Thứ năm, 25/04/2024 | 06:21 - GMT+7

Siemens cam kết hỗ trợ Việt Nam trong kỷ nguyên số

Tiến sĩ Phạm Thái Lai - Tổng giám đốc Siemens Việt Nam - trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương về những hỗ trợ của tập đoàn cho ngành công nghiệp sản xuất và ngành năng lượng của Việt Nam để tận dụng các cơ hội tiến vào "kỷ nguyên 4.0".

28/03/2019 - 09:11

Tiến sĩ Phạm Thái Lai - Tổng giám đốc Siemens Việt Nam - trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương về những hỗ trợ của tập đoàn cho ngành công nghiệp sản xuất và ngành năng lượng của Việt Nam để tận dụng các cơ hội tiến vào "kỷ nguyên 4.0".

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo ông, Siemens có thể hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất và ngành năng lượng của Việt Nam những gì để tận dụng các cơ hội nói trên?

Tiến sĩ Phạm Thái Lai

Việt Nam đang ở trong thời kỳ phát triển nhanh và số hóa chính là một cơ hội cho Việt Nam vươn xa và trở thành một nước công nghiệp hóa trong tương lai gần. Số hóa là một trong 5 xu hướng toàn cầu lớn và đang làm thay đổi thế giới. Số hóa có thể giúp các nhà sản xuất đạt được chuỗi giá trị hoàn chỉnh bắt đầu từ khâu thiết kế sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất, chế tạo đến sản xuất sản phẩm và cuối cùng là dịch vụ. Bắt kịp tiến độ đó, Siemens cung cấp giải pháp tổng thể để tích hợp các chuỗi giá trị của nhà sản xuất. Chúng tôi là nhà cung cấp công nghệ duy nhất có danh mục sản phẩm toàn diện nhằm giải quyết tất cả 5 bước trên. Chúng tôi không chỉ là nhà cung cấp sản phẩm hay hệ thống mà còn là một nhà tư vấn đưa ra lời khuyên để tùy chỉnh và điều chỉnh một lộ trình số hóa lý tưởng cho các khách hàng.

Năm 2017, Tập đoàn Vingroup đã tin tưởng chọn Siemens là đối tác để cung cấp giải pháp công nghệ xây dựng doanh nghiệp số, cũng như xây dựng hệ thống quản lý vòng đời xe và vận hành nhà máy VinFast theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

VinFast - doanh nghiệp sản xuất ôtô quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, đã lựa chọn Bộ Phần mềm Quản lý Vòng đời Sản phẩm (PLM) của Siemens để giúp Vinfast phát triển kế hoạch thiết kế các thế hệ tiếp theo của xe ôtô và các phương tiện vận chuyển khác. Siemens hiện đang cung cấp trọn gói giải pháp số hóa cho toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất ôtô của nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) và giải pháp này có thể giúp Vinfast đạt được mục tiêu tạo ra thương hiệu ôtô và xe máy điện đầu tiên của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và sản xuất tại Việt Nam.

Vừa qua, Siemens tiếp tục ký kết một bản hợp đồng quan trọng với VinFast về việc cung cấp công nghệ và linh kiện cho dự án sản xuất xe buýt điện của VinFast (eBus). Dự án không chỉ góp phần cải thiện môi trường đô thị, mà còn cải thiện hệ thống giao thông công cộng ở các trung tâm thành thị.

Trong lĩnh vực năng lượng, Siemens cung cấp và xây dựng các nhà máy điện dùng công nghệ tua bin khí và tua bin hơi hiệu suất cao bảo đảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu sơ cấp. Siemens hiện đang có một danh mục rộng các tua bin khí và hơi, đặc biệt là các dòng tua bin khí công suất lớn nhất thế giới như tua bin thế hệ H và mới nhất là HL.

Ngoài ra, Siemens có thể cung cấp các thiết bị đóng cắt/bảo vệ và giải pháp truyền tải độ tin cậy cao với tổn thất thấp cũng như các giải pháp số hóa cho nguồn và lưới điện thông minh. Thiết bị và giải pháp cho điện gió của Siemens mang lại hiệu quả cao nhất cho việc đầu tư.

Khai mạc Ngày hội công nghệ số hóa đầu tiên của Siemens tại Việt Nam

Về điện mặt trời, Siemens đã và đang cung cấp cho các nhà đầu tư năng lượng mặt trời giải pháp tổng thể hệ thống điện của nhà máy (eBoP), giúp cung cấp điện tin cậy và kết nối thông minh với lưới điện.

Ông có thể chia sẻ thêm những đóng góp chủ chốt của Siemens cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong 25 năm qua?

