Thứ tư, 24/04/2024 | 18:13 - GMT+7

Sở KH&CN TP.HCM 'tiếp sức' cho các dự án nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ

Các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN hướng đến ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố có thể được hỗ trợ đến 100% tổng kinh phí từ ngân sách.

01/08/2019 - 09:58

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu và thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM liên tục triển khai các gói hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt là các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ hướng đến ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố sẽ được hỗ trợ lên tới 100% tổng kinh phí từ ngân sách. Đối tượng tham gia là các tổ chức khoa học và công nghệ, trường, viện, tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

Ngoài ra, Sở KH&CN TP.HCM cũng có các gói hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu để đổi mới, cải tiến công nghệ, sản phẩm hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường.

Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ sẽ nhận được phần kinh phí phối hợp từ nguồn ngân sách thành phố tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện. Ngoài ra, tổ chức chủ trì nhiệm vụ được xem xét giao quyền sở hữu không thu hồi phần kinh phí hỗ trợ hoặc giao quyền sử dụng phần tài sản thuộc về Nhà nước.

Các hoạt động sản xuất thử, thử nghiệm sản phẩm để hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường cùng với nghiên cứu chuyển giao công nghệ cũng có thể nhận được gói hỗ trợ này.

Điều kiện tham gia các gói hỗ trợ này là đơn vị, doanh nghiệp phải có có kinh phí đối ứng ít nhất đến 70% tổng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ. Ưu tiên các nhiệm vụ có sự liên kết, phối hợp của một hoặc nhiều doanh nghiệp với một hoặc nhiều tổ chức khoa học và công nghệ. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ và cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 9 và Điều 10 Quy chế quản lý nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ được ban hành tại Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của UBND TP.HCM.

Ngoài ra, Sở KH&CN cũng triển khai gói hỗ trợ thúc đẩy hoạt động trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; góp phần phát triển tiềm lực KH&CN của các tổ chức. Theo đó, các hội thảo khoa học, đặc biệt là các hội thảo khoa học để bàn luận, hiến kế các giải pháp khoa học nhằm giải quyết các vấn đề mà Thành phố quan tâm, vướng mắc sẽ được hỗ trợ kinh phí tối đa tới 150 triệu đồng. Chi tiết về gói hỗ trợ này được đăng tải tại đây.

Những đơn vị, doanh nghiệp mong muốn nhận hỗ trợ có thể gửi hồ sơ đăng ký trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các tài liệu gửi phải được ký tên và đóng dấu xác nhận của đơn vị đăng ký thực hiện.

Thời gian thẩm định đối với các hồ sơ đăng ký thực hiện là vào tháng 10/2019 đối với các hồ sơ nộp trước ngày 30 tháng 9 năm 2019. Đối với các hồ sơ nhận từ ngày 01 tháng 10 năm 2019 đến 31 tháng 12 năm 2019 sẽ được thẩm định vào quý I/2020.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ Phòng Quản lý Khoa học, Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM). Địa chỉ: số 244 đường Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TP. HCM. Điện thoại: 028.39322147 (Phòng Quản lý Khoa học), 028.39320462 (Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ).

Sở KH&CN TP.HCM đang triển khai 388 nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ, trong đó 6 tháng đầu năm triển khai mới 103 nhiệm vụ. 76% các nhiệm vụ KHCN tập trung hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố và góp phần giải quyết các vấn đề Thành phố đang quan tâm là: Giảm ngập nước; Giảm ô nhiễm môi trường; Giảm ùn tắc giao thông; Đề án thành phố thông minh, phục vụ sức khỏe người dân và Nghiên cứu chọn tạo các giống mới phục vụ nông nghiệp.

Trong số 103 nhiệm vụ triển khai mới 6 tháng đầu năm 2019, 44,7% nhiệm vụ có sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa như: công nghệ và thiết kế, chế tạo chuỗi khuôn dập liên hoàn sản phẩm từ kim loại tấm, hệ thống chiếu sáng thông minh công cộng sử dụng đèn LED, sản phẩm băng gạc kháng khuẩn phục vụ y tế. 

Ngoài ra, Sở cũng chú trọng hoạt động phát triển tiềm lực KHCN như: Xây dựng cơ sở dữ liệu, mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hỗ trợ 04 ngành công nghiệp trọng yếu thông qua việc số hóa, kết nối cơ sở dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia và 57 doanh nghiệp KHCN lên cổng thông tin Mạng liên kết Thông tin KHCN TP.HCM (stinet.gov.vn). Trong 6 tháng đầu năm, đã mở rộng phạm vi kết nối, chia sẻ thông tin KHCN với 13 đơn vị mới; hệ thống đã liên kết dữ liệu của 27 đơn vị, cập nhật 146.307 tài liệu thư mục, trong đó có hơn 13.000 tài liệu toàn văn.

Nguồn: Khám phá 

 

Cùng chuyên mục

Cần chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

22/04/2024 - 08:40

Theo các chuyên gia, để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách đột phá như: Hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 2
  • 5
  • 0
  • 6
  • 7