Thứ năm, 28/03/2024 | 18:38 - GMT+7

Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự đóng rắn của tro bay sử dụng chất hoạt hóa kiềm natri hidroxit kết hợp thủy tinh lỏng và gypsum

Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp ở nước ta trong những năm gần đây kéo theo sự gia tăng về chất thải, đặc biệt là các ngành công nghiệp năng lượng.

26/06/2019 - 10:09

Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp ở nước ta trong những năm gần đây kéo theo sự gia tăng về chất thải, đặc biệt là các ngành công nghiệp năng lượng. Tại nước ta có rất nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng nguồn nhiên liệu là than và hàng năm lượng tro xỉ phế thải thải ra rất lớn, gây ảnh hưởng đến môi trường. Thống kê cho thấy, các nhà máy điện đốt than có công suất trên 5.000 MW chạy bằng than antraxit hàng năm tiêu thụ khoảng 16 triệu tấn than và lượng tro xỉ thải ra là 5,7 triệu tấn. Dự báo đến năm 2030, khi tổng công suất nhiệt điện đốt than của cả nước tăng lên khoảng 77.000MW thì lượng tro xỉ thải ước tính là 35 triệu tấn/năm.[1] Khi phát thải ra môi trường, lượng tro bay, tro xỉ này không chỉ cần bãi đổ thải lớn để chứa đựng mà còn gây ra nhiều vấn đề môi trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính vì vậy cần tìm những giải pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả để xử lý hoặc tái sử dụng tro bay.

Geopolyme/polyme vô cơ là thuật ngữ để chỉ sản phẩm được tạo ra từ phản ứng của vật liệu aluminosilicate trong điều kiện môi trường kiềm cao hoặc trong dung dịch silicate.[2] Cơ chế của quá trình hoạt hóa kiềm là sự kết hợp của 2 quá trình hòa tan và trùng ngưng (ngưng tụ).

Quá trình hòa tan sẽ tạo ra các thành phần đơn vị có cấu trúc không ổn định sau đó các thành phần này sẽ ngưng tụ lại với nhau tạo nên cấu trúc khối đặc.[3] So với vật liệu xi măng truyền thống polyme vô cơ cho thấy có nhiều ưu điểm như giảm phát thải CO2 trong quá trình sản xuất, cường độ chịu nén cao, ít nứt vỡ, có khả năng chống lửa, chống axit cũng như độ dẫn nhiệt thấp.[4] 

Nồng độ NaOH ảnh hưởng đến khả năng chịu lực cũng như cấu trúc của vật liệu được tạo thành. Trong giai đoạn đầu của phản ứng các gốc OH- đóng vai trò là xúc tác cho quá trình hòa tan nhôm và silic trong vật liệu aluminosilicat. Ở giai đoạn cuối của phản ứng ion Na+ có vai trò trong hình thành  cấu trúc và cân bằng điện tích của khối tứ diện nhôm.[5] Khả năng hòa tan vật liệu tăng lên khi tăng nồng độ kiềm đồng thời cũng làm tăng cường độ chịu nén của sản phẩm. Theo nghiên cứu của Hardjito và cộng sự chỉ ra khi tăng nồng độ NaOH từ 8 M lên 14M cường độ chịu nén sau 28 ngày tăng 12,4 % từ 44,87 lên 50,46 MPa.[6] Canxi trong tro bay có vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến khả năng chịu lực cũng như quá trình đóng rắn của geopolyme.[7] Phoongernkham và cộng sự đã chỉ ra nguyên liệu giàu canxi sẽ tạo thành calcium silicate hydrate  trong cấu trúc geopolymer.[8] Trong nghiên cứu của Khater cho thấy Ca(OH)2 sẽ phản ứng với dung dịch sodium silicate tạo thành calcium silicate hydrate hoặc calcium aluminosilicate hydrate làm mất bớt nước trong dung dịch do đó tăng tính kiềm của dung dịch hoạt hóa nên tăng khả năng hòa tan vật liệu aluminosilicate và làm thúc đẩy quá trình geopolyme hóa.[9] 

