Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:32 - GMT+7

Mô hình "thành phố thông minh" trong tương lai

Khi nói đến xu hướng phát triển thành phố thông minh, bạn sẽ nghĩ ngay đến các thành phố lớn với những tòa nhà chọc trời như Thượng Hải, Dubai hay Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc về tiến bộ công nghệ thì hẳn phải là San Francisco hay Thung lũng Silicon. Nhưng không phải, thành phố đi đầu trong cuộc cách mạng đô thị hiện nay lại là Kalasatama, một thành phố nhỏ ngoại ô Helsinki, Phần Lan.

15/07/2019 - 10:13

Khi nói đến xu hướng phát triển thành phố thông minh, bạn sẽ nghĩ ngay đến các thành phố lớn với những tòa nhà chọc trời như Thượng Hải, Dubai hay Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc về tiến bộ công nghệ thì hẳn phải là San Francisco hay Thung lũng Silicon. Nhưng không phải, thành phố đi đầu trong cuộc cách mạng đô thị hiện nay lại là Kalasatama, một thành phố nhỏ ngoại ô Helsinki, Phần Lan.

Nhận được sự chú ý đặc biệt của truyền thông thế giới, nhưng có lẽ điều thú vị nhất ở mô hình “thành phố thông minh” Kalasatama là các chính sách đảm bảo chất lượng cuộc sống được đặt lên hàng đầu.

Giá trị cốt lõi là có thêm 1 giờ mỗi ngày

Giới chuyên gia cho rằng, khi hoàn thành vào năm 2030, cư dân của Kalasatama sẽ có thêm 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày dành cho riêng mình. Lý do là việc bố trí cơ quan công sở và tòa nhà chức năng nhằm tiết kiệm thời gian nhất. Các dịch vụ công như trường học, bệnh viện và giao thông gần nhau và dễ dàng tiếp cận. “Bạn sẽ có thêm 5 phút đi bộ trong công việc, 5 phút với con trẻ trước khi đi làm, về nhà sớm hơn 5 phút vì đi lại thuận tiện hơn”, ông Kerkko Vanhanen, Giám đốc chương trình của Smart Kalasatama cho biết. 1/3 cư dân tham gia vào việc lập kế hoạch và dự án cho thành phố đều ủng hộ một điều, khoảng thời gian dôi dư đó phần nào thể hiện hệ thống giao thông thông minh và đó cũng là giá trị cốt lõi trong sự phát triển của bất cứ đô thị nào. 

Có thể nói, Kalasatama được thiết kế như một dự án thí điểm tích hợp những công nghệ mới nhất từ năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh dựa trên công nghệ Internet vạn vật, xe điện và các giải pháp điều khiển giao thông tiên tiến trên một cơ sở quy hoạch đô thị trẻ, để cư dân Thủ đô Helsinki sẽ chuyển dần sang. “Cuộc sống của bạn dễ dàng hơn vì sống ở thành phố có nhiều chức năng nhất thế giới”, ông Kerkko Vanhanen khẳng định.

Tuy nhiên, hiện Kalasatama mới chỉ có 3.500 cư dân. Đến năm 2030, các nhà phát triển hy vọng sẽ có 25.000 người và tạo ra 10.000 việc làm. Đó là mục tiêu của tương lai, nhưng tương lai đang bắt đầu từ hôm nay. Đơn cử như hệ thống quản lý chất thải. Không ai sống ở Kalasatama còn phải chờ xe tải rác hoặc đẩy thùng rác tái chế nữa, vì toàn bộ cộng đồng được kết nối với hệ thống ống khí ngầm. Rác đã phân loại được tập kết tại điểm quy định ở mỗi tòa nhà rồi bị hút đến một trung tâm xử lý dưới lòng đất. Hệ thống này đẩy rác thải ở tốc độ 70 km/h, đưa nó đến một cơ sở xử lý trung tâm để tái chế hoặc chuyển đổi thành khí sinh học. Như việc thu gom rác thải nhựa bắt đầu vào tháng 1-2019, và chỉ trong 4 tuần đầu tiên, cư dân Kalasatama đã tiết kiệm được 1.220kg.

Băn khoăn với kỷ nguyên “Internet vạn vật”

Với 68% dân số thế giới dự kiến sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2050, theo như dự báo của Liên hợp quốc năm 2018, việc mở rộng và đổi mới đô thị là rất quan trọng. Quá trình biến đổi đô thị như vậy đã kéo dài suốt lịch sử nhân loại, từ những thành phố mang dáng dấp quy hoạch của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại đến hệ thống kênh đào thế kỷ 17 ở Amsterdam phục vụ quốc phòng và quản lý nước. Nhưng hiện giờ, yếu tố cơ sở hạ tầng ít được chú trọng hơn mà ở cấp độ khác, khi toàn bộ hệ thống các thiết bị được kết nối với nhau bằng Internet hay Internet vạn vật. Ước tính đến năm 2020, sẽ có 50 tỷ vật “nói chuyện” với nhau. Với việc chuyển sang tốc độ băng thông 5G và tốc độ cực nhanh, mọi thứ sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Nhưng cùng với đó, tiện ích công nghệ cao dẫn đến việc chia sẻ dữ liệu cá nhân sẽ nhiều hơn. Bởi có dữ liệu cá nhân, bạn mới có thể sử dụng tất cả các loại dịch vụ công cộng và tư nhân. Điều này khiến mọi người băn khoăn về quyền riêng tư của họ, và đó cũng là bài toán đặt ra với các thành phố thông minh. 

“Khi các thành phố thông minh phát triển, các chính phủ cần có được sự tin tưởng của người dân để sử dụng dữ liệu riêng tư của họ một cách có trách nhiệm”, ông Udo Kock, Phó thị trưởng Amsterdam, nơi đang thực hiện một chương trình dữ liệu mở để hướng tới một trong những môi trường sáng tạo nhất châu Âu nói. Theo ông Udo Kock, “đừng nghĩ thành phố thông minh chỉ là một giải pháp công nghệ, hãy coi đó là sự hợp tác. Sự kết nối cộng đồng, công dân đóng vai trò quan trọng trong công việc của chính quyền”.

Kalasatama được thiết kế như một dự án thí điểm tích hợp những công nghệ mới nhất từ năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh dựa trên công nghệ Internet vạn vật, xe điện và các giải pháp điều khiển giao thông tiên tiến trên một cơ sở quy hoạch đô thị trẻ, để cư dân Thủ đô Helsinki sẽ chuyển dần sang.

Theo An ninh Thủ đô

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 7
  • 1
  • 7
  • 7