Thứ năm, 25/04/2024 | 12:32 - GMT+7

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Việc sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam sẽ góp phần phát triển các ngành công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn, từ đó tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững cho vùng kinh tế vốn được coi là “đầu tàu” của cả nước.

17/02/2020 - 08:14

Việc sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam sẽ góp phần phát triển các ngành công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn, từ đó tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững cho vùng kinh tế vốn được coi là “đầu tàu” của cả nước.

Cuộc thi IoT Startup 2019 do Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo và Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đam mê đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực internet kết nối vạn vật. Trong ảnh: Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng, Giám đốc Công ty ACIS giới thiệu đề tài Smart Living và đặt ra thách thức cho các thí sinh

* Nhiều tiềm năng và cơ hội

Vùng KTTĐ phía Nam không chỉ là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là nơi tập trung sản xuất công nghiệp của cả nước mà còn là nơi có hệ thống các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu hàng đầu; bảo đảm đào tạo và cung cấp nhân lực cho cả vùng.

Đặc biệt, Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh (SHTP) được đưa vào hoạt động từ năm 2002 đến nay, đã trở thành điểm đến về đầu tư công nghệ cao tại TP.Hồ Chí Minh và cả Việt Nam với các ngành: vi điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ nano... Tiếp đó, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) là công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, được thành lập vào năm 2001, là một trong các công trình kinh tế trọng điểm của TP.Hồ Chí minh được xây dựng nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin của đất nước và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập.

Ngoài chú trọng phát triển chính phủ điện tử, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam còn tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện trong tốp 5 các tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử (EBI), có 2 tỉnh, thành nằm trong Vùng KTTĐ phía Nam là TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu và Bình Dương xếp thứ 5. Ngoài ra, Bình Dương còn được Cộng đồng Thành phố thông minh thế giới (ICF) bình chọn là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới và là địa phương đầu tiên của Việt Nam, cùng với Singapore trở thành thành viên chính thức của ICF.

Vùng KTTĐ phía Nam còn có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế số. Tiêu biểu là năm 2018, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành trong vùng chủ trì hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với ranh giới hành chính TP.Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang. Mục đích của quy hoạch là xây dựng một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu...

* Vượt qua rào cản, hướng đến phát triển

ThS.Đinh Hoàng Tường Vi, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường đại học kinh tế - luật (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) nhận định, Chính phủ cần có cơ chế chính sách giải quyết hai vấn đề then chốt đang tồn tại hiện nay là: vấn đề liên kết và cơ chế phân bổ ngân sách cho vùng chưa phù hợp. Đây chính là hai “rào cản” ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của vùng nói chung và kinh tế số của vùng nói riêng.

Một số giải pháp được ThS. Đinh Hoàng Tường Vi chỉ ra để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Vùng KTTĐ phía Nam là: Nhà nước nên phân bổ phù hợp ngân sách cho các địa phương; kích thích các địa phương trong vùng cùng hợp tác phát triển hạ tầng. Ngoài ra, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vùng. Chính phủ cần tạo không gian thử nghiệm đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển nền kinh tế số. Bởi các ứng dụng công nghệ số sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các cá nhân và doanh nghiệp.

Một giải pháp quan trọng nữa là chính quyền các địa phương, doanh nghiệp cần khẩn trương nâng cấp hạ tầng số, trong đó có việc chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đầu tư mạnh cho giáo dục và nghiên cứu; đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần gắn với các xu thế công nghệ mới như: internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin...

Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối lưu thông hàng hóa, giao thông - vận tải, logistics, tài chính - ngân hàng...) mà công nghệ số được áp dụng.

Ngày nay, người dân có thể bắt gặp các sản phẩm của nền kinh tế số ở bất cứ đâu trong cuộc sống hằng ngày. Đó là các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng giúp tìm địa chỉ ăn uống, vận chuyển, giao nhận hàng hóa...

 Nguồn: Báo Đồng Nai 

Cùng chuyên mục

Cần chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

22/04/2024 - 08:40

Theo các chuyên gia, để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách đột phá như: Hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 4
  • 3
  • 6
  • 2
  • 8