Trong suốt 3 thập kỷ qua, chúng tôi luôn sát cánh cùng các khách hàng, đối tác tại Việt Nam thực hiện thành công hàng trăm dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng. Chúng tôi rất tự hào khi được hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường nhân lực và đổi mới sáng tạo, cũng như bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực năng lượng, tính đến năm 2017, tổng công suất đặt của Việt Nam vào khoảng 43GW, sản lượng điện khoảng 181 tỷ kWh, trong đó các tua bin của Siemens đóng góp khoảng hơn 10% trong tổng sản lượng điện hàng năm của cả nước. Siemens là nhà cung cấp, xây dựng và bảo trì các nhà máy nhiệt điện tua bin khí hiệu quả cao và thân thiện với môi trường nhất tại Việt Nam như: nhà máy điện chu trình kết hợp (CTKH).

Phú Mỹ 3 với công suất 740MW, nhà máy CTKH Cà Mau 1&2 với tổng công suất 1,500MW và nhà máy CTKH Nhơn Trạch 2 với công suất 750MW. Trong 20 năm qua các nhà máy điện do Siemens xây dựng và bảo trì ở Việt Nam đã góp phần sản xuất hơn 175 tỷ kWh cho đất nước.

Siemens Gamesa đang lắp đặt và thi công trang trại gió Đầm Nại với công suất 39 MW. Cuối tháng 9 vừa qua Siemens Gamesa tiếp tục nhận được hợp đồng cung cấp, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng tua bin gió cho dự án điện gió Phương Mai 3 tại tỉnh Bình Định. Những nhà máy điện gió này sẽ góp phần đáng kể vào nguồn năng lượng tái tạo cho Việt Nam.

Tháng 7 năm 2018, Siemens đã được giao hợp đồng cung cấp hệ thống điện cho Tập đoàn Trung Nam tại Việt Nam để đưa nhà máy điện mặt trời lớn nhất cả nước đi vào hoạt động. Khi đưa vào vận hành, nhà máy có thể đạt tổng sản lượng điện khoảng 425 triệu kWh một năm, đủ để cung cấp điện cho khoảng 200,000 hộ dân và giảm phát thải khoảng 250,000 tấn khí CO2.

Siemens là một trong những nhà cung cấp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện. Hàng trăm trạm 110kV và 220kV cùng hàng chục trạm 500kV đang được trang bị các sản phẩm trung, cao thế và rơ le bảo vệ của Siemens. Đáng kể nhất là vào năm 2017, Siemens đã cung cấp và lắp đặt thành công cho EVN hệ thống quản lý SCADA và trạm không người trực 110kV, giúp kết nối 21 tỉnh, thành phố ở khu vực miền nam Việt Nam theo phương thức hoàn toàn tự động hóa. Chúng tôi cũng là công ty dẫn đầu về lĩnh vực tự động hóa tại Việt Nam. Giải pháp tự động hóa của chúng tôi đã giúp các khách hàng trong các ngành công nghiệp như xử lý nước, thực phẩm và đồ uống, giấy, xi măng, máy móc, hóa chất, kim khí và các ngành công nghiệp khác nhằm tăng cường hiệu suất, hiệu quả năng lượng và tính linh hoạt trong khi giảm thiểu tác động đến môi trường. Ví dụ như giải pháp Tự động hóa Tích hợp Toàn phần (TIA) của Siemens giúp các khách hàng Việt Nam giảm thời gian thiết kế và thi công từ 30% đến 50%, nhờ vậy có thể giảm đáng kể chi phí sản xuất và tiết kiệm năng lượng. Siemens cũng cung cấp hệ thống động tích hợp cho Nhà máy nước Thủ Đức 3, giúp giảm thiểu áp lực về nước sạch tại bốn quận ngoại thành và một số khu vực thuộc 2 quận trung tâm của TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là vào mùa khô. Chúng tôi đã triển khai quy trình hiện đại hóa cho Cảng Sài Gòn Mới, giúp các khách hàng tăng cường hiệu quả đáng kể hoạt động xếp dỡ hàng hóa.

Bộ phận Công nghệ Tòa nhà của Siemens với giải pháp Hệ thống Quản lý Tòa nhà (BMS) cùng các tính năng vượt trội về hiệu quả năng lượng, bảo mật, an toàn và tiện nghi đã được lắp đặt cho nhiều công trình lớn tại Việt Nam như Tòa nhà Tài chính Bitexco tại TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hà Nội, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình… Gần đây nhất, Siemens cung cấp BMS và hệ thống báo cháy cho Ngôi nhà Đức - một trong những tòa nhà văn phòng bền vững và thân thiện với môi trường nhất tại Việt Nam.

Vậy, cam kết của Siemens dành cho Việt Nam thời gian tới là gì?

Chúng tôi cam kết là đối tác tin cậy của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam một cách tốt nhất, hiệu quả nhất trên con đường hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Công Thương

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 4
  • 1
  • 6
  • 9
  • 4