Chủ nhật, 15/09/2024 | 12:41 - GMT+7
Năm 2018 đánh dấu sự hình thành các xu hướng mới trong mảng bán lẻ trực tuyến, trong đó có xu hướng tích hợp các ứng dụng video, tìm kiếm hình ảnh… Các công cụ tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh, giọng nói, thử sản phẩm trong các phòng thay đồ ảo… sẽ trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam.
12/04/2019 - 10:50Năm 2018 đánh dấu sự hình thành các xu hướng mới trong mảng bán lẻ trực tuyến, trong đó có xu hướng tích hợp các ứng dụng video, tìm kiếm hình ảnh… Các công cụ tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh, giọng nói, thử sản phẩm trong các phòng thay đồ ảo… sẽ trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam.
Không cần ra khỏi nhà, người tiêu dùng vẫn có thể mở xem những căn hộ được rao bán trên mạng hoặc thử các bộ quần áo thời trang thông qua công nghệ thực tế ảo (VR-Virtual Reality). Việc tích hợp các công nghệ xử lý hình ảnh, video vào hệ thống bán lẻ, trang web kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) hứa hẹn sẽ là một xu hướng mới tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bán hàng với công nghệ thực tế ảo
Tại diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2018, người đại diện Công ty cổ phần phát triển công nghệ thực tế ảo Việt Nam (VRTech), cho biết công ty sử dụng công nghệ thực tế ảo để cung cấp hình ảnh của sản phẩm cho khách hàng xem, hỗ trợ một phần trong hoạt động kinh doanh TMĐT. Công ty này hiện cung cấp một số ứng dụng cụ thể cho các doanh nghiệp bán lẻ như giới thiệu căn hộ mẫu với kính thực tế ảo. Hoặc hỗ trợ hoạt động truyền thông, tiếp thị các dự án bất động sản với công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR-Augmented Reality), giúp khách hàng xem các căn hộ mẫu, thiết kế khu chung cư khi chúng còn chưa xây xong.
Theo các chuyên gia, công nghệ thực tế ảo tăng cường sẽ trở thành xu hướng chủ đạo khi AR hỗ trợ hoạt động kinh doanh trực tuyến trở nên sống động như thật trong năm 2018. Các thương hiệu bán lẻ, các doanh nghiệp TMĐT lớn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người dùng trải nghiệm các sản phẩm dưới hình dạng 3D trong không gian ảo. Với công nghệ VR, người mua hàng sẽ có thể nhìn thấy chính xác vật thể trong bất kỳ không gian nào và xem nó phù hợp hay không trước khi quyết định mua hàng, đối với mọi sản phẩm.
Trên thực tế, nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon đã cung cấp tính năng video AR, cho phép khách hàng xem hàng ngàn sản phẩm trong nhà và văn phòng trước khi mua, bao gồm thiết bị điện tử và dụng cụ khác nhau. Hoặc ứng dụng Ikea Place sẽ giúp khách hàng “đi chợ nội thất” thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường, cho phép người mua trải nghiệm các sản phẩm nội thất của Ikea (hệ thống bán lẻ nội thất) ở bất kỳ không gian nào.
Ở Việt Nam như đã nói ở trên, một số dự án bất động sản đã có sự hiện diện của các công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường trong việc giới thiệu các căn hộ mẫu. Thông qua hệ thống hình ảnh, video 3D… khách hàng có thể tham quan căn hộ mẫu giống như mình đang tới tận nơi để nhìn ngắm, đo đạc các ngóc ngách trong căn hộ.
Tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh
Nói về xu hướng kinh doanh trực tuyến, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT (thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), nhận xét: xu hướng kinh doanh trực tuyến thay đổi nhanh chóng trong mấy năm gần đây. Trước đây, hoạt động kinh doanh trên mạng chủ yếu dựa trên việc mô tả sản phẩm, đánh dấu các từ khóa quan trọng... thì dự báo đến năm 2020-2021, việc tìm kiếm từ khóa, sản phẩm bằng hình ảnh (Product Seacrh) và giọng nói (Voice Search) sẽ trở nên phổ biến, ước tính chiếm 50% số lượng tìm kiếm trên Internet.
Thay vì gõ từ khóa về sản phẩm vào ô tìm kiếm như hiện nay, người dùng có thể đưa hình ảnh sản phẩm vào thanh tìm kiếm trên các trang web hoặc ứng dụng mua sắm trực tuyến rồi nhấn nút Enter để tìm các sản phẩm tương tự. Đây sẽ là cơ hội bán hàng cho các doanh nghiệp TMĐT khi ngôn ngữ hoặc tên sản phẩm (tên khó nhớ) không còn là rào cản đối với việc tìm kiếm sản phẩm của khách hàng.