Nghiên cứu này sẽ khảo sát ảnh hưởng của hàm lượng Na2O, SiO2 tổng số và CaO tổng số đến khả năng đóng rắn của tro bay Phả Lại 1. Bên cạnh đó, khảo sát ảnh hưởng của tỉ lệ tro bay, tro xỉ đến cường độ chịu nén. Sau 28 ngày các mẫu được đem kiểm tra cường độ chịu nén và độ hút nước. nứt vỡ, có khả năng chống lửa, chống axit cũng như độ dẫn nhiệt thấp.[4]

Nồng độ NaOH ảnh hưởng đến khả năng chịu lực cũng như cấu trúc của vật liệu được tạo thành. Trong giai đoạn đầu của phản ứng các gốc OH- đóng vai trò là xúc tác cho quá trình hòa tan nhôm và silic trong vật liệu aluminosilicat. Ở giai đoạn cuối của phản ứng ion Na+ có vai trò trong hình thành  cấu trúc và cân bằng điện tích của khối tứ diện nhôm.[5] Khả năng hòa tan vật liệu tăng lên khi tăng nồng độ kiềm đồng thời cũng làm tăng cường độ chịu nén của sản phẩm. Theo nghiên cứu của Hardjito và cộng sự chỉ ra khi tăng nồng độ NaOH từ 8 M lên 14M cường độ chịu nén sau 28 ngày tăng 12,4 % từ 44,87 lên 50,46 MPa.[6] Canxi trong tro bay có vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến khả năng chịu lực cũng như quá trình đóng rắn của geopolyme.[7] Phoongernkham và cộng sự đã chỉ ra nguyên liệu giàu canxi sẽ tạo thành calcium silicate hydrate  trong cấu trúc geopolymer.[8] Trong nghiên cứu của Khater cho thấy Ca(OH)2 sẽ phản ứng với dung dịch sodium silicate tạo thành calcium silicate hydrate hoặc calcium aluminosilicate hydrate làm mất bớt nước trong dung dịch do đó tăng tính kiềm của dung dịch hoạt hóa nên tăng khả năng hòa tan vật liệu aluminosilicate và làm thúc đẩy quá trình geopolyme hóa.[9]

Nghiên cứu này sẽ khảo sát ảnh hưởng của hàm lượng Na2O, SiO2 tổng số và CaO tổng số đến khả năng đóng rắn của tro bay Phả Lại 1. Bên cạnh đó, khảo sát ảnh hưởng của tỉ lệ tro bay, tro xỉ đến cường độ chịu nén. Sau 28 ngày các mẫu được đem kiểm tra cường độ chịu nén và độ hút nước.

2. THỰC NGHIỆM

2.1. Hoá chất, vật liệu

Tro bay và tro xỉ được lấy từ dây chuyền 1 của nhà máy nhiệt điện Phả Lại, gypsum được lấy từ nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ, Hải Phòng. Hóa chất để hoạt hóa vật liệu bao gồm NaOH công nghiệp và thủy tinh lỏng công nghiệp (53,17 %  H2O; 28,06 % SiO2; 18,77 % Na2O). Tro xỉ sẽ được nghiền nhỏ và cho qua rây 1mm. Tro bay, tro xỉ và gypsum sẽ được sấy khô trước khi cân để phối trộn theo tỉ lệ.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Xác định độ ẩm và độ mất khi nung (LOI): Tuân theo tiêu chuẩn ASTM C311 – 05 [10].

Thành phần khoáng: Các mẫu tro bay, tro xỉ sau khi được làm khô, nghiền nhỏ được đem chụp XRD trên máy D8 – Advance – Brucker – Đức (anot Cu, λ = 1,504 Å) tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thành phần hoá học của nguyên liệu: Mẫu nguyên liệu được nghiền mịn và chụp XRF trên máy XRF 1800 Shimadzu tại khoa Địa chất, trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN.

Kích thước hạt trung bình được xác định bằng cách sử dụng ánh sáng laser trên thiết bị LA - 950V2 tại Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN.

