia, một yêu cầu tất yếu đặt ra là phải có khung tư duy trong xây dựng chiến lược quốc gia về kinh tế số, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng kinh tế số, dữ liệu, nguồn nhân lực…

Xét trong cách nhìn tổng thể đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 được đánh giá là hết sức đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn và khát vọng quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình đưa dân tộc đi đến hùng cường. Kinh tế số, CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Vì vậy cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết 52 đặt ra là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và 30% vào năm 2030 (từ mức chỉ khoảng 5% hiện nay). Đây là những mục tiêu rất hoài bão, rất khó khăn nhưng không hề xa vời hay bất khả thi. Một ví dụ là tổng giá trị giao dịch trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD trong năm 2019, một con số mà không ai có thể nghĩ tới nếu trở lại thời điểm năm 2015, khi con số này chỉ là 0,4 tỷ USD. 

Thay đổi tư duy, thể chế và hệ thống pháp luật là những yếu tố rất quan trọng để tạo nền tảng cho kinh tế số bứt phá và tiến tới đạt được các mục tiêu đề ra. Nhìn lại thời gian qua, đặc biệt là năm 2019, những yếu tố này đã được thể hiện mạnh mẽ. Bước sang năm 2020, đây tiếp tục là những công việc cần làm quyết liệt, đồng bộ.

Cùng với đó, việc hiện thực hóa tầm nhìn, chủ trương trong thực tế - vốn thường xuyên là thách thức và yếu điểm – cũng là yêu cầu quan trọng không kém. Bởi dù tầm nhìn đúng và những yêu cầu về thay đổi tư duy, thể chế được đặt ra nhưng trong thực hiện lại không đạt, không tới thì nỗ lực, quyết tâm cũng trở nên vô nghĩa.

Nguồn: Doanh nghiệp hội nhập 

 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 4
  • 4
  • 1
  • 3