Hoạt động mua sắm thông qua hình ảnh và tìm kiếm sản phẩm đang dần trở nên phổ biến hơn trê thế giới, trong đó có Việt Nam khi có sự tham gia của Amazon hoặc Ebay. Giả sử khi người dùng sử dụng điện thoại chụp ảnh một sản phẩm chưa biết và sau đó tìm kiếm nó thông qua công cụ Product Search trên Amazon, họ sẽ biết ngay đó là cái gì. Tương tự, Ebay đang cung cấp tính năng kéo-thả (drag-and-drop) các hình ảnh mà người dùng muốn tìm kiếm vào thanh tìm kiếm. Ví dụ, nhìn thấy một chiếc ví Hello Kitty trên ứng dụng, người dùng chỉ cần kéo hình ảnh chiếc ví đó vào ô tìm kiếm trên Ebay để tìm sản phẩm giống như vậy một cách dễ dàng.
Ứng dụng công nghệ tại Việt Nam
Các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, sàn TMĐT tại Việt Nam chỉ mới bước đầu ứng dụng một số công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… cho các hoạt động chăm sóc khách hàng, tiếp thị trực tuyến…; chưa đầu tư sâu cho mảng công nghệ hình ảnh, video dùng các công nghệ VR, AR. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài ngành TMĐT; ví dụ như du lịch, kinh doanh khu nghĩ dưỡng, bất động sản… lại quan tâm nhiều tới công nghệ VR, AR và bước đầu triển khai cho hoạt động tiếp thị, bán hàng. Đây cũng là một phần trong hoạt động kinh doanh trực tuyến với phương thức giao dịch, giới thiệu sản phẩm với khách hàng qua mạng.
Một vài công ty giao nhận trong mảng TMĐT đang ứng dụng công nghệ máy học (Machine Learning), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) cộng với khai thác dữ liệu giao thông trên nền tảng Google Maps để tối ưu quảng đường giao nhận hàng hoá, lộ trình giao hàng hợp lý cho các shipper (nhân viên giao nhận). Hệ thống này sẽ dự đoán các khả năng có thể xảy ra trong mạng lưới giao thông hiện hữu dựa trên số dữ liệu có thể khai thác được.
Các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee… hiện nay tập trung tối ưu giao diện người dùng, cung cấp các tính năng tiện ích như chat “nóng” với người bán, giới thiệu bạn bè (về sản phẩm)… Những công nghệ mới theo xu hướng mua sắm hiện đại như tìm kiếm bằng hình ảnh sản phẩm giống như Amazon hoặc Ebay tạm thời vẫn chưa có.
Về cơ bản, ứng dụng công nghệ đáng kể nhất và có thể dễ nhìn thấy (từ góc nhìn người tiêu dùng) của các doanh nghiệp TMĐT là chatbot và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp dùng chatbot để giao tiếp với khách hàng, trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc về sản phẩm… Xu hướng phát triển công nghệ đã định hình nhưng chưa biết đến bao giờ các doanh nghiệp trong nước mới triển khai ứng dụng. Hiện tại, các nhà phát triển ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường… đã sẵn sàng cung cấp các ứng dụng thực tế giúp các nhà bán lẻ trực tuyến tăng nhanh doanh thu trong thời đại 4.0.
Mua sắm bằng giọng nói sẽ lên ngôi? Theo kết quả nghiên cứu của công ty phân tích thị trường ComScore, dự báo đến năm 2020 sẽ có ít nhất 50% số lượt tìm kiếm trên các trang web sẽ được thực hiện bằng giọng nói. Trong năm 2018, xu hướng mua sắm trực tuyến bằng giọng nói có dấu hiệu tăng trưởng với sự hỗ trợ của các phần mềm ứng dụng “trợ lý ảo” như Google Assistant hay Amazon Alexa (ra lệnh tìm kiếm bằng giọng nói). Hiện tại, các sản phẩm loa thông minh như Google Home hay Amazon Echo với sự hỗ trợ của các “trợ lý ảo” Google Assistant hay Amazon Alexa cho phép người tiêu dùng dễ dàng thực hiện việc tìm kiếm sản phẩm bằng giọng nói khi kết nối Internet. Như vậy, các nhà bán lẻ cũng phải tiến hành mở rộng phương thức giao tiếp bằng giọng nói với người dùng, đón nhận xu hướng này. Trên thực tế, chuỗi nhà hàng Domino’s Pizza cho phép người dùng đặt bánh pizza và kiểm tra trạng thái đơn đặt hàng bằng giọng nói. Hoặc hệ thống bán lẻ Walmart (Mỹ) đã cho phép khách hàng có thể đặt mua hàng triệu sản phẩm của Walmart bằng giọng nói thông qua nền tảng thương mại điện tử Google Express của hãng Google. Các công ty khác như Target, Costco, Kohl’s, Bed Bath & Beyond, Staples, Walgreens… cũng có những thỏa thuận hợp tác mua sắm bằng giọng nói tương tự với Google Express. Các trợ lý ảo giọng nói như Google Assistant sẽ dự đoán những thứ khách hàng sẽ muốn mua dựa trên các giao dịch mua sắm trước đó (dữ liệu mua sắm). Walmart bắt tay với Google để cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ mua sắm qua giọng nói (trợ lý ảo Alexa) mà Amazon đang dùng nhằm thúc đẩy các chương trình bán hàng giảm giá. |
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn online
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa có thông báo về kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 của các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời biểu dương, trao tặng Bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này.