Ảnh hưởng của hàm lượng Na2O đến khả năng đóng rắn của tro bay: Hàm lượng Na2O (gồm có Na2O quy đổi từ NaOH và Na2O trong thủy tinh lỏng) sẽ được khảo sát ở tỉ lệ là 3 %, 5 % và 10 % tổng khối lượng chất rắn (tro bay và tro xỉ). Tuy nhiên, ở tỉ lệ 10 % Na2O sau khi phối trộn, vật liệu đóng rắn nhanh do đó không thể ép viên tạo hình  nên nghiên cứu sẽ khảo sát ở tỉ lệ 3 % và 5 % vừa để đảm bảo tính kinh tế mà vẫn đáp ứng được tính chất cơ học của mẫu tro bay sau khi đóng rắn. Dung dịch kiềm hoạt hoá là hỗn hợp của NaOH và thuỷ tinh lỏng (NaOH và thuỷ tinh lỏng được duy trì ở tỉ lệ mol 1:1) được chuẩn bị ở các giá trị hàm lượng Na2O cần khảo sát. Mẫu khảo sát hàm lượng kiềm 3 và 5 % được kí hiệu lần lượt là N3 và N5.

Ảnh hưởng của tỉ lệ tro bay, tro xỉ đến khả năng đóng rắn của tro bay: Tỉ lệ tro bay:tro xỉ là 100:0; 80:20; 75:25; 50:50 và 25:75 được khảo sát.  Sử dụng dung dịch kiềm hoạt hoá có hàm lượng 5 % Na2O so với tổng khối lượng chất rắn để hoạt hoá vật liệu. Các mẫu được kí hiệu là N5-1, N5-2, N5-3, N5-4, N5-5 tương ứng với các tỉ lệ tro bay:tro xỉ như trên.

Ảnh hưởng của hàm lượng SiO2 đến khả năng đóng rắn của tro bay: Hàm lượng SiO2 tổng số được khảo sát ở các tỉ lệ 40, 43 và 45 %. Dung dịch kiềm hoạt hoá là thuỷ tinh lỏng (đối với mẫu có hàm lượng SiO2 tổng số là 40 %) và dung dịch NaOH (đối với mẫu có hàm lượng SiO2 tổng số là 43 và 45%). Tỉ lệ tro bay và tro xỉ là 80:20. Các mẫu được kí hiệu là S40, S43, S45 tương ứng với các hàm lượng SiO2 khảo sát như trên.

Ảnh hưởng của hàm lượng CaO đến khả năng đóng rắn của tro bay: Gypsum được sử dụng để đạt được các giá trị hàm lượng CaO tổng số cần khảo sát là 2, 3, 4 và 6 %. Sử dụng dung dịch kiềm hoạt hoá có hàm lượng 5 % Na2O so với tổng khối lượng chất rắn để hoạt hoá vật liệu. Tỉ lệ tro bay và tro xỉ là 80:20. Các mẫu được kí hiệu là C2 và C3 tương ứng với các hàm lượng CaO khảo sát là 2 và 3%.

2.3. Quy trình chế tạo mẫu và thử nghiệm

Các phối liệu sau khi cân theo tỉ lệ sẽ được trộn đều với dung dịch kiềm hoạt hóa trong 15 phút và tiến hành ép thành viên hình trụ với lực ép được cài đặt ở 100 kg/cm2. Các viên sau khi được ép sẽ được dưỡng trong điều kiện  nhiệt  độ  25  oC và  độ ẩm 90%. Nhằm khảo sát ảnh hưởng của thời gian dưỡng sau 3, 7 và 14 ngày dưỡng, mẫu sẽ được bỏ ra và để khô tự nhiên. Các mẫu sau 28 ngày sẽ được kiểm tra một số chỉ tiêu như: cường độ chịu nén tuân theo tiêu chuẩn ASTM C109,[11] độ hút nước theo tiêu chuẩn ASTM C642-06.[12] Phần nước sau khi ngâm mẫu sẽ đem đi đo pH. Đặt các mẫu thử theo chiều thẳng đứng vào thùng hoặc bể nước có nhiệt độ 25±2 °C. Khoảng cách giữa các viên gạch với thành bể là 10 mm. Mực nước phải cao hơn mặt mẫu thử ít nhất 20 mm. Thời gian ngâm mẫu là 24 giờ, sau đó vớt mẫu ra, dùng khăn ẩm thấm bề mặt mẫu thử và cân mẫu đã bão hòa nước, thời gian từ khi vớt mẫu đến khi cân xong không quá 3 phút ghi lại khối lượng. Sau đó, sấy mẫu ở  nhiệt độ   105°C đến  110°C  đến  khối  lượng  không  đổi  (thông  thường thời gian sấy không ít hơn 24 h) rồi cân và ghi lại khối lượng.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tính chất của nguyên liệu

Dựa vào tiêu chuẩn ASTM C618 thì tro bay của dây chuyền 1 nhà máy nhiệt điện Phả Lại thuộc tro bay loại F. Độ mất khi nung của tro bay Phả Lại khá lớn (23,3 %) cho thấy lượng than dư trong tro bay còn nhiều. Độ mất khi nung của tro xỉ và gypsum lần lượt là 4,8 và 10,35 %. Độ ẩm của tro bay, tro xỉ và gypsum lần lượt là 1,6; 21,6 và 2%.

