Thứ năm, 25/04/2024 | 20:54 - GMT+7

TP.HCM phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao.

25/08/2018 - 08:15

Ngành công nghiệp vi mạch (hay còn gọi là ngành công nghiệp bán dẫn – semiconductor industry) là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp như một siêu máy tính cho đến các sản phẩm đơn giản dân dụng như máy giặt.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, được Chính phủ và các bộ-ngành Trung ương đánh giá cao. Thành phố xác định: phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến là một trong những lĩnh vực quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Khi triển khai thực hiện Đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, công nghệ vi mạch bán dẫn và cảm biến đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành hạ tầng để vận hành các ứng dụng.

Chip cảm biến áp suất dùng để đo mực nước được giới thiệu tại Diễn đàn MEMS/Sensor, một sản phẩm của chương trình vi mạch TPHCM. (Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng)

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh, đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm công nghệ cảm biến bán dẫn có nhu cầu rất lớn của thị trường trong nước và thế giới. Cụ thể, SHTP, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Công viên phần mềm Quang Trung và một số doanh nghiệp vi mạch đã làm chủ các công đoạn chế tạo chip và đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm vi mạch bán dẫn.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, từ năm 2012, thành phố đã chủ động nghiên cứu và triển khai “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch” dựa vào bốn thế mạnh: Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đang được đào tạo, làm việc và các chuyên gia hàng đầu từ các nước trên thế giới đến thành phố làm việc, sinh sống; tính chủ động, tiên phong đột phá trong tư duy phát triển và ứng dụng công nghệ vi mạch của các doanh nghiệp trên địa bàn; thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch” và đang xem xét để nâng cấp thành Chương trình quốc gia trong thời gian tới; đồng thời là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là trung tâm giáo dục - khoa học - y tế và công nghệ cao của cả nước. Do đó, hứa hẹn thành phố sẽ trở thành thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng cho phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến...

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tháng 7/2017, TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030”. Theo đó, mục tiêu đề ra là phát triển công nghiệp vi mạch điện tử trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đô thị thông minh, góp phần triển khai thành công các chương trình đột phá của thành phố nhằm giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm. Từ đó củng cố vị thế của thành phố là mũi nhọn phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật của cả nước.

Thực hiện chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, 5 năm qua, thành phố đã cấp kinh phí cho 18 đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với kinh phí hơn 68 tỷ đồng. Chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại có tên “SG-8V1” là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức đưa ra thị trường có khả năng cạnh tranh cả về giá lẫn tính năng. Đồng thời, đào tạo gần 500 chuyên viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, đáp ứng một phần nhu cầu về nhân lực của các công ty trong nước.

Mai Ngọc

Cùng chuyên mục

Cần chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

22/04/2024 - 08:40

Theo các chuyên gia, để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần có cơ chế, chính sách đột phá như: Hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo...

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 4
  • 7
  • 7
  • 9
  • 1