Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:03 - GMT+7

TKV quyết liệt tái cơ cấu, đổi mới công nghệ

Để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng TK trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý,… trong thời gian qua, TKV đã quyết liệt triển khai việc tái cơ cấu doanh nghiệp và đổi mới công nghệ theo Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

03/06/2019 - 09:11

Để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý,… trong thời gian qua, TKV đã quyết liệt triển khai việc tái cơ cấu doanh nghiệp và đổi mới công nghệ theo Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017. 

Tinh gọn tổ chức 

TKV đã tinh gọn bộ máy tổ chức từ Tập đoàn đến các đơn vị. Nếu như 5 năm trước đây, Tập đoàn có tổng số lao động lên đến gần 140.000 người, riêng lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất than tại Quảng Ninh đã lên tới trên 100.000 người, thì đến nay TKV còn 98.000 lao động.

Bên cạnh đó, TKV còn tổ chức kết nối liên thông hàng loạt các mỏ hầm lò, các khu vực khai thác đồng mức ở Quảng Ninh như: khu vực Tân Dân, Hạ My (huyện Hoành Bồ) với khu vực Đồng Vông (thành phố Uông Bí); khu vực Cái Đá với Bắc Bàng Danh (thành phố Hạ Long); khu vực Khe Chàm I với Khe Chàm III; sắp tới là Khe Chàm II-IV (Cẩm Phả) và các mỏ Núi Béo, Hà Lầm…

Quá trình kết nối các đơn vị tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn trong cùng hệ thống. Kết quả, số lượng lao động giảm nhưng tổng sản lượng khai thác than của TKV vẫn giữ ở mức gần 40 triệu tấn/năm và nhiều sản phẩm khoáng sản, alumin, vật liệu nổ công nghiệp, điện, cơ khí; tổng giá trị doanh thu của TKV hiện nay đạt gần 130.000 tỷ đồng/năm.

Đổi mới công nghệ

TKV đã chủ động xây dựng chương trình hành động ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý kinh doanh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến xây dựng các “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”.

Về ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất hầm lò, TKV đã nâng số lò chợ áp dụng khấu than bằng máy combain, trong đó Công ty CP than Hà Lầm có lò chợ công suất cao nhất đạt 1.200.000 tấn/năm. Các đơn vị khác như Công ty than Vàng Danh, Nam Mẫu, Dương Huy cũng có những lò chợ khấu than bằng máy công suất từ 450.000 - 600.000 tấn/năm.

Trong lĩnh vực tự động hóa, tin học hóa, các đơn vị đã ứng dụng hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động; hệ thống quản lý khí mỏ, hầm bơm nước tự động; hệ thống quản lý nhân lực ra vào lò; hệ thống quản lý, đo đếm phương tiện kho bãi tự động; hệ thống vận hành thiết bị băng tải, máy cào liên động; hệ thống quan trắc môi trường tự động; các phần mềm quản lý nhân sự, kế toán, tài chính, công văn, hóa đơn điện tử ...

Kết quả, những công trình tự động hóa đã thay thế con người, giảm nhân lực vận hành: hệ thống băng tải giếng chính của Công ty than Mạo Khê giảm 70% nhân lực vận hành; hệ thống tự động hóa trạm quạt gió của Công ty than Núi Béo giảm 50% nhân lực; tự động hóa tuyến băng tải lò XV-300 của Công ty than Hà Lầm giảm 40% nhân lực; tự động hóa tuyến băng tải giếng chính của Công ty than Khe Chàm giảm 50% nhân lực; hệ thống tự động hóa hầm bơm Hà Lầm giảm 50% nhân lực…

Nhờ đó, năng suất lao động tổng hợp thực hiện trong năm 2018 tính theo doanh thu đạt trên 1,1 tỉ đồng/người/năm, bằng 115,8% so với thực hiện năm 2017. 

Thanh Lâm 

 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 9
  • 2
  • 3
  • 1
  • 7