Kết quả phân tích XRF của các mẫu nguyên liệu cho thấy trong tro bay và tro xỉ hàm lượng SiO2, Al2O3 và Fe2O3 chiếm phần lớn (lớn hơn 70 % tổng khối lượng) và tỉ lệ SiO2:Al2O3 = 2,1 cho thấy là nguồn nguyên liệu phù hợp để sản xuất vật liệu xây dựng dựa trên công nghệ geopolymer. Thành phần hóa học của tro bay, tro xỉ Phả Lại và gypsum được trình bày trong bảng 1.

Kết quả phân tích XRD mẫu tro bay và tro xỉ  cho thấy thành phần khoáng trong mẫu tro bay và tro xỉ là Quartz (alpha-SiO2) và Sillimanite (Al2SiO5). Quan sát phổ XRD trên hình 2 có độ nhiễu nền  cao ít đỉnh sắc nét cho thấy thành phần pha của mẫu chủ yếu ở dạng vô định hình. Phương pháp phân tích kích thước hạt sử dụng ánh sáng laser cho thấy tro, xỉ Phả Lại và gypsum có kích thước hạt trung bình lần  lượt  là  21,0208  µm;  115,3334  µm  và 59,4595 µm.

Bảng 1: Thành phần hóa học của tro bay, tro xỉ và gypsum (đơn vị: %)
Hình 2: Phổ XRD mẫu tro xỉ (A) và tro bay (B)
 
3.2. Ảnh hưởng của hàm lượng kiềm đến cường độ chịu nén
 
Kết quả cho thấy khi tăng hàm lượng kiềm cường độ chịu nén của mẫu sẽ tăng lên. Khi thời gian dưỡng ẩm tăng lên cho thấy cường độ chịu nén của mẫu tăng lên. Mẫu N5 đạt giá trị cường độ chịu nén cao nhất sau 14 ngày dưỡng ẩm (15,3 MPa) gấp 1,5 lần so với mẫu N5 dưỡng ẩm 3 ngày, gấp gần 3,2 lần so với mẫu N3 dưỡng ẩm 14 ngày. Cường độ chịu nén của các mẫu được thể hiện trên hình 3.
 
Hình 3: Cường độ chịu nén của các mẫu khi sử dụng hàm lượng kiềm 3% (N3) và 5% (N5)
 
Khi hàm lượng kiềm tăng lên, khả năng hoà tan nhôm và silic trong nguyên liệu tăng lên do đó làm tăng lượng phức nhôm và silic cho quá trình trùng ngưng tạo thành cấu trúc silicat rắn chắc. Trong các khảo sát về ảnh hưởng của tỉ lệ tro bay, tro xỉ và ảnh hưởng của hàm lượng CaO sử dụng dung dịch kiềm hoạt hoá 5 % Na2O. Nhằm khảo sát thêm ảnh hưởng của thời gian dưỡng ẩm, các mẫu vẫn tiếp tục được dưỡng ẩm 3, 7 và 14 ngày.
 
3.3. Ảnh hưởng của tỉ lệ tro bay, tro xỉ đến cường độ chịu nén
 
Khi tăng tỉ lệ tro xỉ trong mẫu cường độ chịu nén lại giảm đi là do trong tro xỉ kích cỡ các hạt còn lớn. Theo nghiên cứu của Kim và cộng sự khi kích thước hạt càng lớn, phản ứng hòa tan nhôm và silic trên bề mặt vật liệu sẽ giảm đi làm giảm lượng silic hòa tan cung cấp cho quá trình geopolymer hóa.[13] Các mẫu N5-1, N5-2, N5-3, N5-4 và N5-5 có tỉ lệ tro bay giảm dần và cường độ chịu nén cũng có xu hướng giảm theo. Mẫu N5-1 có tỉ lệ tro bay chiếm 100 % cường độ chịu nén tăng dần theo thời gian dưỡng và đạt cao nhất là 15,3 MPa sau 14 ngày dưỡng. Mẫu N5-2 có cường độ chịu nén cao nhất là 13,4 MPa sau 14 ngày dưỡng nhưng mẫu N5-3 đạt cường độ chịu nén cao nhất sau 7 ngày dưỡng và đạt 14,9 MPa. Hình 4 minh họa cường độ chịu nén của các mẫu ở các tỉ lệ tro bay, tro xỉ khác nhau.
Hình 4: Cường độ chịu nén của các mẫu khi thay đổi tỉ lệ tro bay và tro xỉ
 
3.4. Ảnh hưởng của hàm lượng SiO2 đến cường độ chịu nén
 
Kết quả cho thấy khi hàm lượng SiO2 tăng lên cường độ chịu nén có xu hướng giảm dần nhưng không đáng kể. Cường độ chịu nén đạt cao nhất ở mẫu S40 đạt 12,4 MPa sau 7 ngày dưỡng.
Các mẫu S43 và S45 đạt cường độ chịu nén cao nhất lần lượt là 12,2 và 11,3 MPa sau 3 ngày dưỡng. Hình 5 thể hiện cường độ chịu nén của mẫu khi thay đổi hàm lượng SiO2. 
Hình 5: Cường độ chịu nén của các mẫu có hàm lượng SiO2 tổng số 40, 43 và 45%
 
3.5. Ảnh hưởng của hàm lượng Cao đến cường độ chịu nén
 
Khi hàm lượng CaO tổng số trong mẫu là 4 và 6 % trong quá trình dưỡng ở 25 oC và độ ẩm 90 % mẫu bị nứt vỡ không giữ được hình dạng sau khi ép viên. Điều đó cho thấy ở hàm lượng CaO tổng số là 4, 6 % không thể đóng rắn được tro bay. Ở hàm lượng CaO 2% (mẫu C2) cho thấy cường độ chịu nén cao hơn so với mẫu có hàm lượng CaO 3 % (mẫu C3). Mẫu C2 có cường độ chịu nén tăng dần theo thời gian dưỡng và đạt 19,6 MPa sau 14 ngày dưỡng lớn hơn 4,56 lần so với mẫu C3 (đạt 4,3 MPa) sau 14 ngày dưỡng. Khi bổ sung gypsum sao cho hàm lượng CaO tổng số là 2% cho thấy mẫu đạt cường độ chịu nén lớn nhất trong tất cả các mẫu khảo sát. Tuy nhiên, khi tăng tỉ lệ gypsum bổ sung vào mẫu thì cường độ chịu nén có xu hướng giảm hoặc tự phá vỡ cấu trúc do ion Na+ sẽ tác dụng với gốc SO 2- trong gypsum làm giảm sự tham gia của Na+ vào khung cấu trúc (để cân bằng điện tích) do đó làm cấu trúc vật liệu bị yếu đi. Cường độ chịu nén của các mẫu có hàm lượng CaO là 2 và 3 % được thể hiện trên hình 6.
 
Hình 6: Cường độ chịu nén của các mẫu có hàm lượng CaO là 2 và 3%
3.6.Độ hút nước của các mẫu khảo sát
 
Các mẫu sau 28 ngày sẽ được kiểm tra độ hút nước tuân theo tiêu chuẩn ASTM C642-06. Bảng 2 là độ hút nước và pH của mẫu sau khi ngâm trong nước 24 giờ. Các mẫu sau khi ngâm nước cho thấy có độ hút nước khá lớn.
Bảng 2: Độ hút nước và pH của các mẫu khảo sát 
4. KẾT LUẬN
 
Trong vùng khảo sát hàm lượng kiềm tăng lên thì cường độ chịu nén tăng lên, với hàm lượng kiềm sử dụng là 5 %, cường độ chịu nén của mẫu đạt 15,3 MPa sau 14 ngày dưỡng ẩm. Thay đổi tỉ lệ tro bay, tro xỉ cho thấy tỉ lệ tro bay giảm thì cường độ chịu nén cũng giảm theo. Hàm lượng SiO2 tổng số trong mẫu tăng lên thì cường độ chịu nén giảm xuống nhưng không đáng kể. Bổ sung gypsum sao cho hàm lượng CaO tổng số đạt 2 % cho thấy mẫu có cường độ chịu nén đạt giá trị lớn nhất so với tất cả các mẫu khảo sát và đạt 19,6 MPa và có độ hút nước thấp  hơn so với các mẫu khác. Khi khảo sát hàm lượng CaO tổng số là 3 % kết quả cho thấy cường độ chịu nén giảm mạnh và độ hút nước tăng lên khi so với tỉ lệ 2 % CaO. Qua những kết quả này cho thấy bổ sung thêm gypsum ở tỉ lệ phù hợp sẽ cải thiện cấu trúc, tăng độ chặt sít của mẫu nhờ vậy cường độ chịu nén tăng lên và làm giảm độ hút nước.
Lời cảm ơn. Nghiên cứu được hoàn thành với sự hỗ trợ của đề tài NCKH mã số ĐT-CNMT.01.17.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Đinh Quang Vinh. Đầu ra cho tro xỉ nhà máy nhiệt điện, Tập đoàn công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam, 2012.
2. J. Davidovits. Geopolymers: inorganic polymeric new materials, Journal of Thermal Analysis and calorimetry, 1991, 37(8), 1633-1656.
3. V. D. Glukhovsky, G. S. Rostovskaja, G. V. Rumyna., in Proceedings of the 7th international congress on the chemistry of cement, Paris, High strength slag-alkaline cements, 164-168, 1980.
4. P. Duxson, A. Fernández-Jiménez, J. L. Provis, G. C. Lukey, A. Palomo, J. S. van Deventer. Geopolymer technology: the current state of the art, Journal of materials science, 2007, 42(9), 2917-2933.
5. A. Allahverdi, E. N. Kani, S. Esmaeilpoor. Effects of Silica Modulus and Alkali Concentration on Activation of Blast-Furnace Slag, Iranian Journal of Materials Science and Engineering, 2008, 5(2), 32- 35.
6. F. A. Memon, M. F. Nuruddin, S. Khan, N. A. S. I. R. Shafiq, T. Ayub. Effect of sodium hydroxide concentration on fresh properties and compressive strength of self-compacting geopolymer concrete, Journal   of   Engineering   Science    and Technology, 2013, 8(1), 44-56.
7. P. Chindaprasirt, P. De Silva, K. Sagoe-Crentsil, S. Hanjitsuwan. Effect of SiO2 and Al2O3 on the setting and hardening of high calcium fly ash-based geopolymer  systems,  Journal  of  Materials  Science, 2012, 47(12), 4876-4883.
8. T. Phoongernkham, P. Chindaprasirt, V. Sata, S. Pangdaeng, T. Sinsiri. Properties of high calcium fly ash geopolymer pastes with Portland cement as an additive, International Journal of Minerals, Metallurgy, and Materials, 2013, 20(2), 214-220.
9. H. M. Khater. Effect of calcium on geopolymerization of aluminosilicate wastes, Journal of Materials in Civil Engineering, 2011, 24(1), 92- 101.
10. ASTM C311, Standard Test Methods for Sampling and Testing Fly Ash or Natural Pozzolans for Use as a Mineral Admixture in Portland-Cement Concrete, 2000.
11. ASTM C109, Standard test method for compressive strength of hydraulic cement mortars, 2013.
12. ASTM C642-06, Standard test method for density, absorption, and voids in hardened concrete, 2006.
13. Kim Hyo, Lee Ji-Young, in World of Coal Ash (WOCA) Conference, Lexington, Effect of ash particle sizes on the compressive strength  and thermal conductivity of geopolymer synthesized with alkali activated low-calcium ground coal bottom ash 2017.
 
Nhóm tác giả: Hoàng Văn Hà, Phương Thảo, Nguyễn Minh Ngọc, Đỗ Quang Trung, Vũ Hà Giang, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hải Minh, Trần Hồng Côn
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN
 

Cùng chuyên mục

5 Giải pháp thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số tại Gia Lai

28/03/2024 - 08:32

Năm 2024, tỉnh Gia Lai quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và huy động sự tham gia tích cực của người dân trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 1
  • 5
  • 7
  • 9